Trang chủ Quốc tế Chính sách của Trung Quốc đối với Mỹ từ năm 2012 đến...

Chính sách của Trung Quốc đối với Mỹ từ năm 2012 đến nay

10
0

Bài viết khái quát những nét chính trong chính sách của Trung Quốc đối với Mỹ, đánh giá về điểm tiếp tục, điểm khác biệt từ năm 2012 đến nay. Bài viết là kết quả nghiên cứu của đề tài Mã số: KX.04.37/21-25

Chính sách của Trung Quốc đối với Mỹ từ năm 2012 đến nayẢnh minh họa: tuoitre.vn

Quan hệ Trung – Mỹ kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao đến nay đã trải qua hơn 40 năm phát triển. Mỗi thế hệ lãnh đạo của Trung Quốc đều thực hiện mục tiêu, chiến lược phát triển cụ thể. Qua mỗi thế hệ, Trung Quốc đều có sự thay đổi rõ rệt về sức mạnh tổng hợp quốc gia, ảnh hưởng đến cán cân quyền lực Mỹ – Trung theo hướng ngày càng có lợi cho mình, từ đó có tác động ngược trở lại đối với chiến lược và chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc. Quan hệ Trung – Mỹ dưới thời Tập Cận Bình là thế hệ lãnh đạo thứ 5 của Trung Quốc cùng thời gian với nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Obama, nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump 2017-2021 và Tổng thống Joe Biden từ năm 2021 đến nay) đã có sự thay đổi sâu sắc, cạnh tranh mang tính chiến lược một cách toàn diện, trực diện.

1. Định vị của Trung Quốc đối với Mỹ và quan hệ Trung – Mỹ

Trung Quốc xác định Mỹ là nước phát triển lớn nhất thế giới, còn Trung Quốc là nước đang phát triển lớn nhất thế giới. Mỹ là nhân tố lớn nhất ảnh hưởng đến môi trường bên ngoài của Trung Quốc và quan hệ Trung – Mỹ có liên quan trực tiếp đến sự phát triển của Trung Quốc. Vì vậy, từ góc độ chiến lược, Trung Quốc coi quan hệ với Mỹ là ưu tiên hàng đầu trong quan hệ đối ngoại, cố gắng bảo đảm sự ổn định, phát triển bền vững.

Từ năm 2012 đến nay, Trung Quốc vẫn tiếp tục duy trì định vị chiến lược này, luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ Trung – Mỹ cũng như xử lý quan hệ Trung – Mỹ ở mọi cấp độ, đối với mỗi nước, quan hệ song phương và đối với thế giới. Ông Tập Cận Bình nhấn mạnh “với tư cách là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và là hai nền kinh tế hàng đầu thế giới, chúng ta không những phải dẫn dắt sự phát triển của quan hệ Trung – Mỹ đi đúng hướng, mà còn phải gánh vác trách nhiệm quốc tế xứng đáng của mình, nỗ lực vì hòa bình và yên bình của thế giới”(1).

Trong cuộc điện đàm đầu tiên với Tổng thống Donald Trump, ông Tập Cận Bình đã khẳng định sự cấp bách và cần thiết phải tăng cường hợp tác giữa hai nước lớn của thế giới: “Đối mặt với tình hình quốc tế phức tạp hiện nay và những thách thức vô tận, sự cần thiết và cấp bách để Trung Quốc và Hoa Kỳ tăng cường hợp tác ngày càng gia tăng… Cải thiện quan hệ Trung – Mỹ là vì lợi ích cơ bản của nhân dân hai nước, đồng thời cũng là trách nhiệm xứng đáng với tư cách là hai nước lớn đối với thế giới của Trung Quốc và Mỹ”(2).

Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Biden ngày 11-2-2021, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho rằng “trong nửa thế kỷ qua, một trong những sự kiện quan trọng nhất trong quan hệ quốc tế là việc khôi phục và phát triển quan hệ Trung – Mỹ… Sự hợp tác giữa Trung Quốc và Mỹ có thể đạt được nhiều điều lớn lao có lợi cho cả hai nước và thế giới, sự đối đầu giữa Trung Quốc và Mỹ chắc chắn sẽ là một thảm họa cho cả hai nước và thế giới”(3).

Tháng 9-2021, ông nhắc lại nội dung này: “Trung – Mỹ lần lượt là nước đang phát triển lớn nhất và nước phát triển lớn nhất, Trung – Mỹ có thể giải quyết tốt quan hệ với nhau liên quan đến vận mệnh tương lai của thế giới, là câu hỏi thế kỷ mà hai nước cần phải trả lời tốt. Trung – Mỹ hợp tác, hai nước và thế giới được lợi ích; Trung – Mỹ đối kháng, hai nước và thế giới đều sẽ thiệt hại. Quan hệ Trung – Mỹ không phải là câu hỏi lựa chọn làm tốt hay không, mà là câu hỏi phải trả lời làm tốt như thế nào”(4).

2. Về chủ trương, Trung Quốc khẳng định không muốn đối đầu với Mỹ

Trung Quốc khẳng định không muốn đối đầu, hai nước cần tăng cường hợp tác và chung sống hòa bình với nhau. Điều này được thể hiện thường xuyên trong các văn kiện, phát biểu của lãnh đạo Trung Quốc: “Quan hệ Trung – Mỹ không nên là cuộc cạnh tranh có tổng bằng không, tôi thua anh thắng, anh thịnh tôi suy, mỗi nước giành được thành công sẽ là cơ hội cho nhau chứ không phải là thách thức”(5). Ông Tập Cận Bình đã nhiều lần dùng hình ảnh hai con tàu khổng lồ để nói về hai nước: “Hai nước Trung – Mỹ là hai con tàu khổng lồ đang đi trên biển, chúng ta phải giữ vững bánh lái để hai con tàu cùng nhau tiến lên trước sóng gió mà không bị lệch, mất tốc độ, càng không thể va chạm với nhau”(6).

Nguyên nhân cần phải duy trì quan hệ Trung – Mỹ ổn định là bởi lợi ích của hai nước đan xen sâu sắc, lợi ích chung lớn hơn khác biệt, sự phát triển của mỗi nước mang lại cơ hội cho nước kia. Trong cuộc hội đàm với Tổng thống Barack Obama tại Washington ngày 25-9-2015, Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh rằng, thế giới ngày nay đã bước vào kỷ nguyên toàn cầu hóa kinh tế, trong đó các quốc gia phụ thuộc lẫn nhau. Do vậy, nên từ bỏ các khái niệm cũ về “bạn thua, chúng tôi thua và trò chơi có tổng bằng không” và thiết lập một khái niệm mới về phát triển hòa bình và hợp tác cùng có lợi. Nếu Trung Quốc phát triển tốt sẽ có lợi cho thế giới và Mỹ, nếu Mỹ phát triển tốt thì cũng có lợi cho thế giới và Trung Quốc. Lợi ích chung của hai nước vượt xa sự khác biệt (7).

Nguyên nhân quan trọng khác là thế giới có đủ không gian cho sự phát triển của hai nước. Ngay khi mới nhậm chức, trong cuộc gặp với Tổng thống Obama, ông Tập Cận Bình đã nêu lên vấn đề này, khi đó ở cấp độ khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Trong cuộc hội đàm với Tổng thống Biden tháng 11-2022, ông nhắc lại điều này trong không gian rộng lớn hơn, đó là trái đất – thế giới: “Trái đất rộng lớn hoàn toàn có thể chứa được sự phát triển của mỗi bên, sự phồn vinh chung của hai nước”(8). Tháng 6-2023, ông nhắc lại quan điểm này một lần nữa(9).

Hơn nữa, “cạnh tranh nước lớn không phù hợp với xu thế của thời đại, càng không thể giải quyết được vấn đề của bản thân nước Mỹ và thách thức mà thế giới phải đối mặt”(10). Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Biden ngày 28-7-2022, Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh “từ góc độ cạnh tranh chiến lược nhìn nhận và định nghĩa quan hệ Trung – Mỹ, coi Trung Quốc là đối thủ chủ yếu nhất và là thách thức lâu dài nghiêm trọng nhất, là phán đoán sai lầm đối với quan hệ Trung – Mỹ và hiểu sai về sự phát triển của Trung Quốc, sẽ tạo nên dẫn dắt sai đối với nhân dân hai nước và cộng đồng quốc tế”(11).

Cuối cùng, sự ổn định, phát triển của quan hệ hai nước mang lại lợi ích cho không chỉ hai nước mà còn cho cả thế giới và khu vực. “Thế giới cần quan hệ Trung – Mỹ ổn định tổng thể, hai nước có thể chung sống, xử lý chính xác với nhau hay không có ảnh hưởng đến vận mệnh tương lai của nhân loại”, “hiện nay, cộng đồng quốc tế nhìn chung lo lắng về hiện trạng quan hệ Trung – Mỹ, không muốn chứng kiến hai nước xung đột, đối đầu, không muốn chọn bên nào giữa Trung Quốc và Mỹ, họ mong đợi để cùng tồn tại hòa bình và hợp tác hữu nghị giữa hai nước”(12).

3. Nêu rõ cam kết đối với Mỹ và những điểm Trung Quốc sẽ kiên định

Trung Quốc đưa ra các cam kết để bảo đảm cho quan hệ Trung – Mỹ phát triển ổn định, đó là tôn trọng lợi ích của Mỹ, không can thiệp vào công việc nội bộ của Mỹ, không có ý định thay đổi trật tự quốc tế hiện có, không có ý thách thức và thay thế Mỹ: “Từ trước đến nay, Trung Quốc không theo đuổi thay đổi trật tự quốc tế hiện có, không can thiệp vào công việc nội bộ của Mỹ, không có ý thách thức và thay thế Mỹ”(13). “Trung Quốc tôn trọng lợi ích của Mỹ, không thách thức và thay thế Mỹ”(14).

Trước tình hình quan hệ Trung – Mỹ đã đi xuống mức thấp nhất kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, tính khó đoán định ngày càng tăng, khiến dư luận lo lắng quan hệ Trung – Mỹ sẽ rơi vào Chiến tranh Lạnh, năm 2022, Trung Quốc đã nêu rõ 5 điểm xác định đối với Mỹ: Thứ nhất, triển vọng phát triển của tự thân Trung Quốc là xác định. Kế hoạch và mục tiêu phát triển tiếp theo của Trung Quốc đã được xác định tại Đại hội XX. Nền kinh tế Trung Quốc đủ lớn, sự dẻo dai đủ mạnh. Trung Quốc thực hiện hiện đại hóa, 1,4 tỷ người hướng đến cùng giàu có, sẽ mang lại thị trường và cơ hội phát triển nhiều hơn cho các nước trên thế giới, trong đó có Mỹ. Thứ hai, quyết tâm cải cách mở cửa của Trung Quốc là xác định. Thứ ba, chính sách của Trung Quốc đối với Mỹ là xác định. Chế độ của hai nước Trung Quốc và Mỹ không giống nhau, là sự lựa chọn của nhân dân mỗi nước. Cả Trung Quốc và Mỹ không ai có thể thay thế được ai, không ai đánh bại được ai… Thứ tư, thái độ của Trung Quốc đối với việc tiếp tục tăng cường hợp tác kinh tế và thương mại giữa hai nước là xác định. Thứ năm, việc Trung Quốc sẵn sàng thực hiện phối hợp đa phương với Mỹ là xác định… Để đạt được mục tiêu này, nền tảng chính trị của quan hệ Trung – Mỹ phải được duy trì tốt, đặc biệt là nguyên tắc một Trung Quốc(15).

4. Định ra các nguyên tắc và ranh giới đỏ trong quan hệ với Mỹ

Trung Quốc nêu lên 3 nguyên tắc trong quan hệ với Mỹ là không xung đột, không đối kháng, tôn trọng lẫn nhau và hợp tác cùng có lợi. Đây chính là nội dung cốt lõi của quan hệ nước lớn kiểu mới mà Trung Quốc đã nêu ra với Mỹ từ năm 2013. Ông Tập Cận Bình đã giải thích về ba nguyên tắc này như sau: Đầu tiên là không có xung đột hay đối đầu, nghĩa là xử lý các ý định chiến lược của nhau một cách khách quan và hợp lý, kiên quyết coi là đối tác chứ không phải đối thủ, xử lý đúng đắn các mâu thuẫn và khác biệt thông qua đối thoại và hợp tác, thay vì đối đầu và xung đột. Thứ hai là tôn trọng lẫn nhau, nghĩa là tôn trọng hệ thống xã hội và con đường phát triển do mỗi bên lựa chọn, tôn trọng lợi ích cốt lõi và các mối quan tâm chính của nhau, tìm kiếm điểm chung trong khi bảo lưu sự khác biệt, khoan dung và học hỏi lẫn nhau, cùng nhau tiến bộ. Thứ ba là hợp tác đôi bên cùng có lợi, nghĩa là từ bỏ tư duy tổng bằng không, tính đến lợi ích của bên kia khi theo đuổi lợi ích của bản thân, thúc đẩy sự phát triển chung khi tìm kiếm sự phát triển của chính mình và không ngừng đào sâu mô hình tích hợp lợi ích(16).

Đến năm 2021, khi quan hệ Trung – Mỹ rơi vào trạng thái căng thẳng, phía Trung Quốc đã làm rõ hơn chính sách đối với Mỹ, thông qua việc nêu lên ba đường ranh giới đỏ không được vượt qua là: Thứ nhất, Mỹ không được thách thức, bôi nhọ, thậm chí là âm mưu lật đổ chế độ XHCN đặc sắc Trung Quốc. Thứ hai, Mỹ không được cản trở hoặc làm gián đoạn tiến trình phát triển của Trung Quốc. Thứ ba, Mỹ không được xâm phạm chủ quyền quốc gia của Trung Quốc, càng không được phá hoại toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc… Trong đó, vấn đề Đài Loan là quan trọng hàng đầu. Nếu “Đài Loan độc lập” dám khiêu khích, Trung Quốc có quyền áp dụng mọi biện pháp cần thiết để ngăn chặn. Trung Quốc khuyên phía Mỹ giữ lời hứa và hành động thận trọng trong vấn đề Đài Loan(17). Ông Tập Cận Bình nhấn mạnh, vấn đề Đài Loan là lợi ích cốt lõi của Trung Quốc, là cơ sở nền tảng chính trị của quan hệ Trung – Mỹ, là lằn ranh đỏ đầu tiên không thể vượt qua trong quan hệ Trung – Mỹ. Việc giải quyết vấn đề Đài Loan là công việc nội bộ của Trung Quốc(18).

5. Một số nhận xét, đánh giá

Những điểm Trung Quốc khẳng định trong chính sách đối với Mỹ từ năm 2012 đến nay là sự tiếp nối nguyên tắc, chính sách được đặt ra từ trước, đồng thời đã có sự bổ sung và có điểm khác biệt. Từ những năm 80 thế kỷ XX, Đặng Biểu Bình cho rằng, giữa hai nước Trung – Mỹ mặc dù có một số vướng mắc, có vấn đề và khác biệt nhưng suy cho cùng quan hệ Trung – Mỹ phải tốt lên(19) và đã coi quan hệ với Mỹ là quan trọng hàng đầu để Trung Quốc xoay chuyển tình thế về đối ngoại, tiến hành cải cách, mở cửa thuận lợi.

Sau Chiến tranh Lạnh, chiến lược của Trung Quốc đối với Mỹ là “theo đuổi hợp tác, không đối kháng”. Năm 1992, Giang Trạch Dân đã đưa ra phương châm chiến lược 16 chữ “tăng cường tin cậy, giảm bớt phiền phức, tăng cường hợp tác, không gây đối kháng”(20), đến năm 1997, trong chuyến thăm Mỹ, Giang Trạch Dân nêu phương châm “tăng thêm hiểu biết, mở rộng nhận thức chung, hợp tác phát triển, cùng xây dựng tương lai”(21). Sau đó, Hồ Cẩm Đào trong cuộc gặp đầu tiên với Barack Obama tại London ngày 01-4-2009, đã đề nghị cùng nhau nỗ lực xây dựng quan hệ Trung – Mỹ tích cực hợp tác toàn diện trong thế kỷ XXI(22).

Từ năm 1997 – 2001, Trung Quốc lần lượt đề cập với Mỹ xây dựng “quan hệ đối tác chiến lược mang tính xây dựng” và “quan hệ hợp tác mang tính xây dựng”. “Các nguyên tắc cơ bản đối với Mỹ mà lãnh đạo Trung Quốc luôn nhấn mạnh đó là các nguyên tắc đã được xác lập trong 3 thông cáo chung Trung – Mỹ, đặc biệt là nguyên tắc “một Trung Quốc”; tôn trọng lẫn nhau, cầu đồng tồn dị, bình đẳng hiệp thương, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; từ tầm cao chiến lược xem xét và xử lý quan hệ hai nước”(23).

Tuy nhiên, trong bối cảnh định vị của Mỹ đối với Trung Quốc có sự thay đổi, cạnh tranh chiến lược bộc lộ ngày càng rõ, Trung Quốc đã nhấn mạnh hơn đến nguyên tắc không đối kháng và bổ sung, nhấn mạnh rõ là không xung đột, coi đó là tiền đề, là cơ sở đầu tiên của quan hệ Trung – Mỹ. Đây cũng là một trong những nội hàm của quan hệ nước lớn kiểu mới mà Trung Quốc đề xuất với Mỹ. Đặc biệt, khác với trước đây, Trung Quốc không chỉ khẳng định mong muốn hợp tác, mà còn khẳng định tôn trọng lợi ích của Mỹ, không có ý định thay đổi trật tự quốc tế hiện có, không có ý thách thức và thay thế Mỹ. Tuy nhiên, diễn tiến của quan hệ Trung – Mỹ trong 10 năm qua lại cho thấy một mối quan hệ vô cùng phức tạp, tính cạnh tranh, đối kháng đã nổi lên có lúc lấn át xu thế hợp tác.

Chính sách đối với Mỹ từ năm 2012 đến nay thể hiện sự chủ động, tự tin ngày càng tăng lên của Trung Quốc. Điều này thể hiện qua việc năm 2013 ngay sau khi lên nắm quyền, ông Tập Cận Bình chủ động đề xuất xây dựng quan hệ nước lớn kiểu mới theo nguyên tắc không xung đột, không đối kháng, tôn trọng lẫn nhau, hợp tác cùng thắng với phía Mỹ. Các nguyên tắc này là thông điệp của Trung Quốc nhằm xóa bỏ lo ngại từ phía Mỹ, nhưng đồng thời cũng nêu lên yêu cầu với Mỹ, đó là Mỹ cần phải tôn trọng Trung Quốc, công nhận, thừa nhận vị trí, vai trò của Trung Quốc. Trung Quốc đã làm rõ hơn những nguyên tắc, yêu cầu, thậm chí là ranh giới đỏ với Mỹ, yêu cầu Mỹ không được vượt qua. Điều này thể hiện Trung Quốc muốn tránh những hiểu lầm chiến lược có thể gây ra hành động đáng tiếc, nhưng đồng thời cũng thể hiện sự tự tin, sự thay đổi trong tâm thế, vị thế của một nước đã vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Sự chủ động này còn được thể hiện qua việc tích cực thúc đẩy kết nối đối với mỗi chính quyền tổng thống mới của Mỹ. Chẳng hạn, mặc dù ông Donald Trump có thái độ không tích cực đối với Trung Quốc ngay từ khi tranh cử, nhưng sau khi ông Trump đắc cử Tổng thống, phía Trung Quốc đã tích cực kết nối. Riêng năm 2017, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Doldnal Trump đã có 9 cuộc điện đàm(24), hai cuộc hội đàm(25).

Sau khi ông Trump nhậm chức, Chủ tịch Tập Cận Bình đã gửi điện mừng, 5 ngày sau có cuộc điện đàm, sau đó đã đến Mar-a-Lago, Florida tổ chức cuộc gặp gỡ nguyên thủ Trung – Mỹ nhằm vạch ra lộ trình phát triển quan hệ Trung – Mỹ trong kỷ nguyên mới, thúc đẩy mở ra một chương mới trong quan hệ hai nước. Ông Tập Cận Bình nhấn mạnh hai bên “có hàng nghìn lý do để cải thiện quan hệ Trung – Mỹ, mà không có một lý do nào để hủy hoại quan hệ Trung – Mỹ”, khẳng định sẵn sàng mở rộng hợp tác thiết thực trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi, đồng thời giải quyết những khác biệt và các vấn đề nhạy cảm theo tinh thần xây dựng(26).

Tuy nhiên, với sự thay đổi trong định vị của Mỹ đối với Trung Quốc cùng với việc theo đuổi các mục tiêu chiến lược của mỗi bên, sự xung đột về lợi ích khó tìm được điểm nhượng bộ đã khiến quan hệ Trung – Mỹ bước vào một cuộc cạnh tranh chiến lược ngày càng gay gắt và toàn diện.

Chính sách đối với Mỹ của Trung Quốc có xu hướng ngày càng cứng rắn, thông qua việc tỏ thái độ rõ ràng, đưa ra các lựa chọn có điều kiện đối với Mỹ, thể hiện không ngại đối đầu nếu cần thiết. Trung Quốc đã đưa ra các lựa chọn có điều kiện đối với Mỹ: “Muốn đối thoại có thể, nhưng phải bình đẳng; muốn hợp tác hoan nghênh, nhưng phải mang lại lợi ích cho nhau; muốn cạnh tranh không ngại nhưng phải lành tính; muốn đối kháng không sợ, sẽ cùng đi đến cùng”(27).

Chiến lược ngoại giao và phương châm chính sách của Trung Quốc đối với Mỹ nói riêng và chính sách ngoại giao nói chung được hình thành trên cơ sở mục tiêu, lợi ích chiến lược quốc gia và thực lực quốc gia ở mỗi giai đoạn. Những điểm khác biệt trong chính sách đối với Mỹ của Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình bắt nguồn từ cả nguyên nhân bên trong và bên ngoài.

Trước hết, đó là cơ sở và điều kiện hoạch định, thực thi chính sách đã có nhiều thay đổi và khác biệt so với giai đoạn trước. Về mục tiêu, từ Đại hội XVIII, Trung Quốc xác định nước này đã bước vào thời đại mới với việc hoàn thành mục tiêu 100 năm thứ nhất xây dựng toàn diện xã hội khá giả, đồng thời bước vào thực hiện mục tiêu 100 năm thứ hai thực hiện “giấc mơ Trung Quốc” phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa. Về chiến lược, Trung Quốc phải hoàn thành bước cuối cùng trong chiến lược 3 bước đi đã được đưa ra từ những năm 1980. Mục tiêu và chiến lược quốc gia này có ảnh hưởng quan trọng đến chính sách đối ngoại nói chung, chính sách đối với Mỹ nói riêng.

Nhân tố bên trong mang tính chất quyết định đến chính sách đối với Mỹ – sức mạnh tổng hợp quốc gia – cũng có sự thay đổi mà các kỳ Đại hội gần đây của Trung Quốc đánh giá là “mang tính lịch sử”. Sức mạnh tổng hợp quốc gia, sức ảnh hưởng trên thế giới của Trung Quốc khi bước vào thời kỳ của ông Tập Cận Bình nắm quyền đã có sự thay đổi vượt bậc và tiếp tục duy trì sự tăng trưởng ổn định trong 10 năm tiếp theo. Trong khi Mỹ rơi vào khủng hoảng và suy thoái sau cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008, sa lầy ở hai chiến trường Irắc và Ápganixtan, Trung Quốc đã vượt qua khủng hoảng và trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vào năm 2010. Trong 10 năm (2002-2012), tổng lượng kinh tế của Trung Quốc đã vươn từ vị trí thứ sáu lên thứ hai thế giới.

Năm 2008, Trung Quốc đã tổ chức thành công Thế vận hội – Olimpic Bắc Kinh, một sự kiện thể thao quốc tế lớn đầu tiên mà nước này đăng cai với sự tham gia của hơn 60.000 vận động viên, huấn luyện viên và quan chức đến từ 204 quốc gia và vùng lãnh thổ(28). Việc tổ chức Thế vận hội được đánh giá “là một cột mốc quan trọng trong sự phát triển của Trung Quốc và để lại dấu ấn huy hoàng trong lịch sử Trung Quốc”, “là nơi trình diễn tốt nhất đối với sức mạnh tổng hợp quốc gia… gửi đến thế giới tín hiệu Trung Quốc sẽ kiên định đi theo con đường cải cách mở cửa. Điều quan trọng hơn là việc tổ chức Thế vận hội khiến Trung Quốc ngày càng tự tin hơn với thế giới, tâm thái và phong cách của nước lớn được định hình và tôi luyện”(29). Năm 2012, Trung Quốc đánh giá “sức mạnh tổng hợp quốc gia, sức cạnh tranh quốc tế, sức ảnh hưởng quốc tế bước lên nấc thang mới, diện mạo quốc gia đã có biến đổi mới mang tính lịch sử”(30).

Trong 10 năm tiếp theo (2012-2022), Trung Quốc lại tiến lên một nấc thang mới trong phát triển sức mạnh tổng hợp quốc gia. GDP năm 2011 đạt 47,3 nghìn tỷ NDT, đến năm 2022 là 114.000 tỷ NDT, tổng sản lượng kinh tế chiếm tỷ trọng 18,5% của thế giới(31). Đại hội XIX của Đảng Cộng sản Trung Quốc (năm 2017) đánh giá “vị thế quốc tế của Trung Quốc được nâng lên tầm cao chưa từng có; diện mạo của Đảng, đất nước, nhân dân, quân đội và dân tộc Trung Hoa có những thay đổi chưa từng có; dân tộc Trung Hoa đang đứng hiên ngang ở phía Đông của thế giới với tầm vóc hoàn toàn mới… chúng ta đã đến gần hơn, có niềm tin hơn, có năng lực hơn để thực hiện mục tiêu phục hưng vĩ đại dân tộc Trung Hoa”(32).

Đại hội XX tiếp tục khẳng định, “thời điểm hiện nay chúng ta đang tiến gần, có lòng tin và khả năng nhất trong việc thực hiện mục tiêu phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa… Đảng Cộng sản và nhân dân Trung Quốc đang tràn đầy niềm tin thúc đẩy dân tộc Trung Hoa thực hiện bước nhảy vọt vĩ đại từ đứng lên, giàu lên đến mạnh lên”, “sự phát triển của Trung Quốc có cơ sở vật chất vững chắc hơn, sự bảo đảm về chế độ hoàn thiện hơn, việc thực hiện sự phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa đã đi vào tiến trình lịch sử không thể đảo ngược”(33).

Dưới thời Tập Cận Bình, Trung Quốc đã chuyển từ “giấu mình chờ thời” sang chính sách ngoại giao chủ động, tích cực, nhằm mở rộng sức ảnh hưởng, để sức ảnh hưởng này song hành và tương xứng với sức ảnh hưởng kinh tế đang có. Trung Quốc chủ động đưa ra “phương án Trung Quốc”, chú trọng việc đóng góp “trí tuệ Trung Quốc” đối với các vấn đề liên quan đến phát triển, quản trị toàn cầu mà tiêu biểu là xây dựng cộng đồng chung vận mệnh, Vành đai và Con đường, sáng kiến phát triển toàn cầu, sáng kiến an ninh toàn cầu… mong muốn thông qua “đi sâu thúc đẩy hiện đại hóa kiểu Trung Quốc, có đóng góp mới cho tìm tòi về con đường hiện đại hóa của nhân loại”(34).

Trung Quốc cũng nêu lên với thế giới các giá trị chung là hòa bình, phát triển, công bằng, công lý, dân chủ và tự do, tồn tại song song với giá trị tự do, dân chủ, nhân quyền mà Mỹ đề cao. Trung Quốc đã trở thành bên tham gia tích cực trong quản trị toàn cầu, đồng thời cũng thể hiện không chấp nhận vị thế, quyền lợi của một cường quốc bị hạn chế hoặc không được công nhận, tôn trọng.

Tuy nhiên, cùng với sức mạnh tổng hợp quốc gia tăng lên, việc chuyển từ “giấu mình chờ thời” sang tích cực, chủ động đưa ra “phương án Trung Quốc” khiến Mỹ và các nước phương Tây càng lo ngại về thách thức, đe dọa đối với nền dân chủ, trật tự thế giới. Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến Mỹ điều chỉnh trong định vị và trong chiến lược đối với Trung Quốc, từ đó có tác động ngược trở lại đối với chính sách cũng như sự phát triển của quan hệ Trung – Mỹ. Mỹ đã thay đổi chiến lược dựa trên hai yếu tố: Mỹ tin rằng đường hướng phát triển của Trung Quốc đi ngược lại với những kỳ vọng ban đầu của Mỹ; Mỹ nhận ra sức mạnh thực sự của Trung Quốc(35).

Nếu như những mâu thuẫn giữa Mỹ và Trung Quốc từ 1989-2001 chủ yếu tập trung vào đãi ngộ tối huệ quốc, nhân quyền, Hồng Công, Tây Tạng, Đài Loan và Trung Quốc gia nhập tổ chức WTO thì gần đây là những vấn đề cạnh tranh có tính chính trị cao, khả năng nhượng bộ thấp bao gồm hình thái ý thức chính trị, quan niệm giá trị dân chủ, cạnh tranh địa vị chính trị quốc tế và vấn đề Đài Loan. “Những lĩnh vực vấn đề này có liên quan chặt chẽ đến chiến lược vĩ mô và lợi ích chính trị của hai bên, là vấn đề cốt lõi định tính quan hệ Trung – Mỹ, cũng là lĩnh vực có sự khác biệt về lợi ích và quan niệm khá lớn, kiểm soát xung đột và thúc đẩy hợp tác hết sức khó khăn”(36).

Quan hệ Trung – Mỹ đã chuyển từ mô hình hợp tác và cạnh tranh cùng tồn tại sang mô hình cạnh tranh là chủ đạo, với đặc trưng là quan hệ đi xuống rõ rệt, tính cạnh tranh và tính xung đột tăng lên, tính hợp tác suy giảm rõ rệt.

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 549 (11-2023)

Ngày nhận bài: 26-9-2023; Ngày bình duyệt: 18-11-2023; Ngày duyệt đăng: 22-11-2023.

(1) Chủ tịch Tập Cận Bình điện đàm với Tổng thống Mỹ Biden, ngày 18-3-2022, http://sg.china-embassy.gov.cn.

(2) Chủ tịch Tập Cận Bình điện đàm với Tổng thống Trump, ngày 10-2-2017, http://www.xinhuanet.com/.

(3) Chủ tịch Tập Cận Bình điện đàm với Tổng thống Mỹ Biden, ngày 11-2-2021, https://www.fmprc.gov.cn/.

(4) Chủ tịch Tập Cận Bình điện đàm với Tổng thống Mỹ Biden, ngày 10-9-2021, https://www.mfa.gov.cn/.

(5), (8), (13), (18) Chủ tịch Tập cận Bình gặp gỡ Tổng thống Mỹ Biden tại đảo Bali, ngày 14-11-2022, https://www.fmprc.gov.cn/.

(6) Chủ tịch Tập Cận Bình: Trung – Mỹ là hai con tàu khổng lồ trên hành trình biển lớn, ngày 16-11-2021, http://www.chinanews.com.cn/.

(7) Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Obama gặp gỡ báo chí, ngày 26-9-2015, http://www.gov.cn/xinwen/.

(9), (10), (12), (14) Chủ tịch Tập Cận Bình hội kiến Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, ngày 19-6-2023, https://www.fmprc.gov.cn/.

(11) Chủ tịch Tập Cận Bình điện đàm với Tổng thống Mỹ Biden, ngày 29-7-2022, http://us.china-embassy.gov.cn.

(15) Vương Nghị nói về tính xác định trong phát triển của bản thân Trung Quốc và chính sách đối đối với Mỹ, ngày 20-9-2022, https://www.mfa.gov.cn/.

(16) Dương Khiết Trì nói về thành quả cuộc gặp giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Obama tại trang trại Annenberg, ngày 6-9-2013,

(17) Vương Nghị: Xác định rõ 3 đường ranh giới đỏ của Trung Quốc đối với quan hệ Trung – Mỹ, ngày 26-7-2021, http://www.xinhuanet.com/.

(19) Cung Lực: Đặng Tiểu Bình và nước Mỹ, Nxb Lịch sử Đảng Trung Quốc, 2004, tr.586.

(20) Châu Từ Phác: Chủ tịch Giang Trạch Dân hội kiến thành viên Hạ viện Mỹ nói về quan hệ Trung – Mỹ, Nhân dân nhật báo, ngày 1-12-1992.

(21) Chủ tịch Giang Trạch Dân thông báo tình hình chuyến thăm Mỹ với nhân sĩ ngoài đảng, Nhân dân nhật báo, ngày 15-11-1997.

(22) Chủ tịch Hồ Cẩm Đào lần đầu gặp Tổng thống Obama, thúc đẩy quan hệ Trung – Mỹ đi vào hành trình mới, ngày 2-4-2009, https://www.gov.cn/.

(23) Sở Thụ Long (chủ biên): Chiến lược và chính sách ngoại giao của Trung Quốc, Nxb Thời sự, Bắc Kinh, 2008, tr.221.

(24) Các cuộc điện đàm vào ngày 10-2, 12-4, 24-4, 3-7, 12-8, 6-9, 18-9, 25-10, 29-11-2017.

(25) Từ ngày 6 đến ngày 7-4, Chủ tịch Tập Cận Bình đã có cuộc hội đàm với Tổng thống Trump tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago, bang Florida, Mỹ; ngày 8-7, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc gặp với Tổng thống Trump sau khi Hội nghị thượng đỉnh G20 Hamburg bế mạc.

(26) Chủ tịch Tập Cận Bình cùng Tổng thống Trump bắt đầu gặp gỡ nguyên thủ Trung – Mỹ, ngày 7-4-2017, http://us.xinhuanet.com/.

(27) Vương Nghị nói về ngoại giao Trung Quốc năm 2021: Tìm tòi mô hình mới tôn trọng lẫn nhau, trao đổi bình đẳng Trung – Mỹ, ngày 20-12-2021, https://www.mfa.gov.cn/.

(28) Olimpic Bắc Kinh 2008, https://baike.baidu.com/item/.

(29) Đại sứ Trung Quốc tại Anh Lưu Hiểu Minh trả lời phóng vấn báo Daily Telegraph về Olimpic Bắc Kinh và Olimpic London, ngày 8-8-2012, http://gb.china-embassy.gov.cn….

(30) Báo cáo của Hồ Cẩm Đào tại Đại hội XVIII Đảng Cộng sản Trung Quốc, https://www.gov.cn/.

(31), (32) Báo cáo của Tập Cận Bình tại Đại hội XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc, ngày 28-10-2017, http://cpc.people.com.cn/.

(33) Tập Cận Bình: Giương cao ngọn cờ CNXH đặc sắc Trung Quốc vĩ đại, đoàn kết phấn đấu xây dựng toàn diện nước xã hội chủ nghĩa hiện đại hóa – Báo cáo tại Đại hội XX Đảng Cộng sản Trung Quốc, ngày 25-10-2022, https://www.gov.cn/.

(34) Tập Cận Bình dự Hội nghị Đảng Cộng sản Trung Quốc với lãnh đạo các chính đảng trên thế giới và phát biểu, ngày 07-7-2021, http://www.xinhuanet.com/.

(35) Yu Zhi: There will be no peaceful rise – China-US relations enters a new phase, 07 Jul 2020, https://www.thinkchina.sg/.

(36) Trương Phát Lâm: Hình thái phức hợp “Xung đột – Hợp tác” của quan hệ Trung – Mỹ, Tạp chí Triển vọng quốc tế, số 2-2022, tr.41.

TS NGUYỄN THỊ PHƯƠNG HOA
Viện Nghiên cứu Trung Quốc,
Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây