Được ví như “một cuộc cách mạng”, chương trình giảm nghèo của Việt Nam từ nhiều năm qua được các quốc gia và tổ chức quốc tế ghi nhận là điểm sáng và là quốc gia duy nhất ở châu Á thực hiện chương trình giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững
Xóa đói giảm nghèo là một thành tựu nổi bật ở Việt Nam trong gần 40 năm thực hiện công cuộc Đổi mới. Mọi sự phát triển sẽ trở nên vô nghĩa nếu như chỉ tập trung ở khu vực đô thị mà không trải đều và rộng khắp đến các vùng nông thôn hẻo lánh. Chính sách giảm nghèo là chính sách quan trọng, xuyên suốt trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội của Đảng, Nhà nước Việt Nam. Tiếp tục làm rõ những thành tựu trong bảo vệ quyền con người ở Việt Nam, VOV xin giới thiệu bài viết về những nỗ lực của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong thực hiện chính sách giảm nghèo và sự đánh giá của cộng đồng quốc tế.
Chỉ số phát triển con người của Việt Nam tiếp tục tăng, từ 115 lên 107
Từng nằm trong nhóm các nước nghèo nhất thế giới, nhưng Việt Nam đã vươn mình trở thành một trong các nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất. Trong giai đoạn từ 1989 tới 2023, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng 40 lần. Trong vòng 2 thập kỉ kể từ năm 1993, hơn 40 triệu người đã thoát cảnh đói nghèo. Và trong vòng 15 năm kể từ năm 2005, tỉ lệ nghèo đa chiều đã giảm một nửa.
“Đã có những chuyển biến rõ rệt trên khắp đất nước và trong cuộc sống người dân Việt Nam”- Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Đỗ Hùng Việt đã phát biểu như vậy tại trụ sở LHQ ngày 7/5/2024 khi tham gia Phiên đối thoại về Báo cáo quốc gia của Việt Nam theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc.
Nếu như năm 1993, tỷ lệ hộ nghèo ở Việt Nam chiếm hơn 58% thì đến năm 2021, con số này là 2,23%.
Hòa thượng Thích Trí Viên- Chủ tịch cộng đồng theo đạo Phật tại Hoa Kỳ trở về nước lần đầu tiên vào năm 1996 sau 15 rời xa Tổ quốc. Từ đó đến nay, ông đã có hơn 40 lần về thăm quê hương.
Năm nào cũng về nước, có năm về tới 3 lần, đi khắp 3 miền Bắc- Trung- Nam, Hòa thượng Thích Trí Viên nói rằng: “Dù đất nước vẫn còn nhiều khó khăn nhưng có về thường xuyên như vậy mới cảm nhận rõ sự phát triển từng ngày, từng giờ, nhất là về hạ tầng giao thông. Đi đến đâu, tôi cũng thấy thuận lợi, kẻ cả nông thôn Bình Định quê tôi. Tôi đã sống qua hai chế độ, có sự cảm nhận của riêng mình. Ngay lần đầu tiên về nước năm 1996, lúc đó, công cuộc đổi mới bắt đầu có thành quả, tôi đã ngạc nhiên vì mọi thứ không như mình nghĩ, đất nước không khốn khó như mình nghĩ”.
Cảm nhận của Hòa thượng Thích Trí Viên cũng là cảm nhận chung của nhiều người nếu có dịp đến các vùng miền ở Việt Nam, kể cả các vùng xa xôi hẻo lánh. Có thể nói, kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội nông thôn đã có những đổi thay vượt bậc, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn và cơ bản hoàn thành các công trình thiết yếu đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất và đời sống của người dân như điện, đường, trường, trạm, chợ, nhà văn hóa…
Chính sự “thay da, đổi thịt” của nhiều địa phương đã phản ánh sinh động sự chung sức, đồng lòng của Đảng, Nhà nước và nhân dân vì người nghèo với mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Thời gian qua, tại nhiều địa phương, đã có hàng trăm hộ nghèo chủ động viết đơn xin thoát nghèo và chủ động nhường quyền hỗ trợ cho hộ khác. Người dân cũng băn khoăn, e ngại khi nhận mình là hộ nghèo và tự mình vươn lên thoát nghèo.
Một tuyến đường giao thông nông thôn ở Sóc Trăng
Nếu như năm 1993, tỷ lệ hộ nghèo ở Việt Nam chiếm hơn 58% thì đến năm 2021, con số này là 2,23%. Thu nhập bình quân đầu người năm 1993 đạt 185 USD thì đến cuối năm 2023, con số này là 4.284 USD. Nguồn lực Nhà nước dành cho xóa đói giảm nghèo tăng từ 200 tỷ đồng năm 1993 lên 12.000 tỷ đồng năm 2020.
Chiến lược quốc gia cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đặt mục tiêu đến năm 2030 có 65% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch đạt chất lượng theo quy chuẩn với số lượng tối thiểu 60 lít/người/ngày; Tỷ lệ hộ tiếp cận điện có xu hướng tăng và đạt 99,5% vào năm 2022 với khoảng cách giữa thành thị – nông thôn được thu hẹp đáng kể, từ mức chênh lệch 1,3% xuống chỉ còn 0,1% trong giai đoạn 2018 – 2022.
Theo Báo cáo Phát triển Con người mới nhất của UNDP, xếp hạng chỉ số phát triển con người của Việt Nam tiếp tục tăng từ 115 lên 107, và Việt Nam được xếp trong nhóm có chỉ số phát triển con người cao.
Quốc gia đầu tiên ở châu Á thực hiện chuẩn nghèo đa chiều
Trên thực tế, Việt Nam là một trong 30 quốc gia đầu tiên trên thế giới và là quốc gia đầu tiên của châu Á áp dụng chuẩn nghèo đa chiều, bảo đảm mức sống tối thiểu và thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản 6 chiều về: Việc làm; y tế; giáo dục; nhà ở; nước sinh hoạt và vệ sinh; thông tin.
Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh “tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững”, đồng thời đặt mục tiêu “Tỉ lệ nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1-1,5% hằng nằm”. Để đẩy mạnh công tác giảm nghèo, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 23 tháng 6 năm 2021 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030.
Tính đến năm 2023, Việt Nam đã đi được nửa chặng đường giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.
Giai đoạn 2021-2025, bên cạnh hai chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và nông thôn mới tiếp tục được triển khai thực hiện, Quốc hội đã phê duyệt triển khai thực hiện thêm Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Đây là các nguồn lực rất quan trọng để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Bộ Chính trị đã ban hành 06 nghị quyết đối với 06 vùng trong cả nước về phương hướng phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó nêu rõ mục tiêu giảm nghèo bền vững của từng vùng.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB và XH Lê Văn Thanh cho biết: “Chương trình giảm nghèo 2021-2025 đã thay đổi căn bản về mục tiêu, yêu cầu, đòi hỏi cao hơn so với những giai đoạn trước. Đặc thù công tác giảm nghèo trước đây đã khó, giai đoạn này còn khó hơn, yêu cầu và đòi hỏi cao hơn so với giai đoạn trước. Ngoài chiều về thu nhập còn phải giảm 6 chiều thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản khác. Chuyển hoàn toàn cơ chế hỗ trợ từ “cho không” sang hỗ trợ có điều kiện. Trong khi đó, địa bàn, đối tượng thực hiện Chương trình lại tập trung vào vùng lõi nghèo, địa bàn khó khăn nhất của cả nước. Vì vậy, mục tiêu của giảm nghèo không đơn thuần là giảm nghèo về thu nhập, mà cao hơn, hoàn thiện hơn và bao trùm hơn”.
Tính đến năm 2023, Việt Nam đã đi được nửa chặng đường giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.
Qua 3 năm triển khai thực hiện bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực, đó là: Tỷ lệ giảm nghèo hàng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Quốc hội, Chính phủ đề ra. Đã có 10 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát nghèo, đời sống hộ nghèo, hộ cận nghèo, địa bàn lõi nghèo có bước cải thiện đáng kể, nâng cao.
Dù quốc tế đánh giá cao nhưng giảm nghèo ở Việt Nam còn nhiều thách thức
Theo đánh giá của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres trong chuyến thăm Việt Nam năm 2022, những kết quả đó là “minh chứng rõ nét cho sự quật cường và nỗ lực của người dân Việt Nam, và cho các chính sách lấy người dân làm trung tâm của phát triển”.
Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc về quyền phát triển Surya Deva
Kết thúc chuyến thăm 10 ngày tới Việt Nam vào cuối năm 2023, Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc về quyền phát triển – ông Surya Deva đã dành lời khen ngợi cho những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong công tác giảm nghèo, tạo việc làm và tăng an sinh xã hội.
Ông Surya Deva cho biết: “Dù chịu tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 và các cuộc xung đột, Việt Nam đã đạt được bước tiến ấn tượng trong giảm nghèo đa chiều. Việt Nam cũng đang đạt được những tiến bộ trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững và giảm phát thải, để đáp ứng cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050”.
Được ví như “một cuộc cách mạng”, chương trình giảm nghèo của Việt Nam từ nhiều năm qua được các quốc gia và tổ chức quốc tế ghi nhận là điểm sáng và là quốc gia duy nhất ở châu Á thực hiện chương trình giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững. Theo báo cáo Chỉ số nghèo đa chiều (MPI) toàn cầu được Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Sáng kiến nghèo đói và phát triển con người (OPHI) tại Đại học Oxford công bố ngày 15/7/2023, Việt Nam là một trong 25 quốc gia đã hạ được chỉ số MPI xuống một nửa trong vòng 15 năm.
Chỉ số MPI mới được UNDP đưa vào Báo cáo Phát triển con người năm 2010 thay thế cho phương pháp đo lường đói nghèo tổng hợp trước đây với nhiều khía cạnh bổ sung về y tế; giáo dục; nhà ở; nước sinh hoạt và vệ sinh; thông tin. Qua đó, MPI cung cấp đánh giá toàn diện hơn về kết quả giảm nghèo của từng quốc gia song cũng đặt ra những yêu cầu đổi mới mạnh mẽ chính sách giảm nghèo theo hướng bền vững. Chính vì vậy cho đến nay một số quốc gia vẫn chưa áp dụng MPI hoặc cung cấp thiếu số liệu theo yêu cầu của công thức.
Ngày 28/4/2022, Ngân hàng Thế giới (WB) đã xuất bản Báo cáo “Từ chặng đường cuối đến chặng đường kế tiếp – Đánh giá thực trạng nghèo và bình đẳng của Việt Nam năm 2022”. Theo đó, WB nhận định “Những tiến bộ mà Việt Nam đạt được trong vòng chưa đầy nửa thế kỷ kể từ khi chiến tranh kết thúc năm 1975 tới nay gần như không có tiền lệ (…)
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt phát biểu tại phiên họp ngày 7/5/2024 tại trụ sở LHQ
“Việc đạt được các thành tựu trên không có nghĩa là Việt Nam sẽ ngừng nỗ lực trong thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, vì chúng tôi vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Dù Việt Nam đã có những thành tựu nổi bật về giảm nghèo nhưng Việt Nam vẫn còn 800.000 hộ nghèo. Khoảng cách giàu – nghèo giữa các vùng miền và nhóm dân cư vẫn tồn tại. Tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi vẫn còn cao”- Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt tại diễn đàn LHQ ngày 7/5/2024 vừa qua đã khẳng định như vậy.
Theo đánh giá của các chuyên gia, kết quả giảm nghèo của Việt Nam chưa thật sự bền vững, nguy cơ tái nghèo và phát sinh nghèo còn cao; chênh lệch mức sống, điều kiện tiếp cận các dịch vụ cơ bản, tiếp cận thị trường, giải quyết việc làm giữa các địa phương, vùng, miền, nhóm dân cư chưa được thu hẹp nhiều. Một số nơi đời sống còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tình trạng thoát nghèo của nhóm đồng bào dân tộc thiểu số còn thiếu bền vững. Theo kết quả điều tra, 20% nhóm đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo giai đoạn đã tái nghèo chỉ sau 2 năm.
Bên cạnh đó, mức trợ cấp xã hội tuy đã được nâng lên nhưng vẫn còn thấp so với mức sống tối thiểu của người dân. Đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu, xu thế đô thị hoá, già hóa dân số, chênh lệch về thu nhập và mức sống, tình trạng di cư lao động đặt ra những thách thức rất lớn đối với công tác an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững.
Trong khi đó, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021- 2025 phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo duy trì ở mức 1,0 – 1,5%/năm; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3,0%/năm; đến năm 2025 có 30% huyện nghèo, 30% xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn. Để đạt mục tiêu này, các chuyên gia cho rằng, cần phải có những đổi mới, sáng tạo hơn trong cách thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, các giải pháp giảm nghèo phải triển khai thiết thực và hiệu quả hơn nữa.
Dù phía trước còn rất nhiều việc phải làm. Tuy nhiên, với quyết tâm cao là “không để lại ai ở phía sau”, Việt Nam sẽ kiến trì thực hiện chính sách giảm nghèo đa chiều để đảm bảo tốt hơn đời sống của một bộ phận dân cư, giúp người nghèo tự mình vươn lên và thoát nghèo bền vững.
Giang Lê/VOV.VN