Trang chủ Luận bàn - Phản biện Không thể xuyên tạc sự hy sinh cao quý

Không thể xuyên tạc sự hy sinh cao quý

61
0

Trong 3 năm, 8 tháng và 20 ngày cầm quyền trước khi bị lật đổ, Khmer Đỏ đã biến Campuchia thành một đất nước không có quyền con người. Một xã hội không chợ, không trường học, không bệnh viện, không gia đình, không tôn giáo. Một dân tộc bị đẩy đến bên bờ diệt chủng với gần 3 triệu người bị giết hại. Khmer Đỏ cũng tiến công, lấn chiếm nhiều nơi trên tuyến biên giới và hải đảo, gây ra những tội ác man rợ đối với nhân dân Việt Nam. Để ngăn chặn bàn tay đẫm máu của Khmer Đỏ, góp phần hồi sinh dân tộc và đất nước Campuchia như ngày nay, hàng chục ngàn cán bộ, chiến sĩ quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam đã ngã xuống. Trong đó còn rất nhiều liệt sĩ chưa thể trở về với đất mẹ Việt Nam.

Nghĩa vụ quốc tế vẻ vang

Tháng 4-1975, hàng vạn người dân Campuchia đổ ra đường chào đón quân cách mạng tiến vào giải phóng Thủ đô Phnom Penh, lật đổ chế độ Lon Nol với hy vọng vào trang sử mới tươi sáng, trong hòa bình, ổn định và phát triển của đất nước. Thế nhưng tất cả đều không thể ngờ là ngay sau đó họ được lệnh phải rời thành phố ngay lập tức và bắt đầu một cuộc xua đuổi tàn bạo, mở đầu một trong những chế độ độc tài dã man, độc ác nhất trong lịch sử loài người. Những năm tháng cầm quyền của tập đoàn phản động Pol Pot – Ieng Sary chính là trang sử bi thảm và đen tối nhất của đất nước và dân tộc Campuchia.

Không thể xuyên tạc sự hy sinh cao quý

Hành trình đi tìm đồng đội trên đất bạn Campuchia của cán bộ, chiến sĩ Đội K72, Bộ CHQS tỉnh Bình Phước

Nhà báo danh tiếng của Australia – ông William Bowchet đã nhận xét về chế độ Khmer Đỏ: “…Không có ai, chỉ trừ những kẻ điên dại mới nhổ tận gốc cả một dân tộc, bắt họ đi từ Đông sang Tây, từ Nam lên Bắc và ngược lại. Không có ai, trừ những kẻ điên dại mới ra lệnh phá hủy cày và lưới đánh cá, nồi nấu ăn và dụng cụ gia đình chỉ vì chúng có mùi của các phương thức sản xuất và lối sống cá nhân trái ngược với lệnh chủ nghĩa cộng sản ngay tức khắc của Angka…”.

Không chỉ gây ra tội ác diệt chủng đối với chính dân tộc mình, Khmer Đỏ còn tiến công, lấn chiếm nhiều nơi trên tuyến biên giới, hải đảo và gây ra nhiều tội ác, thảm sát hàng chục ngàn dân thường Việt Nam. Với mong muốn hòa bình và ổn định, Việt Nam cố gắng giải quyết cuộc xung đột một cách hòa bình thông qua đàm phán ngoại giao, nhưng Khmer Đỏ từ chối đàm phán; một số nước lớn không chịu làm trung gian hòa giải; Liên hợp quốc không có biện pháp gì phản hồi lại các phản đối của Việt Nam về hành động gây hấn của Khmer Đỏ, buộc chúng ta phải sử dụng vũ lực để bảo vệ Tổ quốc và trừng trị quân xâm lược bằng chiến thắng của cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam.

Trong giai đoạn này tại Campuchia, phong trào yêu nước trong nhân dân lớn mạnh nhanh chóng, các cuộc nổi dậy của quần chúng diễn ra ở nhiều nơi, dẫn đến sự ra đời của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia.

Không thể xuyên tạc sự hy sinh cao quý

 

Không thể xuyên tạc sự hy sinh cao quý

Lễ an táng hài cốt liệt sĩ hy sinh trên chiến trường Campuchia tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Bình Phước

Ngày 2-12-1978, tại huyện Snuol, tỉnh Kratie, Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia ra lời kêu gọi: “…Hãy cứu giúp chúng tôi, không phải chỉ cứu giúp mấy vạn người tị nạn mà phải cứu giúp cả một dân tộc…”. Thể theo yêu cầu khẩn thiết của nhân dân Campuchia, với tinh thần giúp bạn là tự giúp mình, từ ngày 23-12-1978, quân tình nguyện Việt Nam đã cùng lực lượng vũ trang của mặt trận tiến hành tổng phản công giải phóng các tỉnh miền Đông Campuchia, Thủ đô Phnom Penh và tiếp đó là toàn bộ đất nước Campuchia với chiến thắng lịch sử ngày 7-1-1979, lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot.

Liên tục trong 10 năm (1979-1989), mặc dù còn gặp vô vàn khó khăn trong nước do khủng hoảng kinh tế – xã hội và bị bao vây cấm vận, Việt Nam đã giúp đỡ Campuchia xây dựng chính quyền cơ sở, hỗ trợ vật chất, phục hồi kinh tế và đặc biệt là ngăn chặn sự trở lại của Khmer Đỏ. Đến tháng 12-1989, theo thỏa thuận giữa hai Đảng, hai nước, Việt Nam đã rút hết quân tình nguyện và chuyên gia quân sự về nước, hoàn thành nghĩa vụ quốc tế vẻ vang.

Để bảo vệ thành quả cách mạng, Hội đồng nhân dân cách mạng Campuchia thành lập ngày 8-1-1979 đã đề nghị quân tình nguyện Việt Nam tiếp tục ở lại cùng lực lượng vũ trang Campuchia truy quét tàn quân Khmer Đỏ, giúp đỡ bạn củng cố, xây dựng chính quyền cách mạng, xây dựng đất nước.

Sự thật không thể đảo ngược

Không phải ngẫu nhiên mà ở một đất nước Phật giáo được xem là quốc đạo, nhân dân Campuchia đã trìu mến gọi quân tình nguyện Việt Nam là “Đội quân nhà Phật”. Xã luận báo Pracheachon (cơ quan của Đảng Nhân dân cách mạng Campuchia) số ra ngày 29-6-1989 có đoạn viết: “…Trong những năm cực kỳ bi thảm dưới chế độ diệt chủng Pol Pot, trên thế giới này, có không biết bao nhiêu kẻ mạnh, kẻ giàu nhưng duy nhất chỉ có người bạn láng giềng nghèo Việt Nam đến cứu sống dân tộc ta mà thôi…”.

Không thể xuyên tạc sự hy sinh cao quý

Ông Chum Mey, nhân chứng sống tại Bảo tàng diệt chủng Toul Sleng, Thủ đô Phnôm Pênh, Vương quốc Campuchia kể về tội ác của Pol Pot và nghĩa cử cao đẹp của quân tình nguyện Việt Nam giúp giải phóng nhân dân Campuchia khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot

Phát biểu tại lễ mít tinh kỷ niệm 35 năm Ngày chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây – Nam và cùng quân – dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng diễn ra tại Thủ đô Hà Nội – Việt Nam ngày 5-1-2014, ngài Samdech Akka Moha Ponhea Chakrei Heng Samrin, Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Campuchia nhấn mạnh: “Sự thật là nếu không có sự hy sinh cao cả của bộ đội Việt Nam thì dân tộc Campuchia chúng tôi sẽ không có cơ hội để có ngày chiến thắng lịch sử 7-1-1979″.

Gần 4 thập kỷ sau khi bị lật đổ, những kẻ đầu sỏ của Khmer Đỏ đã phải chịu trách nhiệm về tội ác do chúng gây ra. Trong phiên xét xử sáng 16-11-2018, lần đầu tiên Tòa án quốc tế xét xử tội ác Khmer Đỏ tại Campuchia (ECCC) phán quyết rằng chính quyền Khmer Đỏ đã phạm tội “diệt chủng” tại Campuchia trong giai đoạn từ năm 1975-1979.

Không thể xuyên tạc sự hy sinh cao quý

Lễ bàn giao hài cốt liệt sĩ đưa về nước an táng

Sự thật lịch sử là không thể đảo ngược, công lý đã được thực thi dù quá muộn màng. Vậy mà vẫn còn không ít người có nhận thức sai lầm, xuyên tạc việc Việt Nam đưa quân tình nguyện sang giúp đỡ nhân dân Campuchia. Các thế lực, tổ chức phản động, những kẻ thù địch với Việt Nam ở trong và ngoài nước, với dụng ý và mưu đồ xấu luôn ra rả những luận điệu xuyên tạc hòng phủ nhận sự giúp đỡ của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đối với đất nước và nhân dân Campuchia; phủ nhận sự hy sinh to lớn của Quân đội nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp quốc tế cao cả; kích động hận thù dân tộc hòng làm mất ổn định tình hình, âm mưu chia rẽ, phá hoại quan hệ đoàn kết hữu nghị Việt Nam – Campuchia.

Không thể xuyên tạc sự hy sinh cao quý

Tiểu khu Quân sự tỉnh Kampong Thom, Vương quốc Campuchia bàn giao hài cốt liệt sĩ cho Đội K72, Bộ CHQS tỉnh Bình Phước

Thế nhưng mưu đồ đó đã thất bại và chắc chắn sẽ tiếp tục thất bại! Bởi sự giúp đỡ kịp thời và hiệu quả của Việt Nam đối với Campuchia trước đây cũng như ngày nay đã được cộng đồng quốc tế thừa nhận và luôn được Hoàng gia, Chính phủ và nhân dân Campuchia trân trọng, tri ân. Xuyên tạc điều đó cũng chính là xúc phạm ông bố, bà mẹ, những gia đình Việt Nam và Campuchia đã tiễn đưa những người thân yêu nhất của mình đi chiến đấu vì chính nghĩa; xúc phạm những người lính quân tình nguyện Việt Nam và lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia đã chiến đấu, hy sinh vì sự hồi sinh của đất nước chùa tháp; xúc phạm vong hồn của gần 3 triệu người dân Campuchia bị tước bỏ quyền được sống một cách tàn nhẫn trong giai đoạn bi thảm và đen tối nhất lịch sử đất nước và dân tộc Campuchia.

“Uống nước nhớ nguồn”

Tháng Bảy – tháng tri ân. Với truyền thống và đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây”, chúng ta không bao giờ quên những hy sinh xương máu của các thế hệ cha anh đã ngã xuống vì sự nghiệp cách mạng của dân tộc và nghĩa vụ quốc tế vẻ vang dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Trải qua những thăng trầm của lịch sử và được tôi luyện trong thử thách, quan hệ hữu nghị Việt Nam – Campuchia ngày càng phát triển sâu rộng trên tất cả lĩnh vực, trở thành tài sản quý báu của hai dân tộc và luôn được lãnh đạo, nhân dân hai nước vun đắp, củng cố, tăng cường. Là những minh chứng hùng hồn cho sự thật không thể xuyên tạc về sự giúp đỡ và hy sinh to lớn của dân tộc Việt Nam, của quân tình nguyện Việt Nam đối với cách mạng và dân tộc Campuchia.

Tiếp nối truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, xuất phát từ mệnh lệnh trái tim, Đội K72, Bộ CHQS tỉnh Bình Phước đã và đang thực hiện sứ mệnh nhân văn, giúp thân nhân các liệt sĩ vơi bớt nỗi đau mất người thân trong chiến tranh, đưa những người con đã hy sinh vì nghĩa vụ quốc tế cao cả về an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh. Hơn 20 năm thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ trên đất bạn Campuchia, Đội K72 đã đón nhận được rất nhiều tình cảm đáng trân trọng của cấp ủy, chính quyền và nhân dân Campuchia, đã giúp đỡ và tạo mọi điều kiện cho cán bộ, chiến sĩ Đội K72 vượt qua khó khăn, gian khổ trong hành trình tìm kiếm và đã quy tập được 2.751 bộ hài cốt liệt sĩ, trong đó có 237 hài cốt liệt sĩ có tên từ nước bạn Campuchia về với đất mẹ.

Nguồn: Bùi Viết Hùng

theo báo Bình Phước

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây