Kết thúc phiên tòa xét xử vụ án “Chuyến bay giải cứu” đối tượng vi phạm đều là cán bộ có vị trí cao trong các cơ quan nhà nước, người đúng đầu các doanh nghiệp với các tội danh đa dạng; thông qua vụ án có rất nhiều quan điểm sai trái, phản động xuyên tạc bản chất của các vụ án. Cụ thể ngày 08/8/2023 trên trang Đài Á Châu Tự Do, đăng tải bài viết: Liệu có “tiêu chuẩn kép” trong việc giảm án tử hình cho quan chức tham nhũng và án oan của dân?
“Tiêu chuẩn kép” được hiểu: Là việc áp dụng các bộ nguyên tắc khác nhau cho các tình huống về nguyên tắc là giống nhau. Tiêu chuẩn kép xảy ra khi hai hoặc nhiều người, nhóm, tổ chức, hoàn cảnh hoặc sự kiện có bản chất giống nhau nhưng được đối xử khác nhau mặc dù đáng ra, họ phải được đối xử theo cùng một cách.
Tác giả bài viết đã viện dẫn vụ án “chuyến bay giải cứu” với vụ án Nguyễn Văn Chưởng và Hồ Duy Hải. Với vụ án Nguyễn Văn Chưởng và Hồ Duy Hải đây là hai vụ án đều được kết tội danh giết người; cướp tài sản đã được tòa tuyên án, xong các bị cáo đều kêu oan và đây cũng là hai vụ án có những vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc điều tra, giải quyết vụ án như: Tiêu hủy vật chứng, thay đổi vật chứng, bỏ sót các chứng cứ pháp y như vân tay, vết máu tại hiện trường; rút bỏ hồ sơ chứng cứ có lợi cho bị cáo, bỏ qua một số bản khai cung không nhận tội của bị cáo, hành hung bị cáo… Tuy nhiên, Tòa án nhân dân tối cao nhận định những vi phạm pháp luật này không làm thay đổi bản chất của vụ án nên không cần thiết phải hủy các bản án sơ thẩm, phúc thẩm để điều tra lại theo kháng nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.
Khẳng định đây là những vụ án điển hình và có tính chất phạm tội khác nhau, không thể đánh đồng hoặc so sánh. Mỗi một vụ án đều được các cơ quan xét xử đúng người, đúng tội, thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật.
Trở lại vụ án “Chuyến bay giải cứu” là vụ án được dư luận xã hội quan tâm, gây bức xúc trong nhân dân. Thời khắc đặc biệt khó khăn mà toàn Đảng, toàn dân ta đã vượt qua bằng những quyết sách sáng suốt, bằng nghĩa tình son sắt, tinh thần đoàn kết dân tộc. Những người từng là “công bộc của dân” “phụng sự nhân dân” được Đảng, nhân dân giáo dục, đào tạo, tin tưởng trao cho các chức vụ quan trọng trong bộ máy Nhà nước, được trả lương từ mồ hôi, công sức, đóng góp của nhân dân, lại đã lợi dụng kẽ hở để trục lợi từ chính sách, để vụ lợi, tham nhũng, lừa đảo. Họ đã phản bội lại Đảng và nhân dân. Sẽ có các mức phạt thích đáng đối với “những con sâu làm rầu nồi canh”, nhưng chúng ta cũng cần sớm rút ra những bài học để tiếp tục phòng ngừa, đấu tranh từ vụ việc này. Trước tòa, hầu hết các bị cáo tỏ ra ăn năn, hối hận, mong muốn được có cơ hội làm lại, phấn đấu trở thành người tốt trong xã hội.
Một lần nữa khẳng định quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của toàn dân ta khi đưa ra quyết sách đúng đắn, nhân văn trong đại dịch đúng với truyền thống của dân tộc: Dùng mọi khả năng có thể để đón công dân ta đang mắc kẹt trong dịch bệnh tại một số quốc gia trên thế giới về nước, không để ai lại phía sau. Tuy nhiên, trong “tình thế cấp thiết liên quan trực tiếp sinh mệnh người dân”, một số cán bộ thoái hóa biến chất đã khai thác triệt để kẽ hở chính sách liên quan cấp phép chuyến bay giải cứu để hoành hành trục lợi. Đây là bài học sâu sắc cho toàn bộ hoạt động quản lý trong khu vực quản lý hành chính Nhà nước.
Tình trạng thoái hóa biến chất, suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống của một số cán bộ, công chức, viên chức không ý thức được mình là “công bộc của dân” như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, có nguyên nhân từ suy nghĩ, quyền lực trong tay là của chính họ, chứ không phải của nhân dân trao cho để làm việc vì nước vì dân, vì thế họ đã đặt lợi ích, quyền lợi cá nhân lên trên lợi ích, quyền lợi của nhân dân, lên trên chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Không suy diễn, nhưng chúng ta dễ dàng nhận ra hành vi o ép, hù dọa, hứa hẹn… đòi hối lộ của những cán bộ, công chức, viên chức này có biểu hiện khá “chuyên nghiệp”: Cấu kết chặt chẽ “liên bộ, liên ngành” với nhau để “ra giá” thống nhất. Tệ hại hơn, có kẻ còn lợi dụng việc phạm tội đã bị phanh phui để lừa đảo chạy án kiếm chác hàng triệu USD… Cũng từ vụ việc và phiên xử này, đặt ra câu hỏi phải giải quyết làm sao để tôn bồi “đạo đức công vụ” của cán bộ, công chức hiện nay?
Vụ việc trên cũng bộc lộ sơ hở trong công tác cán bộ, trong tuyển chọn, đào tạo, quy hoạch, đánh giá, đề bạt, bổ nhiệm, nhất là trong kiểm tra, giám sát cán bộ. Đảng ta, Nhà nước ta đã đổ bao công sức, tiền của để đào tạo, cho họ học tập, rèn luyện đạo đức, bản lĩnh chính trị. Nhưng đồng tiền bẩn đã làm mờ mắt họ, từ đây đặt ra một trách nhiệm lớn lao đối với toàn Đảng, toàn dân trong việc đào tạo, rèn luyện, tuyển chọn người có tài, có đức ra phục vụ nhân dân. Một vấn đề cũng cần được đặt ra từ vụ án “Chuyến bay giải cứu” này, đó là: Phải xử lý tội phạm tham nhũng đúng người, đúng tội với khung hình phạt đủ tính răn đe nghiêm khắc.
Công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, phòng chống mà Đảng và Nhà nước ta đã đề ra, đang được thực hiện, thực hiện quyết liệt không ngưng nghỉ, nhưng cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức. Lúc này đây, nhìn từ vụ án “Chuyến bay giải cứu”, một lần nữa những gửi gắm về tình cảm, trách nhiệm của mỗi cá nhân, tổ chức đối với Đảng, nhà nước, nhân dân quyết định đến vận mệnh của đất nước. Đối diện cái xấu, cái ác lương tâm mỗi người chúng ta không thể “ngủ yên” và trách nhiệm công dân đòi hỏi chúng ta không thể thờ ơ, vô cảm.
Không khó để nhận ra âm mưu thâm độc các thế lực phản động là phủ nhận sự công minh, khách quan của Hội đồng xét xử; mưu toan bôi đen nền tư pháp Việt Nam; cáo buộc vô căn cứ để bôi nhọ thanh danh của cá nhân, tổ chức; nhất là xuyên tạc phương châm của Đảng và Nhà nước ta về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”… Từ đó tạo ra “xung đột” quan điểm, thái độ của người dân về kết luận của Hội đồng xét xử, tạo “sóng” và lái dư luận xã hội theo chiều hướng tiêu cực, làm người dân nghi ngờ vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước ta về “cuộc chiến” phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; cũng như nghi ngờ về sự thành công của “cuộc chiến này”; nhất là phủ nhận tính nhân văn, nhân đạo trong chính sách của Đảng và Nhà nước ta với tinh thần: “Tình đồng chí, nghĩa đồng bào”, “Không để ai phải ở lại phía sau” trong cuộc chiến với đại dịch COVID-19 với tinh thần “Chống dịch như chống giặc”. Không những vậy, chúng cáo buộc “tham nhũng, tiêu cực là bản chất của chế độ ta” để phủ nhận tính chính danh, chính pháp sự lãnh đạo của Đảng ta. Cuối cùng là cổ xúy cho cái gọi là “tam quyền phân lập” ở Việt Nam…
THÀNH. DƯƠNG
Nguồn: Đấu trường Dân chủ