Trang chủ Luận bàn - Phản biện Nực cười “Nhà dân chủ vì dân”

Nực cười “Nhà dân chủ vì dân”

83
0

.Ngày 06/6/2023, Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự đối với bị cáo Đặng Đăng Phước (sinh ngày 20/8/1963; trú tại số nhà 19/6 đường Giải Phóng, tổ dân phố 7A, phường Tân Lợi, Tp. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk; nghề nghiệp: Giáo viên Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk) về tội “Làm, tàng trữ, phát tán, tuyên truyền thông tin, tài liệu nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo điểm a, b, c khoản 1 Điều 117 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Ngay lập tức, hàng loạt các nhà đài “dân chủ” như BBC, RFA, VOA, Việt Tân… vội vã nhảy vào kêu oan, bênh vực “đồng đội” của mình. Trong đó, đáng chú ý phải kể tên của BBC với bài viết “Ủng hộ dân chủ, đa đảng, thầy giáo dạy nhạc Đặng Đăng Phước lãnh 8 năm tù” đã rất khôn khéo kết hợp những thông tin trích dẫn cùng “cái bắt tay” với tổ chức HRW để tẩy trắng cho một tên phản động chống phá Đảng và Nhà nước Việt Nam, biến hắn thành một anh hùng trong cuộc “vận động chống tham nhũng và lạm quyền, lên tiếng bảo vệ quyền dân sự và chính trị, trong đó có quyền tự do ngôn luận, biểu đạt, hội họp và tôn giáo”, đồng thời không quên gán thêm cho Nhà nước Việt Nam “tội danh” vi phạm nhân quyền. Vậy sự thật của vụ việc này như thế nào?

Nực cười

Đầu tiên, cần làm rõ rằng ở đây hoàn toàn không có người hùng đấu tranh “chống tham nhũng và lạm quyền, lên tiếng bảo vệ quyền dân sự và chính trị, trong đó có quyền tự do ngôn luận, biểu đạt, hội họp và tôn giáo” Đặng Đăng Phước mà chỉ có một giáo viên âm nhạc bị lệch lạc về tư tưởng, mắc bệnh ảo tưởng về bản thân, được bọn dân chủ cuội bơm thổi nên trở thành một kẻ “tâm thần chính trị”. Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã nêu rõ: “Trong khoảng thời gian từ năm 2019 đến ngày 10/8/2022, Đặng Đăng Phước đã có hành vi viết, tải từ mạng Internet các bài viết có nội dung không khách quan; không đúng sự thật; vu khống, xúc phạm, bôi nhọ uy tín, danh dự Nhà nước; phỉ báng chính quyền nhân dân; bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân; gây chiến tranh tâm lý; lợi dụng tự do ngôn luận để xuyên tạc, nói xấu chính quyền, gây kích động, hoang mang trong nhân dân, gây mất trật tự, an toàn xã hội. Sau đó, Phước đăng tải các bài viết này lên trang facebook cá nhân “Đặng Phước”, trang fanpage được hiển thị ở chế độ công khai (có một số bài viết được Phước gắn tên các tài khoản facebook khác). Ngoài ra Phước sử dụng Email của mình để gửi các bài viết có nội dung nêu trên đến các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Mặt khác, Phước còn trực tiếp hát và đánh đàn cho người khác hát những bài hát có nội dung không đúng sự thật, phỉ báng chính quyền nhân dân; bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân, gây chiến tranh tâm lý nhằm mục đích chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Cáo trạng của tòa án cùng những bằng chứng cụ thể này mới là sự thật về “người hùng” Đặng Đăng Phước chứ không phải như BBC cứ lập lờ nói suông rồi tự khoác cho Phước cái danh “đấu tranh vì dân”. Như ông bà ta vẫn dạy “nói có sách, mách có chứng” điều đó mới là sự thật, mới đáng tin cậy chứ giọng điệu cứ nói hay, vẽ đẹp dựa trên điều mà “các thánh dân chủ” tự thấy, tự phong là biết được tính chính xác của nó cao như thế nào rồi!

Một điều nữa đáng để chúng ta nói đến ở đây là những đối tượng đang kêu oan, đang tung hô Đặng Đăng Phước thành “người hùng” bao gồm nhà đài BBC và tổ chức HRW. Nhắc tới BBC có lẽ đã quá quen thuộc với phần đông người dân Việt Nam bởi các hoạt động tích cực không ngừng nghỉ trong nhiều năm qua với hàng loạt các bài viết khác nhau nhưng chung một phong cách là nói rất hay nhưng toàn nói suông không bằng chứng, toàn xuyên tạc sự thật, thậm chí bịa đặt nhằm kích động người dân chống đối Đảng, chống đối Nhà nước Việt Nam. Có thể nói BBC là một người anh cả đi đầu, là một công cụ sắc bén của những thế lực phản động dùng trong cuộc chiến tranh không tiếng súng ở Việt Nam. Thứ đến là tổ chức theo dõi Nhân quyền (HRW), một tổ chức được thành lập với một cái tên nghe rất hay, rất cao cả nhưng với những ai chưa biết, xin được khẳng định đây là một tổ chức hoàn toàn không có chút uy tín đáng nói nào trên thế giới. Tổ chức này đã bị nhiều quốc gia chỉ trích là chịu quá nhiều ảnh hưởng từ chính phủ Hoa Kỳ, ít nghiên cứu thông tin trước khi viết báo cáo khiến nó không chính xác, sai sự thật và thiên vị. Thường xuyên can thiệp trực tiếp vào vấn đề nội bộ của nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam, điều này vi phạm nghiêm trọng đến nguyên tắc và công ước Quốc tế. Thậm chí, vào ngày 19 tháng 10 năm 2009, chủ tịch danh dự Human Rights Watch Robert Bernstein, người sáng lập tổ chức này và đã lãnh đạo nó trong suốt 20 năm, đã công khai  chỉ trích HRW, ông cho rằng tổ chức đã đi ngược với sứ mệnh ban đầu khi trong cuộc xung đột Ả Rập – Israel tổ chức này lên tiếng chỉ trích Israel- một xã hội mở với một chế độ dân chủ, nhiều hơn các chế độ độc tài trong khu vực. Bấy nhiêu đây đủ cho chúng ta nhận thấy rõ cái tầm “nhân quyền” hiện tại của tổ chức này.

Tựu chung lại, chúng ta có thể nhận thấy mục đích cuối cùng của “cái bắt tay” giữa BBC và tổ chức HRW trong bài viết này chẳng qua là để bảo vệ, để anh hùng hóa một tên tay sai đắc lực của mình trong công cuộc vu khống, bôi đen hình ảnh của Đảng và Nhà nước Việt Nam, hòng kích động, cổ súy những người dân nhẹ dạ chống lại chính quê hương của họ, từ đó hòng lật đổ chế độ ở nước ta. Vậy nên, hãy là một độc giả thông thái có hiểu biết, đọc nên có sự chọn lọc thông tin, chỉ nên tin vào bằng chứng, vào pháp luật, hãy hết sức cảnh giác với các trang phản động, đặc biệt là BBC vì chúng rất giỏi trong việc dùng lời văn để mê hoặc biến không thành có, có thành không, biến những tên phản động bán rẻ quê hương vì lợi ích cá nhân thành những “nhà dân chủ’, những “người anh hùng” rất “vĩ đại”.

PHÚC. LÊ

Nguồn: Đấu trường Dân chủ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây