Chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Nga V.Putin và việc Armenia và Azerbaijan đạt thỏa thuận về khu vực tranh chấp ở biên giới là những điểm nhấn trong bức tranh thế giới tuần qua (13 – 19/5). Những chuyển động tích cực trên cho thấy việc thúc đẩy hợp tác, tìm kiếm tiếng nói chung vẫn là xu hướng chủ đạo trong quan hệ giữa các nước.
Lãnh đạo Trung Quốc, Nga ra tuyên bố chung làm sâu sắc hơn quan hệ song phương
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có các cuộc hội đàm thân mật, cởi mở ở Bắc Kinh. Ảnh: Sergey Bobylev/TASS.
Ngày 16/5, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký kết và ra tuyên bố chung về làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược toàn diện phối hợp trong kỷ nguyên mới nhân dịp kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
Phát biểu tại cuộc họp báo chung với Tổng thống Nga Putin tại Bắc Kinh, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết ông và nhà lãnh đạo Nga vừa tiến hành một cuộc gặp “chân thành và thân tình,” thảo luận nhiều chủ đề.
Hai bên đã rà soát toàn diện về thành công trong việc phát triển mối quan hệ Trung-Nga trong 75 năm qua kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, trao đổi sâu các quan điểm về quan hệ song phương cũng như các vấn đề quốc tế và khu vực mà hai bên cùng quan tâm, cũng như đề ra lộ trình cho mối quan hệ và hợp tác Trung-Nga trên diện rộng.
Chủ tịch Trung Quốc nêu rõ hai bên đã ký và ban hành Tuyên bố chung về việc Làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược toàn diện phối hợp trong kỷ nguyên mới trong bối cảnh kỷ niệm 75 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Trung-Nga, đồng thời chứng kiến việc ký kết một số văn kiện hợp tác liên chính phủ, liên ngành quan trọng, tạo động lực mới, mạnh mẽ cho sự phát triển lành mạnh của quan hệ Trung-Nga.
Về phần mình, Tổng thống Putin cho biết tuyên bố chung đặt ra những nhiệm vụ đầy tham vọng mới và các mục tiêu dài hạn cho sự phát triển của toàn bộ mối quan hệ Nga-Trung.
Hai bên tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện mục tiêu này bằng việc ký kết một gói hợp tác liên chính phủ, liên cơ quan và hiệp định thương mại.
Trong 2 ngày 16 – 17/5, Tổng thống Nga Vladimir Putin có chuyến thăm cấp Nhà nước tới Trung Quốc. Chuyến thăm của ông Putin diễn ra ngay sau khi tái cử và vào dịp kỷ niệm 75 năm quan hệ ngoại giao Nga – Trung Quốc đã cho thấy các ưu tiên và chiều sâu của mối quan hệ giữa hai cường quốc.
Liên hợp quốc nâng dự báo triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2024
Kinh tế thế giới dự báo tăng nhẹ so với báo cáo hồi đầu năm 2024. Ảnh: Reuters
Ngày 16/5 (giờ New York), Liên hợp quốc đã công bố Báo cáo Tình hình và Triển vọng Kinh tế Thế giới, trong đó đưa ra đánh giá lạc quan thận trọng về triển vọng kinh tế toàn cầu trong năm 2024. Đây là bản báo cáo cập nhật tới giữa năm của Báo cáo Tình hình và Triển vọng Kinh tế Thế giới công bố hồi tháng 1/2024.
Bản cập nhật này cho rằng triển vọng kinh tế toàn cầu đã được cải thiện so với dự báo trước đây; các nền kinh tế lớn đã tránh được suy thoái nghiêm trọng, dù vẫn đối mặt với một số thách thức. Hầu hết các nền kinh tế lớn đã nỗ lực giảm lạm phát mà không khiến tỷ lệ thất nghiệp gia tăng và dẫn tới suy thoái.
Cụ thể, kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ tăng trưởng 2,7% trong năm 2024 và 2,8% trong năm 2025, tăng nhẹ so với dự báo hồi đầu năm là 2,4% cho năm 2024 và 2,7% đối với năm 2025.
Dù Liên hợp quốc nâng mức dự báo tăng trưởng toàn cầu, song đồng thời cũng cho rằng triển vọng kinh tế chỉ lạc quan một cách thận trọng, do tình hình lãi suất cao kéo dài, nợ xấu và rủi ro địa chính trị leo thang sẽ tiếp tục là rào cản đối với tăng trưởng kinh tế ổn định và bền vững.
Các cú sốc khí hậu nghiêm trọng đặt ra thêm nhiều thách thức cho triển vọng kinh tế toàn cầu, khiến thành tựu phát triển nhiều thập kỷ có thể bị đe dọa. Sự thay đổi chóng mặt về công nghệ – bao gồm cả trí tuệ nhân tạo (AI) – đang mang lại nhiều cơ hội và rủi ro mới cho nền kinh tế thế giới.
Armenia và Azerbaijan đạt thỏa thuận về khu vực tranh chấp ở biên giới
Biển chỉ đường trước lối vào làng Voskepar ở miền Đông Bắc Armenia, ngày 27/3/2024. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngày 16/5, giới chức Armenia và Azerbaijan cho biết hai nước đã nhất trí một thỏa thuận về các khu vực tranh chấp thuộc biên giới chung. Đây là một bước đi mới hướng tới bình thường hóa quan hệ giữa hai bên.
Bộ Ngoại giao Armenia và Azerbaijan ra tuyên bố nêu rõ ủy ban phân định biên giới của hai nước đã ký một nghị định thư chính thức hóa việc “điều chỉnh tọa độ dựa trên các phép đo trắc địa trên mặt đất” dựa trên các bản đồ thời Liên Xô.
Theo đó, 4 ngôi làng ở khu vực biên giới gồm Baghanis Ayrum, Ashaghi Askipara, Kheyrimli và Ghizilhajili sẽ do Azerbaijan kiểm soát trở lại. Yerevan và Baku hy vọng hai bên đạt được thỏa thuận hòa bình toàn diện.
Phát biểu trong cuộc họp nội các ngày 16/5, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan đánh giá thỏa thuận này là một “cột mốc rất quan trọng.”
Theo ông, đây là lần đầu tiên kể từ khi độc lập năm 1991, Armenia có đường biên giới được phân định chính thức và điều này góp phần đảm bảo an ninh và ổn định cho đất nước.
Ông cũng cho biết Armenia sẽ xây dựng những tuyến đường mới tại khu vực trên trong vài tháng tới.
Trong vòng 10 ngày, lính biên phòng của hai nước sẽ được triển khai dọc dọc theo đường biên giới được phân định lại.
Hai nước láng giềng vùng Capcaz đã vướng vào cuộc xung đột kéo dài hàng thập kỷ về quyền kiểm soát khu vực Nagorny-Karabakh. Các cuộc đối thoại nhằm tìm kiếm giải pháp cho vấn đề Nagorny-Karabakh đã được tổ chức từ năm 1992 với sự trung gian của nhóm Minsk thuộc Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), cùng sự tham gia của Nga, Pháp, Mỹ, Belarus, Đức, Italy, Thụy Điển, Phần Lan và Thổ Nhĩ Kỳ, song cũng không thể hạ nhiệt được các cuộc xung đột nhiều lần tái diễn.
Mưa lũ gây thiệt hại nặng nề ở miền Nam Brazil
Người dân ở bang Rio Grande do Sul cần nhiều hỗ trợ sau trận lụt kinh hoàng. Ảnh: ABC.
Ngày 18/5, Bộ tài chính Brazil ước tính, các biện pháp hỗ trợ do chính quyền triển khai sau lũ lụt nghiêm trọng ở bang cực Nam nước này sẽ tiêu tốn ít nhất 13,4 tỷ reais (2,6 tỷ USD) từ ngân sách.
Dữ liệu mới cập nhật chính thức cho thấy, mưa lớn đã tàn phá bang Rio Grande do Sul của Brazil kể từ cuối tháng 4, gây ra trận lũ lụt lịch sử khiến hơn 150 người thiệt mạng, 400 người bị thương, gần 100 cư dân vẫn mất tích và hơn 500.000 người phải di dời. Thảm họa đã ảnh hưởng đến 1,5 triệu người, với khoảng và 80% đô thị ở Rio Grande do Sul bị ngập.
Chính phủ Brazil đang khẩn trương xây dựng kế hoạch đảm bảo hạn mức tín dụng với lãi suất thấp hơn cho các doanh nghiệp nhỏ và chương trình hỗ trợ tiền mặt cho các gia đình bị ảnh hưởng bởi lũ lụt.
Số tiền hỗ trợ từ ngân sách để khắc phục hậu quả lũ lụt có thể sẽ tăng thêm do Bộ chưa ước tính số tiền dự chi cho các kế hoạch hỗ trợ khác như mua bất động sản từ khu vực tư nhân để làm nhà ở cho người phải di dời.
Vào đầu tuần, Bộ trưởng Tài chính Brazil Fernando Haddad cho biết chính phủ liên bang đang chuẩn bị hỗ trợ tài chính trực tiếp cho các gia đình bị ảnh hưởng. Trong khi đó, Tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva đã huy động các nguồn lực quốc phòng dân sự cho viện trợ nhân đạo và xây dựng lại các cơ sở hạ tầng bị hư hại.
Trước đó, Tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva đã hoãn chuyến công du Chile nhằm tập trung vào công tác ứng phó của chính phủ trước tình hình lũ lụt nghiêm trọng tại miền Nam Brazil.
Mỹ tăng mạnh thuế nhập khẩu đối với nhiều mặt hàng Trung Quốc
Một góc Liên Vân Cảng, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc vào ngày 12/4. Ảnh: AFP
Nhà Trắng ngày 14/5 thông báo Tổng thống Mỹ Joe Biden tăng mạnh thuế đối với nhiều loại mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc như xe điện, chip máy tính và sản phẩm y tế, trong đó thuế xe điện tăng gấp 4 lần và lên mức hơn 100%.
Các biện pháp đánh thuế mới sẽ tác động đến 18 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, trong đó có thép, nhôm, chất bán dẫn, pin, khoáng sản quan trọng, pin Mặt trời và cổng trục giàn (cẩu chuyên dùng để nâng hạ, xếp dỡ container tại các cảng biển, bến bãi).
Cụ thể, theo Mục 301 của Đạo luật Thương mại năm 1974, Mỹ tăng thuế từ 25% lên 100% đối với xe điện, 7,5% lên 25% với pin lithium cho xe điện, từ 25% lên 50% với thành phần quang điện dùng để chế tạo các tấm pin Mặt trời, từ 0% lên 25% với một số khoáng sản quan trọng. Mức thuế với một số sản phẩm thép, nhôm sẽ là 25%.
Thuế đối với cổng trục giàn tăng từ 0% lên 25%, với ống và kim tiêm tăng từ 0% lên 50%, một số thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE) sử dụng trong các cơ sở y tế tăng từ 0% lên 25%.
Vào năm 2025, thuế với chất bán dẫn sẽ tăng gấp đôi lên 50%. Ngoài ra, ông Biden giữ nguyên mức thuế đánh vào 300 tỷ USD sản phẩm Trung Quốc do người tiền nhiệm là Donald Trump đưa ra.
Ngay lập tức, các hiệp hội và giới chức Trung Quốc đã lên tiếng phản đối quyết định tăng thuế của Mỹ đối với các hàng hóa của Trung Quốc, khi cho rằng động thái này ảnh hưởng đến uy tín của nền kinh tế lớn nhất thế giới, ít nhất là về thương mại tự do.
Người phát ngôn Phòng Thương mại Trung Quốc về xuất nhập khẩu máy móc và thiết bị điện tử – ông Gao Shiwang, cho rằng động thái của Mỹ sẽ không mang lại lợi ích cho bất kỳ ai và sẽ chỉ phản tác dụng.
Theo số liệu chính thức của Washington, Mỹ nhập khẩu 427 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc và xuất khẩu 148 tỷ USD sang thị trường này vào năm 2023./.
PV (tổng hợp)