Quyền tiếp cận thông tin là một trong những quyền cơ bản của con người, của công dân thuộc nhóm quyền dân sự – chính trị được ghi nhận trong Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền của Liên hợp quốc năm 1948 và Công ước quốc tế về các quyền dân sự năm 1966 mà Việt Nam là thành viên. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, trên mạng xã hội lại xuất hiện một số bài viết nhằm cố tình xuyên tạc, bịa đặt, chống đối Nhà nước Việt Nam xung quanh vấn đề cung cấp thông tin, quản lý thông tin, và việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin.
Vừa qua, trên trang của rfa bài viết của Nguyễn Văn Đài với tựa đề “Cuộc chiến thông tin của Việt Nam chống lại ai?” nội dung xuyên tạc, bịa đặt, bóp méo sự thật về bảo đảm quyền con người nói chung và quyền được thông tin, tiếp cận thông tin của người dân Việt Nam nói riêng.
Quyền tiếp cận thông tin thường được hiểu là quyền của cá nhân, công dân tiếp cận các thông tin do cơ quan nhà nước nắm giữ hoặc thông tin do cơ quan hành chính nắm giữ. Ở nước ta, quyền tiếp cận thông tin được ghi nhận cụ thể trong Hiến pháp 2013, cụ thể tại Điều 25 ghi nhận: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Đồng thời, tại Điều 3 Hiến pháp cũng khẳng định: “Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện”. Tiếp tục cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 và để bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân, ngày 06/4/2016, Quốc hội đã thông qua Luật tiếp cận thông tin, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2018. Đây là những cơ sở pháp lý vững chắc góp phần bảo đảm quyền được tiếp cận thông tin của người dân.
Thực tiễn cho thấy, quyền tiếp cận thông tin của người dân Việt Nam được thực hiện thông qua nhiều hoạt động khác nhau chẳng hạn trong giải quyết công việc của công dân, cơ chế “một cửa” tại các cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương đã tạo thuận lợi cho công dân, tổ chức, doanh nghiệp khi tham gia giao dịch với cơ quan nhà nước. Các thông tin về thủ tục hành chính, thời gian giải quyết, phí, lệ phí trong một số lĩnh vực được niêm yết công khai tại trụ sở làm việc của cơ quan hành chính. Nhiều cơ quan còn chủ động công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc trang thông tin điện tử.
Hay là tiếp cận thông tin thông qua báo chí. Ngoài việc thông tin cho công chúng, các cơ quan báo chí còn đóng vai trò là cầu nối để đưa yêu cầu cung cấp thông tin của công chúng tới các cơ quan nhà nước và chuyển tiếp câu trả lời của các cơ quan nhà nước tới công chúng, thông qua các chuyên mục như “Trả lời bạn đọc”, “Văn bản pháp luật”, “Đường dây nóng”, “Trả lời thư bạn đọc”, “Trả lời bạn xem truyền hình”, “Trả lời bạn nghe đài”, “Y kiến bạn đọc”…
Mặt khác, công chúng còn có thể đưa ra yêu cầu tiếp cận với thông tin của các cơ quan nhà nước qua một số kênh khác, ví dụ như thông qua các đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, hoặc thông qua các cuộc họp dân (họp đại diện gia đình trong thôn, tổ dân phố, họp cử tri…) hay thông qua hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo. Pháp luật Việt Nam cũng nghiêm cấm những hành vi cản trở, đe dọa đến quyền được thông tin, quyền tự do tiếp cận thông tin; lợi dụng quyền tự do ngôn luận, tự do thông tin để xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp và chính đáng của tổ chức, cá nhân….
Chính những thực tiễn trên chính là minh chứng để bác bỏ luận điệu xuyên tạc, bóp méo về quyền được tiếp cận thông tin của các thế lực thù địch. Mỗi người dân cần nâng cao cảnh giác, đấu tranh, bác bỏ những luận điệu sai tái, góp phần xây dựng đất nước ngày càng vững mạnh hơn.
HÀ. THANH
Nguồn: Đấu trường Dân chủ