Trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội xuất hiện nhiều hình ảnh về cuộc xung đột vũ trang ở Myanmar và cuộc biểu tình, bạo loạn tại Bangladesh, Venezuela. Lợi dụng vấn đề này, các thế lực thù địch, phần tử phản động lưu vong đã tung tin xuyên tạc, kích động những người thiếu hiểu biết nhằm thực hiện âm mưu “cách mạng màu” tại Việt Nam.
Các cuộc “cách mạng màu” đều khiến các quốc gia chìm trong bất ổn. Ảnh minh họa
Âm mưu kích động “cách mạng màu”
“Cách mạng màu” là thuật ngữ chỉ các cuộc bạo lực chính trị có tổ chức, chính biến phi vũ trang ở quốc gia có chủ quyền nhằm lật đổ nhà nước đương nhiệm, gây ra khủng hoảng chính trị bằng phương thức bất bạo động, có sự kết hợp giữa những kẻ chủ mưu trong nước và thế lực bên ngoài, thông qua cái gọi là “giương cao ngọn cờ dân chủ”, lôi kéo người dân tuần hành, biểu tình, bạo loạn lật đổ.
Nếu như trước đây, đối tượng nhắm đến là các quốc gia theo chế độ XHCN, thì hiện nay “cách mạng màu” còn diễn ra ở các nước có xu hướng không thân thiện với Mỹ và phương Tây. Vì vậy, trong những năm cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI, thế giới chứng kiến hàng loạt cuộc “cách mạng màu” nổ ra ở các nước có thể chế chính trị đa nguyên, đa đảng thuộc Trung Đông và Bắc Phi hay khu vực Đông Âu là Gruzia, Ukraine… dẫn đến các quốc gia đó rơi vào tình trạng bất ổn chính trị và hệ quả của nó vẫn kéo dài đến tận bây giờ.
Thời gian qua, thông tin, hình ảnh về biểu tình, bạo loạn tại Venezuela, Bangladesh và đặc biệt là Myanmar. Cùng đó, từ biểu tình chống chính phủ sang xung đột vũ trang và sắc tộc. Các thế lực thù địch lợi dụng mạng xã hội, thông qua các nền tảng như Facebook, Telegram, YouTube… để thực hiện âm mưu lôi kéo người dân các nước tham gia vào “đám đông cách mạng màu”.
Các thế lực thù địch, các tổ chức phản động lưu vong, các đối tượng chống đối đã triệt để lợi dụng mạng xã hội để xuyên tạc thông tin và hướng lái dư luận theo mục đích khác.
Thông qua các hình thức bình luận chuyên đề, hội luận, chúng lồng ghép ý đồ xuyên tạc, bịa đặt, bóp méo lịch sử, bôi nhọ lãnh tụ dân tộc và vai trò lãnh đạo của Đảng, âm mưu kích động bạo loạn, biểu tình tại Việt Nam. Các trang như Việt Tân hay Chân trời mới Media thì tung hứng kiểu “Liệu Việt Nam có giống như Venezuela”; “chúc mừng người dân Bangladesh thay đổi chế độ độc tài, bao giờ tới Việt Nam”…
Các cuộc biểu tình gây bất ổn ở Venezuela.
Các thế lực thù địch triệt để lợi dụng không gian mạng nhằm tuyên truyền, kích động người dân cổ súy cho việc thay đổi nền tảng xã hội. Từ chiêu bài dân quyền, dân chủ, chúng kêu gọi người đọc thực hiện “cách mạng màu”, trước mắt là “cách mạng màu online”. Chúng lợi dụng những vấn đề nóng trong đời sống xã hội như ô nhiễm môi trường, khiếu kiện đất đai, chủ quyền biển đảo nhằm đả kích, bêu xấu chế độ XHCN mà Việt Nam đang xây dựng. Từ đó, chúng kêu gọi thay đổi để đi theo mô hình dân chủ của Mỹ và phương Tây…
Cần cảnh giác cao, nhất là lớp trẻ
Điều dễ nhận thấy là ở các cuộc “cách mạng màu” đã xảy ra, vai trò của lớp trẻ, sinh viên, học sinh khá lớn. Các đối tượng cầm đầu đã kích động tâm lý muốn thể hiện bản thân, muốn thành người truyền cảm hứng của lứa tuổi này để lôi kéo, lợi dụng.
Tất nhiên, ở những nước xảy ra “cách mạng màu”, lợi ích đâu chưa thấy, chỉ thấy hàng chục năm trời, các quốc gia đó vẫn chìm trong xung đột, bất ổn kéo dài. Bởi lẽ, mục đích của các đối tượng thực hiện “cách mạng màu” là biến đất nước đó trở nên bất ổn để phục vụ cho lợi ích của chúng, không quan tâm đến lịch sử, dân tộc, không vì tự do, hạnh phúc của người dân.
Hầu hết các cuộc bạo loạn lật đổ đều mang tính manh động, thiếu kiểm soát. Từ đó, các nước lớn tìm cách can dự với những mưu đồ chính trị riêng, phục vụ cho lợi ích riêng. Cùng với đó, việc lợi dụng triệt để truyền thông và mạng xã hội để chống phá càng khiến tình hình ngày càng trở nên mất kiểm soát…
Sự kiện người dân tụ tập theo kêu gọi của các đối tượng, tổ chức phản động xảy ra đáng tiếc ở Bình Thuận năm 2018.
Tại Việt Nam, thời gian qua, một số tổ chức phản động thường đội lốt “dân chủ”, “nhân quyền”, “xã hội dân sự” để kêu gọi, cấu kết lực lượng thực hiện ý đồ chống phá Đảng, Nhà nước. Hành vi của chúng đã gây tác động tiêu cực đến đời sống chính trị, xã hội nước ta, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự. Các tổ chức này tìm cách móc nối, tuyển chọn một số thanh niên trong nước đưa ra nước ngoài đào tạo nhưng thực chất là để tập hợp lực lượng, kích động bạo loạn, biểu tình trong nước, gây dựng các tổ chức chính trị đối lập.
Chúng cài cắm người vào các hội, nhóm sinh viên, thanh niên để đăng tải các bài viết, hình ảnh xuyên tạc về tình hình Việt Nam. Từ đó, nhen nhóm, nuôi dưỡng tư tưởng “làm cách mạng”, “làm leader” (lãnh đạo). Đặc biệt, thông qua các nhóm kín trên Telegram, Facebook, chúng nhồi nhét “giấc mơ Mỹ”, những hình ảnh hào nhoáng về xã hội thượng lưu, sung sướng ở nước ngoài. Đây là một trong những hình thức chống phá rất nguy hiểm mà mỗi phụ huynh và sinh viên, học sinh cần cảnh giác cao độ.
Các cơ quan chức năng cần quan tâm hơn nữa đến công tác tuyên truyền với sinh viên, thanh niên, trí thức. Các tổ chức chính trị, xã hội như Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Hội Sinh viên Việt Nam… cần đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền, cảnh báo để thanh niên, sinh viên hiểu rõ âm mưu và bản chất của “cách mạng màu”, tránh xa các tổ chức đội lốt xã hội dân sự, các phong trào mạo danh “yêu nước”, nhưng thực chất là kêu gọi tụ tập, gây rối an ninh, trật tự. Trong đó, cảnh giác cao với các khoản học bổng núp dưới danh nghĩa tổ chức phi chính phủ (NGO) hoặc các tổ chức dân sự trá hình.
Nhiều đối tượng, tổ chức phản động xúi dục người dân tham gia các sự kiện biểu tình, chống đối, gây bất ổn xã hội.
Đồng thời, thiết lập các diễn đàn hữu ích trên các mạng xã hội với nhiều hình thức phong phú để thu hút cộng đồng trẻ tham gia. Tại các diễn đàn đó, cần cung cấp thường xuyên các âm mưu, thủ đoạn của chiến lược “diễn biến hòa bình” để lớp trẻ nhận diện và cảnh giác.
Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền về các giá trị lịch sử, niềm tự hào dân tộc, để mỗi người Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ Việt Nam ngày hôm nay hiểu được giá trị vĩ đại của các cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và sự nghiệp đổi mới. Đó cũng là cơ sở để giới trẻ không bị mơ hồ, ảo tưởng bởi những luận thuyết kêu gọi cách mạng đường phố, phản kháng phi bạo lực, xúi giục đấu tranh đòi lật đổ chế độ mà kẻ địch rêu rao “vì tương lai tốt đẹp”. Qua đó, “tạo đề kháng” cho thế hệ trẻ và người dân với thông tin xuyên tạc, sai sự thật, kích động từ các tổ chức và đối tượng chống đối.
Trần Lâm (Báo Nghệ An)