Trang chủ Luận bàn - Phản biện Kỳ vọng từ những đột phá trong cải cách tiền lương

Kỳ vọng từ những đột phá trong cải cách tiền lương

50
0

Tại phiên thảo luận Tổ, Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội Khóa XV ngày 24.10 vừa qua về vấn đề cải cách tiền lương, các đại biểu Quốc hội nhấn mạnh, cải cách tiền lương là động lực để thúc đẩy người lao động làm việc với năng suất cao, chất lượng tốt và quan trọng hơn là bảo đảm đời sống cho người lao động.

Tư duy đột phá, phù hợp xu thế

Chia sẻ về nội dung cải cách tiền lương trong phiên thảo luận tại Tổ, Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội Khóa XV, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái, cho biết: kể từ khi Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp có hiệu lực đến nay, đất nước liên tục gặp khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19 cùng nhiều hệ lụy, tác động từ tình hình thế giới, khu vực.

Kỳ vọng từ những đột phá trong cải cách tiền lươngBộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái phát biểu về chính sách cải cách tiền lương tại Phiên thảo luận Tổ, Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội Khóa XV ngày 24.10.

Nền kinh tế khó khăn song Chính phủ vẫn quyết tâm “thắt lưng buộc bụng” để đến nay đã bố trí đủ nguồn lực cho cải cách tiền lương. Như báo cáo của Thủ tướng Chính phủ tại kỳ họp thì Chính phủ đã chuẩn bị được 560.000 tỷ đồng phục vụ cho cải cách tiền lương đến năm 2026. Với những nỗ lực trong việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh gọn biên chế đã tạo nguồn lực quan trọng để phục vụ cho cải cách tiền lương.

Cải cách tiền lương không những nâng cao đời sống của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và gia đình của họ, mà quan trọng hơn nữa chính là nâng cao năng suất lao động và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Cải cách tiền lương chính là động lực tăng trưởng kinh tế. Cải cách tiền lương còn thực hiện một mục tiêu nữa là cơ cấu, sắp xếp lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.

Tham gia thảo luận về nội dung này, các ĐBQH đánh giá, cải cách tiền lương là tư duy đột phá, hoàn toàn phù hợp với xu thế thế giới; phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và xu thế công bằng, tiến bộ của chúng ta hiện nay.

Động lực thúc đẩy nâng cao năng suất lao động

Theo các đại biểu, cải cách chính sách tiền lương nên được cơ cấu lại để tính tỷ lệ lương cơ bản, tỷ lệ phụ cấp và loại những cơ chế chính sách tiền lương đặc thù, chỉ còn lại bảng lương cơ bản, phụ cấp và bổ sung 10% mức lương cơ bản để cho thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thực hiện mục tiêu thưởng cho cán bộ, công chức, viên chức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, việc điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng, chính sách tiền lương đối với khu vực doanh nghiệp theo quy định là rất quan trọng.

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết: trong bối cảnh cả doanh nghiệp lẫn người lao động đều đang rất khó khăn và hiện cũng chưa có những đánh giá toàn diện về tình hình tăng trưởng kinh tế từ nay đến cuối năm, đặc biệt là triển vọng 2024, trên cơ sở phân tích toàn diện và chia sẻ lẫn nhau, Hội đồng Tiền lương quốc gia thống nhất sẽ họp lại vào khoảng tháng 11.2023 để bàn, đánh giá tình hình thực tế, từ đó đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng cho năm 2024.

Quan điểm của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là rất chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp, tuy nhiên, người lao động là đối tượng dễ bị tổn thương và hiện cũng gặp rất nhiều khó khăn; việc tăng lương vừa là động lực để thúc đẩy người lao động làm việc với năng suất cao, chất lượng tốt, nhưng trước hết bảo đảm cho người lao động duy trì mức sống tối thiểu.

Trước đó, tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ Sáu, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết: trong năm 2025, Chính phủ sẽ thực hiện cải cách chính sách tiền lương đối với khu vực công theo Nghị quyết số 27-NQ/TW của Trung ương từ ngày 1.7.2024. Đồng thời, tiếp tục điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng, chính sách tiền lương đối với khu vực doanh nghiệp theo quy định. Từ năm 2025 trở đi, tiếp tục điều chỉnh tiền lương tăng bình quân 7%/năm đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang cho đến khi mức lương thấp nhất bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất vùng I của khu vực doanh nghiệp.

Bích Ngân 

Nguồn: Cánh cò

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây