Trang chủ Luận bàn - Phản biện Bài toán “phong sát” những nghệ sĩ ứng xử lệch chuẩn

Bài toán “phong sát” những nghệ sĩ ứng xử lệch chuẩn

57
0

Thời gian qua, hàng loạt nghệ sĩ bị cơ quan chức năng xử lý về những hành vi ứng xử thiếu chuẩn mực, vi phạm quy định của pháp luật.

Bài toán “phong sát” những nghệ sĩ ứng xử lệch chuẩn

Liên tiếp vi phạm

Vừa qua, MC Cát Tường phải đăng đàn xin lỗi công chúng bởi “quảng cáo trên trời”. Sự việc diễn ra chưa lâu, mạng xã hội lại lan truyền hình ảnh người mẫu Ngọc Trinh ưỡn ẹo khoe thân đầy phản cảm trên những chiếc xe máy phân khối lớn, bất chấp quy định của Luật Giao thông đường bộ.

Ngày 19/10, Công an TP Hồ Chí Minh ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với người mẫu Ngọc Trinh về hành vi “Gây rối trật tự công cộng”.

Trong khi vụ việc diễn viên Ngọc Trinh chưa hết ồn ào, ngày 21/10, tài khoản đặt tên một hãng xe đăng tải đoạn clip trên YouTube có hình ảnh nghệ sĩ xiếc Quốc Cơ – Quốc Nghiệp biểu diễn chồng đầu khi đang lái xe.

Ngày 22/10 Công an TP Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) phải vào cuộc xác minh, làm rõ mục đích, động cơ, quá trình thực hiện video chồng đầu khi chạy xe máy của hai nghệ sĩ xiếc Quốc Cơ – Quốc Nghiệp.

Điều khiến dư luận đang hết sức quan tâm không chỉ đối với các vụ việc liên quan đến giới nghệ sĩ thời gian gần đây, mà trong nhiều năm qua cũng từng chứng kiến không ít vụ nghệ sĩ gây scandal vì quảng cáo, thông tin sai sự thật. Tuy nhiên, trong hầu hết các vụ việc scandal liên quan đến giới nghệ sĩ hiện nay đều chỉ dừng lại ở xử phạt hành chính, với số tiền phạt chưa tương xứng, khiến tính răn đe chung chưa cao.

Điều này dẫn tới tình trạng, số “nghệ sĩ” ứng xử lệch chuẩn ấy vẫn điềm nhiên làm nghề… Thậm chí còn dẫn tới tình trạng người này nhìn vào để học người kia, thế hệ “nghệ sĩ” sau nhìn vào, học hỏi và làm nhiều chiêu trò thiếu chuẩn mực hơn người đi trước.

Bài toán “phong sát” những nghệ sĩ ứng xử lệch chuẩn

Theo chuyên gia truyền thống Nguyễn Ngọc Long, điều đáng tiếc là họ được đám đông tung hô, những danh hiệu do họ tự phong như nam vương, nữ hoàng, ông vua, bà chúa… cùng với những đặc quyền đặc lợi có được từ sự nổi tiếng nhiều khi khiến người trong cuộc cho rằng mình thực sự là ”thượng đẳng”, và pháp luật không thể hoặc không muốn đụng tới.

Lời cảnh tỉnh

Sự việc Ngọc Trinh bị khởi tố, bắt giam là sự cảnh tỉnh cho các nghệ sĩ khác. Mặt khác, theo Chánh văn phòng, người phát ngôn của Bộ VHTT&DL Nguyễn Danh Hoàng Việt: ”Bộ sẽ xem xét cụ thể trường hợp của Ngọc Trinh có thuộc thẩm quyền của Bộ hay không mới có thể đưa Ngọc Trinh vào ”danh sách đen” – ông Hoàng Việt nói.

Trước đó, tại họp báo quý III, đại diện Bộ VHTT&DL cho biết, Bộ VHTT&DL và Bộ TT&TT đang phối hợp xây dựng quy trình xử lý (hạn chế phát sóng, biểu diễn, quảng cáo) đối với nghệ sĩ, người có ảnh hưởng trên mạng (KOLs) vi phạm pháp luật, trái thuần phong mỹ tục.

Theo đó, những nghệ sĩ, người có ảnh hưởng vi phạm bộ quy tắc ứng xử cho người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, không trung thực trong quảng cáo, cung cấp sai thông tin tới công chúng… thì ngoài xử lý theo quy định pháp luật, hai bộ đưa vào diện xem xét kiểm soát hạn chế hình ảnh, hoạt động. Quy trình xử lý sẽ là Bộ TT&TT lập một danh sách nghệ sĩ vi phạm.

Bộ VHTT&DL dựa trên danh sách này và mức độ vi phạm chuẩn mực đạo đức, vi phạm quy định trong bộ quy tắc ứng xử dành cho người hoạt động nghệ thuật, sẽ có hình thức thông tin, phối hợp với các cơ quan liên quan, các cơ quan báo chí, truyền hình để kiểm soát sự hiện diện của những nghệ sĩ này, từ sự xuất hiện trên phương tiện thông tin đại chúng đến các hoạt động xã hội.

Bài toán “phong sát” những nghệ sĩ ứng xử lệch chuẩnNgọc Trinh tại cơ quan điều tra. Ảnh: CATP cung cấp

Bên cạnh đó, Bộ VHTT&DL đã ban hành bộ Quy tắc ứng xử, trong đó có nội dung liên quan đến các hoạt động nghề nghiệp, hoạt động với công tác xã hội, hoạt động với đồng nghiệp và hoạt động trên cơ sở của báo chí, truyền thông. Những nghệ sĩ vi phạm quy tắc này tùy mức độ sẽ bị xử lý.

Trước đây, chưa có nhiều tiền lệ xử lý những trường hợp vi phạm, nên nhiều nghệ sĩ, người nổi tiếng cũng có thái độ chủ quan, coi thường việc nâng cao nhận thức. Do vậy, theo các chuyên gia đây có thể xem là thời điểm bản lề cho những thay đổi rõ hơn về ý thức và nhận thức của nghệ sĩ.

Mặt khác, từ các vụ việc gần đây liên quan đến nghệ sĩ được cơ quan chức năng xử lý nghiêm, không có vùng cấm là bài học cảnh tỉnh đắt giá, đồng thời cũng thể hiện tính răn đe, nghiêm khắc trong việc xử lý các hành vi, ứng xử lệch chuẩn của một bộ phận nghệ sĩ, người nổi tiếng.

Lập “danh sách đen” nghệ sĩ vi phạm- Muộn còn hơn không

Thực tế việc xây dựng “danh sách đen” với nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật không mới, là điều nhiều quốc gia đã thực hiện. TS Cao Ngọc chia sẻ, ở nhiều quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc có những chế tài khá mạnh với các hành vi quảng cáo sai sự thật như phạt hành chính rất nặng, cấm tham gia quảng cáo. Nhật Bản cũng yêu cầu nghệ sĩ khi quảng cáo phải có trách nhiệm cung cấp thông tin khách quan.

Tại Trung Quốc đã có quy định cụ thể nhằm chấn chỉnh hoạt động quảng cáo của người nổi tiếng và nghệ sĩ giải trí. Quy định này nhằm tạo cơ chế để những người nổi tiếng khi quảng cáo phải có trách nhiệm hơn với chất lượng sản phẩm và dịch vụ mà họ quảng bá.

Còn theo các chuyên gia, cơ quan có thẩm quyền cần bổ sung chức năng, nhiệm vụ cho một đầu mối quản lý và kiểm tra để giám sát và đánh giá các quảng cáo từ nghệ sĩ hoặc người nổi tiếng. Nhà nước cũng cần có hình phạt nghiêm khắc và khoản bồi thường phù hợp cho những người vi phạm quy định về quảng cáo.

Đó có thể là phạt tiền cao, cấm hoạt động quảng cáo hay thu hồi các lợi ích kinh tế, thậm chí là đình chỉ hoạt động nghệ thuật hoặc quảng cáo của nghệ sĩ. Đồng thời với các biện pháp trên, cần tăng cường tư vấn và giáo dục cho nghệ sĩ và người nổi tiếng về đạo đức quảng cáo, trách nhiệm của họ khi phát ngôn, ứng xử trước công chúng.

Bích Vân

Nguồn: Cánh cò

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây