Trang chủ Đối tượng Vẫn là chiêu bài lợi dụng vấn đề nhân quyền của những...

Vẫn là chiêu bài lợi dụng vấn đề nhân quyền của những kẻ phản động

33
0

Trong khi toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đang sôi nổi chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ thì các thế lực thù địch với danh nghĩa là “những người Việt Nam yêu nước” tổ chức các sự kiện, để bịa đặt, xuyên tạc, bôi nhọ về tình hình nhân quyền ở Việt Nam. Chúng cố tình đưa ra những nhận định, đánh giá thiếu khách quan, không chính xác, đổi trắng, thay đen về vấn đề tự do tôn giáo, dân chủ nhân quyền, cho rằng Đảng Cộng sản Việt Nam vi phạm nhân quyền. Đây là hoạt động không phải mới mẻ trong những thủ đoạn của tổ chức Việt Tân và những lực lượng phản động.

Vẫn là chiêu bài lợi dụng vấn đề nhân quyền của những kẻ phản động

Thực tiễn, ngay từ khi thành lập, Nhà nước Việt Nam luôn đặt quyền tự do, dân chủ, nhân quyền của công dân lên hàng đầu, và vấn đề này được quy định rõ trong Hiến pháp và pháp luật. Hiến pháp và pháp luật Việt Nam thể hiện đầy đủ tất cả các quyền cơ bản, phổ biến của con người được nêu ra trong Tuyên ngôn Nhân quyền thế giới năm 1948 và các công ước quốc tế khác của Liên hợp quốc về quyền con người. Nhà nước Việt Nam luôn xác định, con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp xây dựng đất nước, là trung tâm của các chính sách kinh tế – xã hội, thúc đẩy và bảo vệ quyền con người là nhân tố quan trọng cho sự phát triển bền vững, bảo đảm thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước. Đại hội XIII của Đảng nêu rõ quan điểm của Đảng, Nhà nước Việt Nam: “Tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân theo Hiến pháp năm 2013; gắn quyền công dân với nghĩa vụ và trách nhiệm công dân đối với xã hội”

Theo bài “Cần nhìn nhận khách quan về tình hình nhân quyền ở Việt Nam” của Đại tá Đỗ Mạnh Cường đăng trên báo Hà Nội mới online ngày 13/03/2024, có đoạn viết: “Về tín ngưỡng, tôn giáo, Đảng, Nhà nước Việt Nam nhất quán tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân; mọi công dân có quyền theo hoặc không theo tín ngưỡng, tôn giáo nào. Nhà nước đã công nhận và cấp đăng ký hoạt động cho 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo, với trên 26,7 triệu tín đồ, chiếm 27% dân số, hơn 55 nghìn chức sắc, 135 nghìn chức việc, gần 30 nghìn cơ sở thờ tự. Trong chuyến thăm và làm việc tại Hoa Kỳ của Đoàn công tác liên ngành và chức sắc tôn giáo của Việt Nam, trao đổi về thành tựu và chính sách tôn giáo, từ ngày 10 đến 22-10-2023, phía Hoa Kỳ đã ghi nhận những thành tựu, kết quả đạt được của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

Về bình đẳng giữa các dân tộc, Việt Nam luôn đặc biệt coi trọng vai trò của việc phát huy ý chí, sức mạnh của đại đoàn kết toàn dân tộc. Điều 5, Điều 6 của Hiến pháp năm 2013 khẳng định chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam là bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng tiến bộ, các dân tộc không phân biệt đa số hay thiểu số, trình độ phát triển cao hay thấp đều bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong mọi lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội và được bảo đảm bằng Hiến pháp và pháp luật. Điển hình như Quốc hội khóa XV có 89/499 đại biểu là người dân tộc thiểu số, chiếm 17,8%.

Những kết quả trên là sự thật mà không một thế lực thù địch nào có thể đảo ngược, là sự khẳng định nhất quán rằng quyền dân chủ, quyền con người, quyền công dân đã và đang được bảo vệ vững chắc ở Việt Nam. Đó cũng là ý kiến phản biện đanh thép nhất đối với những luận điệu phủ nhận về vấn đề dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam. Ông Jean-Pierre Archambault, nguyên Tổng Thư ký Hội Hữu nghị Pháp – Việt trong bài trả lời phỏng vấn năm 2023, nêu rõ: “Bảo đảm tốt quyền con người là một trong những thành tựu của công cuộc Đổi mới ở Việt Nam, những kết quả đạt được trong lĩnh vực bảo đảm quyền con người của Việt Nam là không thể phủ nhận”.

Việt Nam tham gia hầu hết các công ước quốc tế cơ bản, quan trọng nhất về quyền con người như: Công ước về quyền dân sự, chính trị; Công ước về quyền kinh tế – xã hội và văn hóa, ký ngày 24-9-1982; Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ, ký ngày 18-12-1982; Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc, ký ngày 19-3-1982; Công ước về quyền trẻ em, ký ngày 20-2-1990… Những công ước này đều được luật hóa trong hệ thống pháp luật Việt Nam.

Với tư cách là thành viên tích cực, có trách nhiệm của Hội đồng Nhân quyền, trong nhiệm kỳ 2014-2016, Việt Nam có nhiều đóng góp, làm cầu nối thúc đẩy hợp tác và đối thoại giữa các nước, các nhóm nước nhằm thúc đẩy cách tiếp cận cân bằng, tiến bộ, hướng tới con người; là đồng tác giả, đồng bảo trợ hàng chục nghị quyết, hoặc trực tiếp là tác giả một số nghị quyết được Hội đồng Nhân quyền thông qua bằng đồng thuận. Với những đóng góp to lớn đối với nhân quyền thế giới, Việt Nam xứng đáng khi trúng cử, trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc lần thứ hai, nhiệm kỳ 2023-2025. Việt Nam đã chứng tỏ ngay vai trò của mình trong lĩnh vực quyền con người trên phạm vi toàn cầu khi hỗ trợ khẩn cấp Thổ Nhĩ Kỳ và Syria sau thảm họa động đất diễn ra ngày 6-2-2023. Thêm nữa, việc Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc ngày 3-4-2023 đồng thuận thông qua Nghị quyết kỷ niệm 75 năm Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền (UDHR) và 30 năm Tuyên bố và Chương trình hành động Viên (VDPA) do Việt Nam đề xuất và soạn thảo là dấu ấn nổi bật của Việt Nam ngay trong khóa họp đầu tiên đảm nhận cương vị thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025”

Những kết quả trên đã khẳng định nhất quán rằng quyền dân chủ, quyền con người, quyền công dân đã và đang được bảo vệ vững chắc ở Việt Nam. Đây là ý kiến phản biện đanh thép nhất đối với những luận điệu phủ nhận, xuyên tạc, bịa đặt về vấn đề dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam. Do đó, chúng ta cần phải cảnh giác trước các luận điệu trên, không mơ hồ, mất cảnh giác mắc mưu của các thế lực phản động.

LÊ HÙNG

 Theo  Đấu trường dân chủ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây