Trước nguồn tin phỏng đoán quanh chuyến thăm của Chủ tịch nước Việt Nam rằng Việt Nam đã chấp nhận cho phép tòa thánh Vatican có đại diện thường trú tại Việt Nam. Nếu đúng như vậy thì đây là một tin tốt lành trong quan hệ giữa Việt Nam và Vatican. Thế nhưng vẫn có một số kẻ xuyên tạc, lu loa rằng, “một nguyện vọng chính đáng của giáo dân Việt Nam đã bị chặn lại suốt 10 năm”; rằng, “rất có thể tiếp tục bị cộng sản ngăn cản khi tiến tới quan hệ ngoại giao toàn diện”(!) Đúng là, kiểu gì cũng bóp méo, công kích, bôi nhọ cho được!
Ai cũng biết, trong lịch sử quan hệ ngoại giao thông thường, các quốc gia đều có những bước đi thích hợp, phù hợp lộ trình và lợi ích của mỗi nước. Những năm qua, với chính sách đối ngoại rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa các mối quan hệ quốc tế, và với phương châm “gác lại quá khứ, xóa bỏ hận thù, hướng tới tương lai”, Việt Nam đã và đang cải thiện nhiều mối quan hệ, ngay cả với nước từng là cựu thù theo lộ trình từ thấp lên cao, từ hẹp đến rộng nhằm đáp ứng lợi ích của cả hai phía. Theo hướng đó, trong quan hệ với một số cường quốc, có nước đi từ quan hệ hợp tác nhiều mặt đến hợp tác toàn diện; có nước là “đối tác hợp tác toàn diện” đến “đối tác chiến lược” hoặc “chiến lược toàn diện”… Điều đó phụ thuộc tình hình cụ thể, nhất là thái độ của những người lãnh đạo đứng đầu quốc gia đó. Từ thực tế ấy, các ngài thấy rõ lý do vì sao từ chỗ cho phép Vatican “đặt đại diện thường trú” đến việc “thiết lập quan hệ ngoại giao toàn diện”, là một quá trình, cần có thời gian và trải qua thực tiễn cụ thể. Do đó, cần nhấn mạnh rằng, bước đầu tiên trong quá trình này, những người có lương tri đều thấy hợp lý và hoan nghênh!
Thiết nghĩ, nên dẫn ra đây một quá trình dài với những cố gắng cụ thể của Việt Nam trong việc cải thiện quan hệ với Vatican: đầu năm 2007, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm Vatican, hội kiến Giáo hoàng Biển Đức XVI và thủ tướng Vatican, Hồng y Tarcisio Bertone. Tháng 2/2009, phái đoàn của Tòa thánh do Thứ trưởng ngoại giao – Đức ông Pietro Parolin dẫn đầu – thăm Việt Nam và làm việc tại Hà Nội, cả hai bên quyết định thành lập “Nhóm công tác hỗn hợp Việt Nam – Vatican” để thảo luận vấn đề về quan hệ ngoại giao. Ngày 11/12/2009, nhân chuyến thăm Italia, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã có cuộc hội kiến với Giáo hoàng Biển Đức XVI và Hồng y Tarcisio Bertone. Ngày 22/11/2013, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với chuyến công du tại Ý, đã có cuộc hội kiến với Giáo hoàng Biển Đức XVI, v.v… Các ngài nghĩ gì khi giới quan sát quốc tế cho rằng “đây là điều ít xảy ra, vì Giáo hoàng thông thường chỉ tiếp các nguyên thủ quốc gia, các thủ tướng, hoặc các nhà lãnh đạo chính trị tiếng tăm thế giới, ít khi tiếp một lãnh đạo chính đảng”. Vậy các ngài giải thích thế nào về thái độ Đảng, Nhà nước Việt Nam thường xuyên quan tâm chính sách tự do tín ngưỡng, luôn tạo điều kiện cho các tôn giáo, trong đó có Công giáo hoạt động với mục đích “tốt đạo, đẹp đời”? Nếu không nhất quán chính sách ấy, chắc chắn Tổng Bí thư và Thủ tướng Việt Nam lại hội kiến với Vatican để bàn việc thiết lập quan hệ ngoại giao! Đây là kết quả sự bền bỉ thể hiện thiện chí của phía Việt Nam.
Cần nói thêm rằng, ngay khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) ra đời, chỉ sau một ngày, ngày 3/9/1945, Chủ tịch Chính phủ lâm thời Hồ Chí Minh đã họp Chính phủ để bàn thảo và thông qua 6 nhiệm vụ cấp bách, trong đó có nhiệm vụ: “Thực hành tự do tín ngưỡng, lương giáo đoàn kết”. Giám mục Lê Hữu Từ được Bác Hồ mời làm Cố vấn Chính phủ; và thể hiện sự tôn trọng cương vị đó, Bác Hồ thường xuyên gửi thư trao đổi ý kiến với Giám mục Lê Hữu Từ về tình hình kháng chiến cứu quốc, chẳng hạn như lá thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Giám mục Lê Hữu Từ ngày 23/1/1947 thể hiện sự thân tình, ghi nhận đóng góp đồng bào tôn giáo và cá nhân Giám mục với sự nghiệp cách mạng
Trước những thông tin tích cực quan hệ Việt Nam – Vatican, UCA (hãng tin công giáo chuyên về châu Á) khẳng định: “Hiến pháp của Việt Nam cho phép tự do tôn giáo và các phương tiện truyền thông của Chính phủ đã bác bỏ chỉ trích từ các nhóm Ủy ban tự do tôn giáo quốc tế của Mỹ, từng xếp Việt Nam vào danh sách “các quốc gia cần quan tâm đặc biệt”. Trang này cho rằng, trong bối cảnh đó, việc Việt Nam cho phép Vatican đặt đại diện thường trú “là một bước tiến tích cực”, rằng “để tiến tới mối quan hệ toàn diện, có lẽ sẽ là một chặng đường dài”. Hãng tin Reuters cũng chung quan điểm đó.
Chính sách và lập trường thống nhất, xuyên suốt với tôn giáo của Việt Nam là hiện thực bác bỏ mọi suy diễn, xuyên tạc bản chất sự việc, nhất là chiêu bài núp danh tự do tôn giáo để chống phá Đảng, Nhà nước và khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Nguồn: Võ Khánh Linh Blog