Từ khi công cuộc chống tham nhũng do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khởi xướng và quyết liệt triển khai, việc bắt giữ những quan tham, đưa ra ánh sáng hàng loạt vụ việc tham nhũng, tiêu cực đã không còn quá xa lạ với người dân. Đến như Ủy viên Bộ Chính trị vi phạm còn bị pháp luật xử lý thì những Bí thư, Chủ tịch tỉnh bị khởi tố chẳng phải là điều gì quá to tát. Không chỉ làm rõ hành vi của các “cựu”, “nguyên” mà ngay cả những người đương chức, người quyền lực trên nghìn người cũng sẽ phải chịu trừng phạt nếu lỡ nhúng chàm. Sai là xử lý, vi phạm nguyên tắc những điều Đảng viên không được làm thì phải nhận “quả đắng”. Đó trở thành nguyên tắc trong công cuộc chống quan tham, đục khoét tài sản của nhân dân vì tư lợi, mục đích cá nhân.
Có phải mỗi Việt Nam là có tham nhũng? Lẽ dĩ nhiên là không. Tham nhũng là khi đặt một con người vào một vị trí, công việc, họ đã không tự giác, không tự răn mình nên đã bị tư lợi làm mờ mắt. Thể chế nào, quốc gia nào, bộ máy nào rồi cũng có hiện tượng này. Ngay như trong giai đoạn khó khăn nhất của cuộc kháng chiến chống Pháp thì cũng đã xuất hiện vụ án Trần Dụ Châu. Từ một thư ký tòa sứ Pháp rồi đến lãnh đạo Nha Quân Nhu, Châu đã lợi dụng công việc lấy cắp một số tiền lớn của công quỹ, mặc cho đồng đội, đồng bào mình đói khổ, gian khổ chiến đấu ngoài chiến trường… Sau này, khi Đảng ra đã cụ thể hóa các quy định, pháp luật chặt chẽ hơn trong các quy định, xử lý và nhất là dưới sự kiên quyết của Tổng bí thư, mọi vi phạm, tham nhũng của các quan tham đều bị đưa ra ánh sáng. Đó có thể là những người từng học trò xuất sắc, từng kinh qua thử thách ở nhiều vị trí, nhưng trước vị ngọt của “kẹo bọc đường” lại sớm sa ngã.
Quan tâm đến tình hình đất nước, đến công tác nhân sự cấp cao là điều đáng quý, thể hiện trách nhiệm của mỗi người với quê hương. Nhưng song hành với tình cảm đó, chúng ta cũng cần một cái đầu tỉnh táo để hiểu đâu là bản chất vấn đề, đâu là con sâu làm rầu nồi canh, và quan trọng nhất là bức tranh toàn cảnh hiện nay là như thế nào. Chúng ta tỉnh táo để biết, đó là cá thể chứ không phải đại diện cho ai; chúng ta sáng suốt để biết đâu là những quan điểm xuyên tạc, loạn ngôn của các thông tin sai trái, phản động. Xử lý vụ việc, cá nhân sai phạm để củng cố niềm tin của nhân dân trong công tác chống tham nhũng nói riêng và với Đảng nói chung. Vì thế, chưa bao giờ là muộn, và sẽ không có điểm kết thúc cho công cuộc chống quan tham./.
Chính Trực
Nguồn: Nghệ An thời báo