Trang chủ Luận bàn - Phản biện Ngăn chặn “virus lừa phỉnh” đội lốt nhân quyền – ghi tại...

Ngăn chặn “virus lừa phỉnh” đội lốt nhân quyền – ghi tại một số tỉnh miền núi (Kỳ cuối)

31
0

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định: “Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu…”

Đây là một trong những căn cứ phản bác những xuyên tạc, bóp méo của thế lực thù địch về những đánh giá chủ quan, phiến diện, sai lệch về vấn đề nhân quyền tại Việt Nam và cũng là lời khẳng định rõ ràng nhất Việt Nam không bao giờ chấp nhận và kiên quyết đấu tranh với những luận điệu, đánh giá chủ quan, phiến diện, không có cơ sở về nhân quyền.

Ngăn chặn Một góc bản Huổi Luông hôm nay. Ảnh: Vũ Tuấn.

Thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 15/3/2018 về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo hướng “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở” và chủ trương “tăng cường cơ sở”, xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy, thời điểm ban đầu gần 5.000 cán bộ Công an chính quy trên cả nước đã được phân công về đảm nhiệm các chức danh Công an xã, đặt những nền móng đặc biệt quan trọng trong việc xây dựng cấp Công an xã, thị trấn chính quy trên toàn quốc.

Cho đến nay, đã bố trí cán bộ Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã tại 100% xã, thị trấn trên địa bàn toàn quốc. Tại tỉnh miền núi, biên giới Sơn La là một trong những đơn vị đầu tiên trên cả nước hoàn thành việc bố trí Công an chính quy đảm nhận các chức danh Công an xã. Đến nay, Công an tỉnh đã bố trí 1.224 đồng chí tại 197 xã, thị trấn. Cùng với việc tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật, nâng cao nhận thức về nhân quyền thống nhất tới các cấp cơ sở, lực lượng Công an xã chính quy đã hỗ trợ người dân làm nhà, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, góp phần giữ vững thành trì bảo vệ miền biên cương của Tổ quốc.

Hơn 150km từ thành phố tới Sốp Cộp, rồi theo chân cán bộ Công an xã và Công an huyện, tôi ngược thêm 80km đường đèo dốc miền biên ải, cuối cùng cũng tới Huổi Luông. Gặp gỡ anh G.A.S là người đã từng đi theo “Bà cô Dợ”, anh còn nhớ vào năm 2019, gia đình anh có 9 người, gồm mẹ già, 2 vợ chồng và 6 con nhỏ, được một đối tượng trong bản lôi kéo, tham gia đạo “Bà Cô Dợ”. Tổ chức “Bà Cô Dợ” đã cho anh và gia đình 1.200 USD, số tiền mà anh S hay bất cứ người dân nào trong bản cũng chẳng thể nào kiếm được trong một thời gian ngắn, anh đã dùng số tiền để cưới vợ cho con trai. Các đối tượng xấu bảo anh nếu đi theo đạo “Bà Cô Dợ” thì sau này sẽ có một “Vương quốc Mông” tự trị. Và cũng bảo không được đi tiêm vaccine COVID-19 vì sẽ làm giảm trí nhớ, gây hại cho sức khỏe con người… Hôm nay anh S đã từ bỏ được tà đạo, cuộc sống được chính quyền và lực lượng Công an hỗ trợ đã khá hơn thuở trước rất nhiều.

Ngược đường về xã Chiềng Sung, huyện Mai Sơn hơn 250km, chúng tôi tìm đến nhà chị Mùa Thị S ở bản Phát Nam, người đã từng tin và nghe theo cái được gọi là đạo “Bà Cô Dợ”. Nay chị cũng đã từ bỏ và có một cuộc sống tốt hơn, nuôi lợn, nuôi gà, mỗi năm cho thu nhập hơn 50 triệu đồng. Là cán bộ người Mông, Trung úy Sồng A Vừ, cán bộ Công an xã cho biết qua nhiều lần nắm bắt tâm tư, được biết rằng, chị S nghe theo lời dụ dỗ rằng nếu theo “Bà Cô Dợ” sẽ được “lên thiên đàng”, hoặc có khó khăn gì thì bà sẽ giúp đỡ; mà gia đình chị S lại đang khó khăn, nên chị đã tin vào những lời lừa phỉnh đó…

Đại tá Vì Quyền Chứ, Phó Giám đốc Công an tỉnh Sơn La đánh giá cao những kết quả của lực lượng Công an trong tuyên truyền, vận động người dân không tin, nghe theo tà đạo “Bà Cô Dợ”. Đồng thời yêu cầu trong thời gian tới tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động trong nhân dân; chú trọng công tác đấu tranh, ngăn chặn hoạt động mê tín dị đoan gây phức tạp đến an ninh trật tự ở cơ sở; không để người dân tái ảnh hưởng và tin theo các loại tà đạo xuất hiện tại địa bàn; quyết tâm, quyết liệt trong việc vận động nhân dân bài trừ các hủ tục lạc hậu, các hoạt động đi ngược với thuần phong mỹ tục, truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Còn tại Tuyên Quang, đã có hàng trăm tổ tuyên truyền, vận động bà con nhân dân không tin theo lời kẻ xấu được thành lập, với thành phần là cán bộ xã, Công an xã, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn. Tổ công tác đến từng hộ người Mông tuyên truyền, vận động, giúp các hộ hiểu rõ âm mưu của thế lực thù địch, các luận điệu sai trái của tổ chức bất hợp pháp này; đồng thời tuyên truyền, vận động để người dân hiểu và chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương.

Qua công tác trinh sát, nắm tình hình, lực lượng Công an đã phát hiện, nắm rõ các đối tượng cốt cán trong tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình, từ đó thực hiện các biện pháp vô hiệu hóa hoạt động của các đối tượng này. Lực lượng Công an cũng bám dân, bám bản, nắm chắc địa bàn, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo cho người dân; kiên quyết đấu tranh với các đối tượng có hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo, gây mất an ninh trật tự trên địa bàn…

Ngăn chặn Lực lượng Công an các cấp thường xuyên phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác nắm tình hình.

Theo PGS, TS Nguyễn Thanh Xuân, nguyên Phó trưởng ban Tôn giáo Chính phủ, hiện là giảng viên cao cấp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, giải quyết các vấn đề về dân tộc, tôn giáo cần phải xuất phát từ yếu tố lịch sử, đặc trưng văn hóa tộc người và những chính sách về dân tộc, tôn giáo để đưa ra các giải pháp. Để đẩy mạnh phát triển bền vững, toàn diện vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), văn kiện Đại hội XIII của Đảng nêu rõ: “Bảo đảm các dân tộc bình đẳng, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển. Huy động phân bổ, sử dụng, quản lý hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển, tạo sự chuyển biến căn bản về kinh tế, văn hóa, xã hội ở vùng có đông đồng bào DTTS. Chú trọng tính đặc thù của từng vùng đồng bào DTTS trong hoạch định và tổ chức thực hiện chính sách dân tộc.

Trèo đèo, lội suối đến với huyện Bắc Yên, huyện vùng cao của tỉnh Sơn La nay đã được hỗ trợ 100% thẻ bảo hiểm y tế, trừ đối tượng công chức, viên chức. Nhờ chính sách này đã giúp cho những hộ nghèo, cận nghèo được tiếp cận với các chế độ an sinh, qua đó góp phần nâng cao sức khỏe cộng đồng. Đây có thể nói là những chính sách hữu ích góp phần thay đổi cuộc sống của đồng bào vùng cao nơi đây… Chị Mùa Thị Sông ở Bản Trông Tầu, xã Xím Vàng, Bắc Yên vô cùng xúc động, chị cho biết: “Được nhà nước cấp thẻ bảo hiểm nên mỗi khi đến đây, tôi đều được khám và cấp thuốc phát thuốc miễn phí, hôm nay cũng được tư vấn dùng thuốc tránh thai nên tôi cũng rất yên tâm”.

Còn tại huyện biên giới Yên Châu, những trường hợp như bà Vì Thị Ét là rất nhiều, không có nhà ở, lại sống một mình… Bà Vì Thị Ét hôm nay rất phấn khởi khi đã được hỗ trợ 40 triệu đồng để xóa nhà tạm… khuyết tật bẩm sinh, không có con cháu, sống chủ yếu bằng nghề đan lát từ những cây tre nhờ hàng xóm chặt trên rừng mang về giúp… Nay bà Ét vui hơn những ngày trước… Bà xúc động nói: “Tôi phân khởi lắm được Đảng, Nhà nước quan tâm, xây nhà cho tôi được yên tâm cuộc sống và Tết lại đến động viên, thăm hỏi, tặng quà tôi vui lắm. Tết này không sợ lạnh, sợ bị mưa gió nữa rồi”.

Trong những năm qua tỉnh Sơn La đã thực hiện tốt việc “Huy động nguồn lực hỗ trợ hộ nghèo khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2021 – 2025” để xóa nhà tạm cho hơn 8.300 hộ. Ông Đặng Ngọc Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết:  “Phải khẳng định xóa nhà tạm với các hộ nghèo là một trong những chủ trương lớn của Nhà nước, của tỉnh, là một quan điểm nhân văn của Đảng, nhà nước ta, vì người nghèo đã xuất phát điểm thấp, nên có “an cư” mới “lạc nghiệp”. Do vậy việc xóa nhà tạm là một bước giúp các hộ thoát nghèo bền vững”.

Trở lại những bản làng người Mông hôm nay, cuộc sống nay đã ấm no, đẩy lùi đói nghèo, lạc hậu. Được sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước cùng chính những nỗ lực của nhân dân, cuộc sống của đồng bào các dân tộc nói chung, dân tộc Mông tại Sơn La nói riêng ngày một cải thiện. Nhiều chương trình mục tiêu của Chính phủ như 134, 135, 167… đã được triển khai nhằm giúp đồng bào các dân tộc xóa đói, giảm nghèo. Tỷ lệ hộ đói nghèo mỗi năm đều giảm. Đường giao thông đã được thông suốt từ tỉnh đến huyện, từ huyện đến các xã.

Nhiều chủ trương được thực hiện có hiệu quả tại vùng cao như: Chính sách hỗ trợ người nghèo trong vùng đồng bào DTTS theo tinh thần Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, Nghị định số 28/2022/NĐ-CP ngày 26/4/2022 của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030…

Cao Thiên (CAND)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây