Trang chủ Luận bàn - Phản biện Cảnh giác thủ đoạn xuyên tạc, bôi nhọ chính sách ngoại giao...

Cảnh giác thủ đoạn xuyên tạc, bôi nhọ chính sách ngoại giao của Việt Nam

40
0

Vừa qua, từ ngày 12 đến 13-12-2023 Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và Phu nhân đã có chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam. Chuyến thăm thu hút sự quan tâm đặc biệt của các chuyên gia, nhà nghiên cứu về quan hệ hai nước. Lợi dụng sự kiện này, các đối tượng chống đối đã đẩy mạnh hoạt động chống phá, xuyên tạc chính sách “ngoại giao cây tre” của Việt Nam.

Cảnh giác thủ đoạn xuyên tạc, bôi nhọ chính sách ngoại giao của Việt Nam

Hơn 90 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, trên cơ sở tư tưởng Hồ Chí Minh, chúng ta đã xây dựng nên một trường phái đối ngoại và ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”. Cây tre Việt Nam “gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển”, thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam, đó là: “Mềm mại, khôn khéo nhưng rất kiên cường, quyết liệt; linh hoạt, sáng tạo nhưng rất bản lĩnh, kiên định, can trường trước mọi thử thách, khó khăn vì độc lập dân tộc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân. Đoàn kết, nhân ái nhưng kiên quyết, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia – dân tộc. Biết nhu, biết cương; biết thời, biết thế; biết mình, biết người; biết tiến, biết thoái, “tùy cơ ứng biến”, “lạt mềm buộc chặt”. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã mượn hình ảnh cây tre – một biểu tượng rất mộc mạc, dung dị mà thân thuộc với người Việt Nam để gửi gắm thông điệp mang tính triết lý hết sức sâu sắc nhưng lại vô cùng gần gũi, thiết thực đối với ngành đối ngoại, ngoại giao của Việt Nam.

Vì sao Việt Nam thực hiện chính sách “ngoại giao cây tre”? Có phải chính sách này không có mục đích phục vụ lợi ích của đất nước và dân tộc mà chỉ nhằm phục vụ Đảng như những gì các “nhà dân chủ” đang rêu rao hay không? Xin thưa, mọi chính sách được Đảng, Nhà nước Việt Nam đưa ra đều nhằm bảo đảm cao nhất lợi ích của quốc gia, dân tộc. Các chính sách đối ngoại không phải bất biến, cố định mà có sự thay đổi phù hợp với thời đại. Nếu như năm 1953, chúng ta xác định “thế giới có hai phe: Phe dân chủ do Liên Xô lãnh đạo và Trung Quốc giúp sức. Đứng về phe này thì tranh được độc lập và tự do. Phe đế quốc do Mỹ cầm đầu. Đi theo phe này hại dân, mất nước. Ta phải cương quyết đứng về một phe, không thể đứng chông chênh giữa hai phe. Quyết không có con đường thứ ba (bài viết của Bác với bút danh Đ.X đăng trong mục “Thường thức chính trị” trên Báo Cứu quốc năm 1953), thì hiện nay, với sự mở rộng của toàn cầu hóa, chúng ta thực hiện đường lối đối ngoại “độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại… Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”. Đây chính là sự mềm dẻo, linh hoạt của “ngoại giao cây tre” mà Việt Nam đang thực hiện. Đích đến cuối cùng là bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia – dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế.

Với chính sách “ngoại giao cây tre”, chúng ta đã được gì? Xin trả lời, từ việc chỉ có quan hệ với 30 nước (năm 1986), đến nay Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 193 nước; nâng quan hệ lên đối tác toàn diện, đối tác chiến lược, đối tác chiến lược toàn diện với 30 nước, trong đó có 5 ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và tất cả các nước lớn khác. Chúng ta hiện hữu, ghi dấu ấn trên nhiều diễn đàn, hội nghị cấp cao của thế giới, khu vực như Liên hợp quốc, Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7), Hội nghị cấp cao ASEAN, Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn Hợp tác Á-Âu (ASEM), Diễn đàn Hợp tác kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương (APEC)…Việt Nam ký kết 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) với sự tham gia của khoảng 60 nền kinh tế, bao gồm các nước công nghiệp phát triển. Đảng Cộng sản Việt Nam đã thiết lập quan hệ với 247 chính đảng ở 111 quốc gia, bao gồm khoảng 90 đảng cộng sản và công nhân quốc tế, các đảng cầm quyền và tham chính có vai trò quan trọng. Quốc hội nước ta có quan hệ với quốc hội, nghị viện của hơn 140 nước. Quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế của Việt Nam được mở rộng và đi vào chiều sâu, tạo khung khổ quan hệ ổn định và bền vững với các đối tác, là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế.

Những luận điệu xuyên tạc chuyến thăm của Tổng Bí thư, chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đến Việt Nam, tấn công chính sách “ngoại giao cây tre” của Việt Nam đều là những hoạt động chống phá đất nước, cần phải được xử lý nghiêm minh theo đúng quy định pháp luật.

Thành Nguyễn

Nguồn: Đấu trường Dân chủ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây