Mạo Danh Người Nhà Lãnh đạo Bộ Công An để Lừa “chạy án”

Mạo danh người nhà lãnh đạo Bộ Công an để lừa “chạy án”

Nhằm làm giảm trách nhiệm có liên quan, các đối tượng trong đường dây mua bán hoá đơn đã gom tiền “chạy án” cho đồng bọn. Nhưng cuối cùng, các đối tượng đã vướng vòng lao lý và mất tiền khi gặp phải những kẻ mạo danh là người nhà của lãnh đạo Bộ Công an để “chạy án”.

Mạo danh người nhà lãnh đạo Bộ Công an để lừa

Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo Cục An ninh điều tra cho biết, đây là vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng. Trong vụ án này, có đối tượng đã đưa ra thông tin sai sự thật, mạo danh người nhà lãnh đạo Bộ Công an để tổ chức “chạy án”. Hành vi của các đối tượng đã xâm phạm đến uy tín, hoạt động đúng đắn của cơ quan Nhà nước.

Căn cứ vào các tài liệu thu thập được, ngày 17/5, Cơ quan An ninh điều tra cho biết đã hoàn thành bản kết luận điều tra vụ án “Đưa hối lộ, môi giới hối lộ; lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Hà Nội và một số tỉnh, thành phố”. Căn cứ vào các tài liệu thu thập được, Cơ quan An ninh điều tra đã chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đề nghị truy tố 17 bị can về 3 tội danh “Đưa hối lộ”, “Môi giới hối lộ” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Trong đó, 11 bị can bị đề nghị truy tố về tội “Đưa hối lộ” gồm: Nguyễn Thanh Toàn (SN 1985, trú quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh), Giám đốc Công ty TNHH nước giải khát cà phê Lekofe; Lê Thanh Phúc (SN 1996, trú huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh) và Hồng Minh Đạt (SN 1995, trú huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp); Phan Quang Tây (SN 1988); Phạm Bình An (SN 1996); Nguyễn Thị Trúc Giang (SN 2003); Tưởng Thanh Tri (SN 1999); Nguyễn Văn Thuận (SN 2000); Đường Trung Trực (SN 1999); Nguyễn Tuấn Danh (SN 1997); Đàm Lê Duy (SN 1998, cùng ở tại Đồng Tháp).

2 bị can bị đề nghị truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” gồm: Đoàn Thị Bích Liên (SN 1971, trú phường Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) và Trần Gia Hoà (SN 1977, trú phường Kiến Hưng, quận Hà Đông), đối tượng từng có một tiền án về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” bị xử phạt 9 năm tù.

4 bị can bị đề nghị truy tố về tội “Môi giới hội lộ” gồm: Đỗ Văn Đức (SN 1991, trú quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh), Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Yuki; Nguyễn Doãn Hào (SN 1981, trú quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh) và Trần Ngọc Tú (SN 1990, trú TP Hồ Chí Minh), Giám đốc Công ty TNHH Yuki và Nguyễn Tiệp Khắc (SN 1956, trú huyện Giao Thuỷ, tỉnh Nam Định).

Trước đó, ngày 18/9/2023, sau khi biết Nguyễn Hoài Sơn bị Công an tỉnh Hoà Bình bắt để điều tra tội “Mua bán trái phép hóa đơn”, các đối tượng gồm Phúc, Đạt, Tri, Trực, An, Tây, Thuận, Duy và Danh rất lo lắng. Để giảm nhẹ tội cho bản thân và không muốn bị cơ quan Công an phát hiện, xử lý, các đối tượng trao đổi với nhau về việc “chạy án” cho Sơn… Đối tượng Phúc đã nhờ anh Tưởng Hữu Hạnh (SN 1983, trú huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp), là người cùng quê và có mối quan hệ quen biết với Sơn “chạy án” cho Sơn. Anh Hạnh đồng ý giúp nhưng yêu cầu Phúc đưa trước 700 triệu đồng, đồng thời cung cấp cho Phúc số điện thoại người sẽ nhận tiền.

Tối cùng ngày, qua trao đổi, các bị can gồm Tri, Trực và Thuận biết vẫn có thể liên lạc được với Giang là em gái của Sơn nên đã yêu cầu Giang lên TP Hồ Chí Minh để nhận, chuyển 700 triệu đồng. Giang đã cung cấp tài khoản để Tri thực hiện 2 giao dịch chuyển khoản số tiền trên. Đồng thời, Thuận cũng chuyển số điện thoại người nhận tiền mà Hạnh đã cung cấp để Giang chuyển tiền. Sau đó, Giang cùng một người quen đã đưa 700 triệu đồng cho một người lạ mặt theo số điện thoại mà Thuận cung cấp tại khu vực đường Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh.

Đến trưa 19/9/2023, anh Hạnh lại yêu cầu nhóm của Phúc chuyển tổng cộng 5 tỉ đồng để lo cho Sơn được tại ngoại. Sau đó, nhóm của Phúc góp được 4,899 tỉ đồng rồi chuyển cho anh Hạnh. Cùng việc góp tiền đưa anh Hạnh, nhóm bị can cũng tìm cả đường khác “chạy án” cho Sơn.

Cụ thể, quá trình điều tra xác định, cũng trong ngày Sơn bị bắt, bị can Toàn đã nhận được điện thoại của một người tự xưng tên là Quốc nhờ tìm hiểu thông tin và chi phí để “chạy án” cho Sơn. Biết Đức hành nghề thám tử tư nên Toàn đã nhờ Đức tìm hiểu xem Sơn bị cơ quan nào bắt và tìm cách “chạy án”. Đức đã trao đổi với Tú để cùng tìm hiểu và biết Sơn bị bắt về tội “Mua bán trái phép hóa đơn”. Sau khi biết thông tin trên, Toàn đã đề nghị Đức “chạy án” cho Sơn được tại ngoại và không phải nhận án phạt tù; đồng thời đã chuyển cho Đức 250 triệu đồng chi phí đi lại, tìm hiểu thông tin, móc nối quan hệ…

Cùng thời điểm này, Đức đã liên hệ với Hào, trao đổi nội dung tìm cách “chạy án” cho Sơn. Ngày 20/9/2023, Hào đã liên hệ nhờ Khắc; Khắc lại liên hệ với Liên đề nhờ “chạy án”. Để tạo niềm tin cho Khắc, Liên đã tự đưa thông tin mình là người nhà của lãnh đạo Bộ Công an, sẽ lo được cho Sơn để tại ngoại, hưởng án treo và thoả thuận chi phí với Khắc là 2,3 tỷ đồng… Sau đó, do chưa đồng ý về phương án đưa tiền trước của nhóm Hào, Đức đã bàn bạc với Tú tìm cách kết nối quan hệ với cơ quan thụ lý điều tra vụ án của Sơn để tìm hiểu thông tin, đặt vấn đề “chạy án” cho Sơn. Bản thân Đức cũng gặp gỡ, liên lạc với một số  đầu mối để lo cho Sơn nhưng không thành.

Kết luận điều tra xác định, về phía Liên, mặc dù biết rõ Kiều Việt Hưng chỉ làm nghề kinh doanh tự do, không được Hưng giới thiệu có mối quan hệ với lãnh đạo Bộ Công an và hứa hẹn lo cho Sơn được tại ngoại nhưng để có tiền trả nợ và chi tiêu cá nhân, lúc đầu Liên vẫn đưa ra thông tin gian dối về mối quan hệ của Hưng với Khắc, Hào và Đức để nhận tiền của các đối tượng “chạy án”. Sau đó, Liên liên hệ với Trần Gia Hoà để nhờ “chạy án” cho Sơn mặc dù biết rõ đối tượng chỉ là người làm nghề lao động tự do, không có mối quan hệ gì.

Về phần Hoà, mặc dù đang chờ thi hành án về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và chưa liên hệ, trao đổi với cá nhân nào để “chạy án” cho Sơn nhưng do cần tiền để trả nợ, Hoà cũng nhận lời lo tại ngoại cho Sơn với chi phí 350 triệu đồng… Tuy nhiên, sau thời hạn 3-5 ngày như các đối tượng đưa ra nhưng Sơn vẫn không được tại ngoại. Vì thế, ngày 17/10/2023, Hào và Đức đã đến Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an tự thú về hành vi phạm tội của bản thân và các đối tượng có liên quan.

Kết luận điều tra xác định, anh Hạnh liên quan trong vụ án nhưng đã mất nên không xem xét trách nhiệm. Đối với Hoài Sơn do không biết có nhiều người chạy án cho mình nên không bị xử lý trong vụ án này. Bộ Công an đã có văn bản gửi Công an tỉnh Hòa Bình đề nghị xử lý hành vi của Sơn và đồng phạm trong vụ án mua bán trái phép hóa đơn theo thẩm quyền.

Nguồn: Báo Công an nhân dân

Comments

No comments yet. Why don’t you start the discussion?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *