Theo luật sư, việc giả mạo Cổng thông tin điện tử Bộ Công an cho thấy hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng ngày càng trở nên lộ liễu, công khai trắng trợn, thể hiện hành vi coi thường pháp luật. Nếu bị bắt giữ, đối tượng thực hiện hành vi này sẽ bị bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
C05 không có chức năng hỗ trợ lấy lại tiền lừa đảo
Theo đánh giá của Bộ Công an, hiện nay tình hình tội phạm lừa đảo qua mạng internet đang diễn biến hết sức phức tạp. Các đối tượng lừa đảo ở nước ngoài và trong nước dùng thủ đoạn lấy ảnh của của các cơ quan Công an, cơ quan Viện kiểm sát, Cơ quan Tòa án, của Luật sư và Văn phòng luật sư… để lập các tài khoản mạng xã hội, lập các hội nhóm lừa đảo trên mạng xã hội; lập các trang fanpage facebook, lập website giả mạo… nhằm quảng cáo dịch vụ “Thu hồi tiền bị lừa qua mạng”, “Hỗ trợ lấy lại tiền bị treo”.
Website giả mạo Cổng thông tin Bộ Công an để lừa đảo
Bộ Công an đã liên tục cảnh báo các hành vi mạo danh Cổng thông tin điện tử Bộ và cổng thông tin điện tử, website của cơ quan nhà nước để thực hiện hành vi lừa đảo. Đồng thời, khuyến cáo người dân nhận diện các mánh khóe, phương thức, thủ đoạn lừa đảo tinh vi trên các nền tảng mạng xã hội; tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân công khai trên mạng xã hội, để các đối tượng có thể lợi dụng vi phạm pháp luật, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Thời gian qua, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C05), Bộ Công an đã phát hiện trên không gian mạng xuất hiện nhiều trang Fanpage và hội, nhóm tự xưng là “cán bộ Cục An ninh mạng” và Công an một số đơn vị, địa phương đăng tải bài viết để hỗ trợ các nạn nhân lấy lại tiền bị lừa đảo do tham gia hoạt động theo lời dụ dỗ của các đối tượng tội phạm công nghệ cao.
Tuy nhiên, Bộ Công an cho biết: C05 có chức năng bảo vệ an ninh mạng, đấu tranh phòng chống các loại tội phạm có hoạt động sử dụng công nghệ cao; không có chức năng hỗ trợ lấy lại tiền lừa đảo cho công dân. Hiện tại C05 không có trang thông tin chính thức (Website, Fanpage…).
Cũng theo Bộ Công an, C05 đã, đang tiến hành rà soát, xác minh, truy tìm đối tượng có hoạt động mạo danh C05 và Công an các đơn vị, địa phương để đấu tranh, xử lý theo quy định của pháp luật; đồng thời, tiếp tục phối hợp các đơn vị liên quan tiến hành chặn, lọc, vô hiệu hóa các đường link, tài khoản giả mạo trên không gian mạng.
Tăng cường kiểm soát quản lý không gian mạng
Trao đổi với PV, Luật sư Hà Thị Khuyên, Trưởng Văn phòng Luật sư Nhân Chính (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết, với việc giả mạo Cổng thông tin điện tử Bộ Công an điều này cho thấy hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng trở nên lộ liễu, công khai trắng trợn; thể hiện hành vi coi thường pháp luật của các băng nhóm tội phạm lừa đảo qua mạng.
“Đây là thủ đoạn lừa đảo tinh vi nhằm lừa gạt những nạn nhân thiếu hiểu biết, ít cập nhật thông tin báo chí, sợ người thân biết việc bị lừa, muốn thu hồi lại tiền lừa đảo nhanh chóng. Vì thế, rất nhiều nạn nhân bị sập bẫy hình thức này”, luật sư Khuyên nhìn nhận.
Luật sư Hà Thị Khuyên
Theo luật sư, mặc dù chúng ta đã có Luật An ninh mạng, Bộ luật Hình sự điều chỉnh hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng nhưng tình tình tội phạm vẫn diễn ra phức tạp. Đây là mặt trái của cách mạng công nghệ 4.0 khi mà các đối tượng lừa đảo biết sử dụng cả công nghệ AI vào phục vụ hoạt động tội phạm trên không gian mạng. Nếu bị bắt giữ thì các đối tượng này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, với khung hình phạt từ 12-20 năm hoặc tù chung thân.
Để đối phó với tình trạng mạo danh các cá nhân, tổ chức để lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng, luật sư Khuyên đề xuất cần kết hợp nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó, các cơ quan chuyên trách quản lý không gian mạng cần đề nghị các nhà quản lý mạng internet, mạng xã hội Meta, zalo, telegram, youtube, các sàn thương mại điện tử, các nhà quản lý tên miền website phối hợp nhận diện các hành vi lừa đảo qua mạng, kiểm soát quản lý không gian mạng do mình đang cung cấp quản lý. Xóa bỏ các tài khoản, các trang website quảng cáo vi phạm pháp luật. Nếu để tiếp tục tiếp diễn tình trạng này sẽ cấm hoạt động vĩnh viễn tại Việt Nam.
Ngoài ra, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần thường xuyên tuyên truyền, phổ biến các phương thức thủ đoạn lừa đảo đang diễn ra hiện nay trên không gian mạng để người dân nhận diện, nắm bắt và kịp thời phòng tránh chủ động.
Đối với người dân cần thường xuyên cập nhật thông tin báo chí, truyền hình, thông tin từ các cơ quan chức năng nhằm nắm bắt các phương thức thủ đoạn lừa đảo qua mạng hiện nay để phòng ngừa cho bản thân và những người trong gia đình. Khi bị lừa tiền qua mạng xã hội thì “cách duy nhất” là Tố giác tội phạm lên Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp quận/huyện để được giải quyết, tránh âm thầm thực hiện theo các yêu cầu của các đối tượng lừa đảo.
Đặc biệt, Bộ Công an cần chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối với với các cơ quan công an các địa phương tổ chức điều tra, tấn công vào các tổ chức lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng đang hoạt động tại Việt Nam. Đối với các tổ chức lừa đảo xuyên quốc gia cần phối hợp với cảnh sát các quốc gia khác để điều tra xử lý.
Theo Công Lý