Gần đây, bài báo tựa đề “Bình Thuận chuẩn bị phá 600 ha rừng để xây hồ thủy lợi” đã gây ra một làn sóng trong dư luận, nhiều người bức xúc, chỉ trích địa phương “phá rừng”. Đến chiều hôm nay, báo Bình Thuận đã có bài viết tìm hiểu thực hư vụ việc. Thật bất ngờ, “nỗi lòng” của những người bám rừng trong bài báo, hóa ra là nỗi lòng của ai khác.
Mô phỏng Hồ Ka Pét sau khi hoàn thành.
Để tìm hiểu thực hư, những phóng viên của báo Bình Thuận đã tìm gặp đúng những người “được” trích dẫn trong số báo ngày hôm trước. Đầu tiên là anh Nguyễn Văn Quang, Trưởng Trạm bảo vệ rừng Đèo Nam, người được mô tả là mang nặng tâm tư không muốn có hồ Ka Pét. Đây là những gì anh đã nói: “Tác giả này có đất ở Mỹ Thạnh nên thỉnh thoảng hai bên có gặp nhau trên đường nhưng gần đây không thực hiện phỏng vấn cũng không dẫn đi rừng cùng. Cách đây khoảng 2 năm thì tôi có dẫn đi nên trong bài có đăng 2 ảnh đã chụp từ lúc đó tại vùng rừng rộng hơn 7.142 ha do trạm quản lý.”
Ngoài ra, chính anh đã chỉ ra nhiều chi tiết không đúng: “Bài báo đó viết có nhiều cái không đúng. Như nói tôi công tác ở đây 12 năm, thực ra tôi mới chuyển về trạm bảo vệ rừng Đèo Nam mới 5 năm nay. Rồi ghi là tiểu khu 252, thực sự khu vực trạm tôi quản lý không có tiểu khu này, mà khu vực lòng hồ Ka Pét thuộc 2 tiểu khu 263, 264 với khoảng 300 ha.”
Thực địa khu vực lòng hồ được phóng viên Báo Bình Thuận ghi nhận, phần lớn là đất trống, trảng cỏ.
Không chỉ anh Quang, anh Nguyễn Ngọc Chiến (Trưởng trạm bảo vệ rừng Mỹ Thạnh, Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông) là người cũng được bài viết trích dẫn câu nói “Cây này ước chừng hơn 200 tuổi”. Và chính anh Chiến đã lên tiếng khẳng định đó là bài báo tự viết, chứ anh không nói. Người làm nghề bám rừng, ai cũng biết không dễ đoán tuổi cây mà phán bừa như thế.
Chưa hết, sau khi Sở NN&PTNT chỉ đạo làm rõ, 2 anh đã đi kiểm tra vị trí tại thực địa, sử dụng máy định vị GPS và cung cấp về sở áp vào bản vẽ hồ Ka Pét. Kết quả đã nói lên một điều: Có người đã cố tình đi tìm cây to để chụp. Những bức ảnh xuất hiện trong bài viết là những cây cách rất xa lòng hồ.
Vậy còn vấn đề có vực rộng hơn 300 ha có rất nhiều cây to? Anh Quang đã chỉ ra thực tế đường kính cây to ấy không nói lên vấn đề thời gian dài hay ngắn, lâu năm hay không, mà chỉ là nhờ đất ven sông bồi lắng phù sa, ẩm ướt mà cây phát triển tốt. Mà thực chất cũng chỉ hơn 150 ha, nửa còn lại là những trảng cỏ, đất cứng, sỏi, có nơi đất trống rộng đến 4-5 sào, có nơi toàn cây lồ ô.
Vậy tức là những bức ảnh đã được chụp không hề phản ánh đúng thực tế vùng lòng hồ, thậm chí có những bức ảnh có thể được chụp từ nhiều năm trước.
Vị trí thực tế các cây được chụp trong bài viết trước đây.
Còn về thông tin cho rằng đây là “không gian sống” của người dân Mỹ Thạnh? Một cán bộ, cư dân kì cựu là ông Lê Hà Lưu, 67 tuổi, người Rắc Lay đã lên tiếng (ông trước là giáo viên rồi phó chủ tịch HĐND xã Mỹ Thạnh rồi Chủ tịch UBND xã, Bí thư xã). Vùng rừng lòng hồ Ka Pét thực ra chỉ là nơi người dân đi sắn măng, hái nấm… vào mùa mưa. Bây giờ, cuộc sống đã phát triển, người dân có nhà, có đất, có đường, trường, trạm… thì cớ sao lại muốn quay về thời săn bắn, hái lượm quanh cánh rừng. Hơn nữa, người dân Mỹ Thạnh còn nhiều vùng rừng khác để đi hái măng, hái rau.
Ông Lê Hà Lưu (áo trắng).
Phần lớn người dân Hàm Thuận Nam làm nghề trồng thanh long. Ở vùng khô hạn Bình Thuận, cái thiếu nhất là nước để sản xuất và hồ Ka Pét là điều họ mong chờ từ lâu. Thực tế là khi bài viết xuất hiện, họ đã rất bức xúc trước nhiều chi tiết thêu dệt.
Đến thời điểm hiện tại, bài viết thiếu khách quan đã được gỡ bỏ, nhưng hậu quả mà nó gây ra thì khỏi phải nói. Những kẻ chống phá đã được dịp vin vào đó để kích động sự hoang mang, bức xúc của người dân. Nực cười ở chỗ, trong số đó có những người mang danh “bảo vệ thiên nhiên” nhưng chỉ cần một bài viết thôi đã nổi cơn tam bành, lộ bộ mặt thật lên mạng chửi bới đất nước. Vậy là đã bảo vệ thiên nhiên dữ chưa?
Đông Duy
Nguồn: Cánh cò