“ Việt Nam đạt “huy chương đồng” với thứ hạng 178/190 quốc gia không có tự do báo chí” là nội dung trên trang mạng Việt Tân đăng tải ngày 03/5/2023 với mục địch xuyên tạc, phủ nhận những nỗ lực, thành quả của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận cho công dân.
Thời gian qua, các phần tử phản động, chống đối trong và ngoài nước đã lợi dụng không gian mạng để xuyên tạc về vấn đề tự do báo chí tại Việt Nam. Nhân danh “tự do báo chí” theo tiêu chuẩn phương Tây, chúng tung ra các bài viết, clip, ảnh và đủ thứ tư liệu ngụy tạo, bịa đặt để nhằm tuyên truyền chống lại Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam…Chúng đưa ra những luận điểm quy kết, vu khống Việt Nam không có tự do báo chí thông qua cái gọi là “Bảng xếp hạng chỉ số tự do báo chí thường niên”, xếp báo chí Việt Nam luôn ở vị trí áp chót bảng. Mỗi khi các loại “bảng xếp hạng”, “báo cáo”, “thống kê” này được công bố, trang mạng Việt Tân và các thế lực phản động mừng như “bắt được vàng” và ngay lập tức khai thác, sử dụng để phục vụ cho mưu đồ xấu xa, thâm độc của chúng.
Sau khi đất nước độc lập, quyền tự do báo chí được hiến định, coi trọng, bảo đảm. Năm 1946, Quốc hội thông qua bản Hiếp pháp đầu tiên, Điều 10 ghi rõ: “Công dân Việt Nam có quyền: Tự do ngôn luận; tự do xuất bản; tự do tổ chức và hội họp; tự do tín ngưỡng; tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài”. Những quyền cơ bản này đã được hiến định xuyên suốt trong các bản Hiến pháp của Việt Nam. Hiến pháp năm 2013 ghi rõ: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Luật Báo chí năm 2016 quy định về trách nhiệm của Nhà nước đối với quyền tự do báo chí: Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền tự do báo chí; Nhà nước thực hiện việc bảo hộ đối với hoạt động của nhà báo trong khuôn khổ pháp luật và báo chí không bị kiểm duyệt trước khi in, truyền dẫn và phát sóng. Các nghị định, thông tư và các văn bản dưới luật cũng được ban hành để thực thi quyền tự do báo chí của nhiều đối tượng trong từng hoàn cảnh một cách phù hợp. Xét về khía cạnh luật pháp, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và quyền tiếp cận thông tin đã được thể chế hóa một cách toàn diện, đầy đủ, dễ thực hiện, đi vào thực tế cuộc sống.
Vai trò của báo chí ngày càng được nâng cao, vừa là công cụ để Đảng và Nhà nước điều hành, quản lý xã hội, vừa là phương tiện để mọi người dân thỏa mãn những nhu cầu về giải trí, văn hóa, nâng cao tri thức, làm cho con người có đủ thông tin, cơ sở để thấu hiểu lẫn nhau, thực hiện đoàn kết dân tộc. Báo chí cũng trở thành vũ khí để Đảng và nhân dân lên án, chống lại, xóa bỏ những tệ nạn, tiêu cực trong xã hội, những hành vi vi phạm pháp luật, những cá nhân, tổ chức tham nhũng, thoái hóa, biến chất làm ảnh hưởng đến lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân. Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh vai trò và nhiệm vụ quan trọng của báo chí là: “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền đường lối, chủ trường của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chủ động định hướng thông tin tuyên truyền của Đảng và đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch”
Quan điểm cho rằng báo chí phương Tây rất tự do, không bị kiểm soát, giới hạn là sai lầm. Thực tế ở Mỹ, nền báo chí bị hạn chế bởi giới quân sự. Người dân Mỹ không được tiếp cận thông tin về tình trạng của người dân vô tội ở các nước Mỹ tấn công quân sự. Ở Pháp, trong bản “Tuyên ngôn về nhân quyền và dân quyền Pháp năm 1789” cũng xác nhận rằng bất kỳ công nhân nào cũng có quyền tự do nói hoặc viết theo ý mình, nhưng sẽ phải chịu trách nhiệm nếu lạm dụng quyền tự do đó theo quy định của pháp luật. Ở Anh, hầu hết các bài phát biểu hay bài đăng báo có nội dung công kích chủ quyền, chính phủ, Hiến pháp, kích động sự bất bình trong xã hội đều bị coi là vi phạm pháp luật.
Quan điểm nền báo chí phương Tây cho phép ai cũng có quyền mở kênh thông tin của mình là sai thực tế vì gần như chỉ có những người có tiền và quyền lực mới đủ điều kiện thực hiện hoạt động đó. Như vậy, trạng thái thông tin và những định hướng dư luận của báo chí phương Tây luôn phụ thuộc vào tầng lớp người giàu và người có quyền lực, trong khi những người này mở các kênh báo chí chủ yếu để thu lợi nhuận. Rõ ràng, báo chí phương Tây không ở trong tay người dân, không được chia đều cho tất cả cá nhân trong xã hội mà bị kìm kẹp bởi những cá nhân, tổ chức có tiềm lực về tài chính cũng như chính trị.
Những quan niệm về tự do báo chí tư sản cũng không phù hợp để sử dụng trong thời đại mà hầu hết tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội đều có sự thay đổi nhanh chóng, phức tạp, nhiều vấn đề, hiện tượng, tình huống trong cuộc sống diễn ra theo nhiều cách không thể kiểm soát, vượt khỏi tầm suy nghĩ, tính toán, ước lượng của bất kỳ chính quyền nào.
Dù có cố gắng đến đâu thì các thế lực thù địch cũng không thể đảo ngược được thực tế, không thể ngăn cản được con đường đi lên XHCN của dân tộc Việt Nam. Sự thật chỉ có một, đó là sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của nền báo chí Việt Nam nói riêng và của đất nước Việt Nam nói chung với vị thế, vai trò ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế.
Có thể khẳng định rằng, việc các cơ quan báo chí và đội ngũ nhà báo tham gia đấu tranh phản bác các quan điểm xuyên tạc, sai trái, thù địch về tự do báo chí ở Việt Nam vừa là trách nhiệm chính trị vừa là đạo đức, văn hóa nghề nghiệp nhằm góp phần cùng cả hệ thống chính trị bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, qua đó cho thấy sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của nền báo chí Việt Nam nói riêng và của đất nước Việt Nam nói chung với vị thế, vai trò ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế./.
HUY. VĂN
Nguồn: Đấu trường Dân chủ