Trang chủ Hồ sơ - Tư liệu Từ Điện Biên Phủ đến Geneva: Tư thế của người chiến thắng

Từ Điện Biên Phủ đến Geneva: Tư thế của người chiến thắng

0
0

Chiến thắng Điện Biên Phủ 1954 là một chiến thắng vượt qua cả không gian và thời gian.

Từ Điện Biên Phủ đến Geneva: Tư thế của người chiến thắng

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp bàn kế hoạch tác chiến Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. (Ảnh tư liệu)

Trong lịch sử quân sự thế giới, ngoại trừ một số ngoại lệ như một bên tham chiến bại trận và chấp nhận đầu hàng; còn lại phần lớn việc kết thúc một cuộc chiến tranh đều phải chịu sự tác động của các yếu tố: so sánh tương quan thế và lực trên chiến trường; tính toán chiến lược và nước cờ của các bên tham chiến; sự tác động của nhân tố quốc tế…

Việc kết thúc cuộc chiến tranh Đông Dương (1945-1954) tuy cũng phải chịu sự chi phối của các yếu tố này, song lại có những đặc điểm rất riêng, rất khác với cái cách kết thúc của cuộc chiến tranh Triều Tiên hay nhiều cuộc chiến tranh khác trên thế giới.

Điểm hẹn lịch sử

Bước vào năm 1953, sau gần 7 năm với những nỗ lực cao nhất, cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của thực dân Pháp không những không đạt được bước tiến quan trọng nào mà ngày càng bị lún sâu vào khủng hoảng.

Tháng 5/1953, Chính phủ Pháp buộc phải cử viên tướng bốn sao H. Navarre sang làm Tổng chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương, “tìm kiếm một lối thoát danh dự” cho nước Pháp.

Ngày 24/7/1953, một kế hoạch quân sự mang tên “Navarre” chính thức được Hội đồng quốc phòng Pháp phê duyệt. Đây được coi là nỗ lực cao nhất cuối cùng của Pháp và Mỹ trong cuộc chiến tranh Đông Dương. Họ tin rằng với Kế hoạch Navarre, thắng lợi quân sự của người Pháp đã ở trong tầm tay.

Trong khi đó, tại căn cứ địa Việt Bắc ngay từ trung tuần tháng 1/1953, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ tư họp bàn về phương hướng chiến lược trong Thu Đông 1953-1954. Tất cả các “guồng máy” quân sự đều được triển khai vận hành theo phương hướng này.

Tháng 9/1953, Hội nghị Bộ Chính trị thông qua Đề án tác chiến của Tổng Quân ủy, trong đó xác định cụ thể hướng tiến công chiến lược trong Thu Đông 1953-1954 sẽ là Tây Bắc. Điều khá lý thú là trong Kế hoạch Navarre cũng như Đề án tác chiến của Tổng Quân ủy đều không có Điện Biên Phủ.

Dẫu chưa được đề cập song đêm 20/11/1953, phát hiện Đại đoàn 316 (nay là Sư đoàn 316) tiến quân lên Tây Bắc, quân Pháp vội vàng cho sáu tiểu đoàn nhảy dù xuống Điện Biên Phủ. Giải thích cho quyết định này, Navarre cho rằng “chỉ có chiếm đóng Điện Biên Phủ mới bảo vệ được Lai Châu và cả địa bàn chiến lược Thượng Lào”. Rồi chỉ trong một thời gian ngắn, Pháp đã biến Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh với ba phân khu, hình thành tám cụm cứ điểm với 49 cứ điểm, tập trung khoảng 16 ngàn quân, chiếm 7/10 tổng số binh lính đồn trú ở Đông Dương.

Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp cho rằng, bất luận địch tình có thay đổi thế nào thì việc quân Pháp nhảy dù xuống Điện Biên Phủ cơ bản là có lợi cho ta.

Như vậy, Điện Biên Phủ từ chỗ không được đề cập trong kế hoạch quân sự Đông Xuân 1953-1954 của cả hai bên đã trở thành “điểm hẹn lịch sử”.

Từ Điện Biên Phủ đến Geneva: Tư thế của người chiến thắng

Chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954 góp phần quyết định thành công của Hội nghị Geneva về Đông Dương. (Ảnh tư liệu)

“Ván bài” then chốt

Điều khá lý thú là cả hai bên đều sợ bên này hoặc bên kia bỏ cuộc chơi “ván bài Điện Biên Phủ”. Không phải ngẫu nhiên mà khi giao nhiệm vụ cho Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp trước ngày lên đường ra trận, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh rằng, đây là một trận đánh rất quan trọng, có ý nghĩa nhiều mặt về chính trị, quân sự và ngoại giao nên chỉ được đánh thắng; chắc thắng thì đánh, không chắc thắng thì không đánh!

Với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, hậu phương vùng tự do Việt Bắc, Liên khu III, Liên khu IV, Liên khu V, vùng du kích và căn cứ du kích ở Bắc bộ… đã tập trung mọi sức lực, của cải cho Mặt trận Điện Biên Phủ. Trong chiến dịch này, Việt Nam tập trung gần 55 ngàn quân cho cả hai tuyến; huy động 260.000 dân công, 20.991 xe đạp thồ, đưa ra Mặt trận hơn hai vạn tấn lương thực, thực phẩm các loại [1].

Bằng cuộc tiến quân lên Tây Bắc, Việt Minh buộc quân Pháp phải vội vã ném những đơn vị tinh nhuệ nhất xuống Điện Biên Phủ, biến nơi đây thành một tập đoàn cứ điểm mạnh để rồi bị giam chân và cô lập trên một lòng chảo mà địa hình và thời tiết có nhiều bất lợi. Bằng những tính toán chiến lược, đầy sáng tạo và hiệu quả, Việt Minh đã chủ động tạo ra thời cơ và biết chớp lấy thời cơ, buộc quân Pháp phải chấp nhận một trận quyết chiến sớm hơn gần một năm so với dự định.

“Bộ thống soái” của Việt Nam không chỉ thu hút, cô lập và giữ chân một lực lượng lớn quân tinh nhuệ của Pháp ở Điện Biên Phủ để tiêu diệt, mà còn kịp thời chỉ đạo các chiến trường trong cả nước đẩy mạnh hoạt động phối hợp với Mặt trận Điện Biên Phủ; huy động sức mạnh của cả nước, giải quyết tốt vấn đề bảo đảm hậu cần cho chiến dịch lớn ở xa hậu phương.

Từ Điện Biên Phủ đến Geneva: Tư thế của người chiến thắng
Đại tá, PGS.TS Trần Ngọc Long, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam

Chìa khóa của thành công

Không chỉ thành công về chỉ đạo chiến lược mà chiến dịch Điện Biên Phủ còn cho thấy nhiều nét đặc sắc về chỉ đạo chiến dịch.

Việt Minh đã không chấp nhận một cuộc tổng giao chiến trong một khoảng thời gian ngắn dự kiến kéo dài trong ba đêm, hai ngày, mà đã kịp thời thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” – một cách đánh phù hợp với khả năng chiến đấu của quân đội Việt Nam lúc bấy giờ, phù hợp với tương quan lực lượng và thế bố trí của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Bằng cách đánh này, trên thực tế, chiến dịch Điện Biên Phủ trải qua ba đợt tiến công kéo dài 56 ngày đêm. Với chiến thuật “vây lấn” lợi hại, bộ đội đã bao vây, cô lập và lần lượt tiêu diệt từng cứ điểm, cụm cứ điểm, tiến tới tiêu diệt hoàn toàn Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Quyết định thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” được coi là chìa khóa mở cánh cửa thành công cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Đây được coi là quyết định lịch sử trong một chiến dịch lịch sử. Nó cho thấy tầm nhìn chiến lược và tư duy quân sự sắc sảo của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và của Đảng ủy, Bộ chỉ huy Chiến dịch cùng đoàn cố vấn.

Trải qua 56 ngày đêm đấu trí, đấu lực, bằng sức mạnh đại đoàn kết của cả dân tộc, quân và dân Việt Nam đã làm nên một “Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Kinh nghiệm xương máu

Một ngày sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Hội nghị Geneva bàn về vấn đề Đông Dương chính thức khai mạc. Như vậy, phải sau “sự kiện Điện Biên Phủ” thì cơ hội cho một diễn đàn quốc tế về vấn đề chấm dứt chiến tranh Đông Dương mới thực sự đến cho dù ngay từ tháng 11/1953, trả lời phỏng vấn của báo Expreesen (Thụy Điển) về triển vọng giải quyết vấn đề hòa bình ở Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bày tỏ thiện chí của Chính phủ Việt Nam DCCH là sẵn sàng đàm phán với Pháp để tìm kiếm giải pháp hòa bình trên cơ sở Pháp phải thực sự tôn trọng và công nhận quyền độc lập, chủ quyền của Việt Nam.

Trải qua 75 ngày đêm với 31 phiên họp, Hội nghị Geneva kết thúc với sự ra đời Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương.

Từ Điện Biên Phủ đến Geneva: Tư thế của người chiến thắng

Toàn cảnh Hội nghị Geneva 1954. (Ảnh tư liệu)

Việt Nam đến dự hội nghị trong tư thế của người chiến thắng và giải pháp Geneva tuy bao gồm cả vấn đề chính trị và quân sự, nhưng đã không phản ánh đầy đủ những thắng lợi mà nhân dân Việt Nam giành được trên chiến trường, đặc biệt là chiến thắng Điện Biên Phủ. Điều này cũng dễ hiểu vì Hội nghị Geneva là diễn đàn quốc tế do các nước lớn sắp đặt, quyết định thành phần, thời gian, bước đi và thậm chí là cả kết quả.

Tại diễn đàn này, sự thỏa hiệp của các nước lớn đã đưa đến một sự ràng buộc trách nhiệm có phần “lỏng lẻo” giữa các bên tham dự và việc Mỹ không chịu ký vào Bản tuyên bố cuối cùng của Hội nghị đã tạo ra “cái cớ” để họ thực hiện ý đồ thay chân Pháp nhảy vào Việt Nam. Kết cục của “hậu” Geneva là Tổng tuyển cử đã không diễn ra và nhân dân Việt Nam phải đi tiếp chặng đường 21 năm trường kỳ kháng chiến với bao tổn thất, hy sinh để giành lại nền độc lập trọn vẹn, thống nhất đất nước.

Tuy vậy, điều cực kỳ quan trọng không thể phủ nhận là Hiệp định Geneva đã buộc thực dân Pháp phải kết thúc chiến tranh, công nhận quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam. Dẫu đất nước còn bị chia cắt nhưng chúng ta đã có một miền Bắc giải phóng, làm cơ sở để xây dựng thành hậu phương chiến lược lớn cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước sau đó.

Uy tín và vị trí của Việt Nam DCCH được đề cao trên trường quốc tế. Hội nghị Geneva và Hiệp định Geneva đã cho Việt Nam nhiều kinh nghiệm trên trường đàm phán; đồng thời, trang bị cho quân và dân Việt Nam những gì cần thiết nhất để bước vào chặng đường đầy chông gai đương đầu với cuộc chiến tranh xâm lược thực dân kiểu mới của Đế quốc Mỹ ngay sau đó.

ĐẠI TÁ, PGS.TS TRẦN NGỌC LONG

Nguyên Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam


[1] Tổng kết cuộc Kháng chiến chống thực dân Pháp – Thắng lợi và bài học. Nxb CTQG, H.1996. tr.202.

Nguồn:  Báo Quốc tế

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây