Gần đây, Việt Tân có bài viết xuyên tạc về vấn đề sử dụng đất như: nhận thừa kế, tặng cho hoặc sang nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp …Vậy thực chất vấn đề này như thế nào?
Đây không phải là một vấn đề “rắc rối lớn” như nhận định của Việt Tân. Đây chỉ là cách đặt vấn đề nhằm gây tâm lý hoang mang cho những người dân chưa nắm được quy định của pháp luật. Dù chỉ là một công dân rất bình thường của Việt Nam nhưng tôi cũng có thế luận giải về vấn đề này:
Bởi vì, thứ nhất, ở nước ta, theo quy định của pháp luật về đất đai, nguyên tắc sử dụng đất phải là đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và đúng mục đích sử dụng đất nhằm đảm bảo các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh (đặc biệt là an ninh lương thực), bảo vệ môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu.
Căn cứ vào mục đích sử dụng, đất đai được phân thành ba nhóm: nhóm đất nông nghiệp, nhóm đất phi nông nghiệp và nhóm đất chưa sử dụng (các loại đất chưa xác định mục đích sử dụng).
Trong đó, đất nông nghiệp bao gồm: đất trồng cây hàng năm (đất trồng lúa, đất trồng cây hàng năm khác); đất trồng cây lâu năm; đất rừng sản xuất; đất rừng phòng hộ; đất rừng đặc dụng; đất nuôi trồng thuỷ sản; đất làm muối; đất nông nghiệp khác.
Nhà nước luôn có chính sách tạo điều kiện cho người trực tiếp sản xuất nông nghiệp có đất để sản xuất nông nghiệp. Do đó, một trong những hành vi bị nghiêm cấm là không sử dụng đất hoặc sử dụng đất không đúng mục đích (Khoản 3 Điều 12 Luật Đất đai 2013).
Việc “xác định nông dân” thực chất là xin xác nhận hộ gia đình hoặc cá nhân trực tiếp sản xuất đất nông nghiệp nhằm đảm bảo điều kiện được sử dụng đất nông nghiệp.
Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng phải xin xác nhận. Tại khoản 1 Điều 3 Thông tư 33/2017/TT-BTNMT quy định:“Việc xác nhận hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp được thực hiện trong các trường hợp sau đây:
a) Giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân theo quy định tại Điều 54 của Luật đất đai;
b) Đăng ký nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa của hộ gia đình, cá nhân;
c) Công nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân ;
d) Thu hồi đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân mà cần xác định đối tượng được bồi thường, hỗ trợ.”
Như vậy, đối với trường hợp nhận thừa kế, người dân không phải xin xác nhận hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp.
Thứ hai, hỏi ngược lại câu hỏi mà Việt Tân đặt ra: Cha mẹ mất rồi, con đi làm giáo viên, bác sĩ,… ruộng ai làm? Khi đó sẽ xảy ra các trường hợp: một là đất để không, bị hoang hóa, bị khô cằn; hai là những người con được thừa kế đất ruộng sau khi nhận thừa kế sẽ “bán” lại cho người khác, hoặc cho người khác “thuê” lại; ba là người con bỏ làm giáo viên, bác sĩ,… quay về làm ruộng để giữ đất do nhận thừa kế từ cha mẹ.
Nếu lựa chọn phương án một sẽ vi phạm vào điều cấm của luật. Nếu lựa chọn phương án hai thì người trực tiếp sản xuất nông nghiệp sẽ “khốn khổ” hơn do ngoài các khoản chi phí cho sản xuất nông nghiệp, còn phải trả thêm khoản tiền thuê đất, trong đó có thể có cả tiền thuế đất, từ đó giá thành nông sản tăng sẽ khiến cho cuộc sống nhiều người dân khác gặp khó khăn, tình hình an ninh lương thực của đất nước liệu có ổn định? Nếu lựa chọn phương án ba thì cuộc sống của những người con sẽ như thế nào, tương lai cháu chắt sẽ ra sao?
Cho nên, đối với vấn đề này, người dân cần sáng suốt, tỉnh táo, thực hiện đúng theo quy định của pháp luật, tránh bị ảnh hưởng bởi những luận điệu mang tính kích động, chia rẽ của nhóm người Việt Tân.
MẠNH. HÀ KCT
Nguồn: Đấu trường Dân chủ