Báo cáo Nhân quyền năm 2022 được Mỹ công bố vào ngày 20/3/2023 có nội dung lên án một số quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam đã vi phạm nhân quyền nghiêm trọng. Lợi dụng vấn đề này các thế lực thù địch ra sức chống phá và xuyên tạc về các quyền tự do cơ bản của con người ở Việt Nam.
VOA đưa tin: Ngày 23/3/2023 giới hoạt động cho nhân quyền Việt Nam đồng tình với báo cáo của phía Mỹ, cho rằng chính quyền Việt Nam “vi phạm nhân quyền ngày càng nghiêm trọng”.
Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao ngày 23/3, trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan việc Báo cáo Nhân quyền năm 2022 được Mỹ công bố vào ngày 20/3/2023 có nội dung lên án một số quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam đã vi phạm nhân quyền nghiêm trọng. Trước vấn đề trên, dẫn lời Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng nói tại cuộc họp báo ngày 23/3: “Việt Nam lấy làm tiếc vì báo cáo nhân quyền thường niên năm 2022 của Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra một số nhận định thiếu khách quan dựa trên thông tin không chính xác về tình hình thực tế tại Việt Nam”. Theo đó, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng khẳng định, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người là chính sách nhất quán của Việt Nam, đồng thời cũng khẳng định Việt Nam luôn sẵn sàng trao đổi thẳng thắn, cởi mở, trên tinh thần xây dựng với Mỹ về những vấn đề còn có sự khác biệt để tăng cường hiểu biết. Việt Nam luôn xem con người là trung tâm, là động lực của quá trình đổi mới và công cuộc phát triển đất nước, luôn nỗ lực vì mục tiêu nâng cao đời sống, quyền thụ hưởng của người dân, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Lợi dụng vấn đề trên các thế lực thù địch, nhất là VOA đã đưa tin: Ngày 20/3/2023 giới hoạt động cho nhân quyền Việt Nam đồng tình với báo cáo của phía Mỹ”. Ngoài việc thường xuyên “đâm bị thóc, chọc bị gạo” vấn đề nhân quyền của các quốc gia mà họ thù địch, thì vài tổ chức nhân danh quốc tế về nhân quyền này đã làm được gì để quyền con người trên thế giới tốt đẹp hơn? Thật lố bịch khi họ lại tự cho mình có quyền phán xét, mặc cả, ra điều kiện về nhân quyền đối với các quốc gia có chủ quyền như Việt Nam.
Vì họ không được mắt thấy, tai nghe, tiếp nhận thông tin sai lệch và tiếp tục chụp mũ nên họ mới đưa ra kiến nghị rằng “Việt Nam là một quốc gia vi phạm nhân quyền”. Trong khi đó, báo cáo của họ lại phớt lờ, không đề cập đến những thành tựu với sự nỗ lực không mệt mỏi mà Việt Nam đã đạt được khi phấn đấu cho quyền con người. Những thành tựu ấy không chỉ được “tai nghe, mắt thấy” ở Việt Nam, mà còn được chính các tổ chức lớn của Liên hợp quốc báo cáo, đánh giá định kỳ, như Chương trình Phát triển của LHQ (UNDP); Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hay chính Hội đồng Nhân quyền (HRC)… Không những vậy quyền tự do cơ bản của con người được ghi nhận trong Hiến pháp Việt Nam, được bảo vệ và thúc đẩy bởi các văn bản pháp luật cụ thể và được triển khai trong thực tiễn.
Điều này được minh chứng rõ: Ngày 11/10/2022, Việt Nam đã trúng cử trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025, tại phiên họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 77 tại New York (Mỹ). Đây là lần thứ hai Việt Nam trúng cử vào Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc, lần đầu nhiệm kỳ 2014-2016 và lần thứ hai nhiệm kỳ 2023-2025. Lá phiếu của mỗi quốc gia bầu chọn Việt Nam trúng cử thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc là một trong những minh chứng rõ ràng nhất và là sự khẳng định: Các quốc gia trên thế giới công nhận, tin tưởng vào các nỗ lực của Chính phủ Việt Nam đã bảo đảm thực hiện quyền con người cho người dân Việt Nam trên các lĩnh vực của đời sống xã hội một cách trách nhiệm, tích cực, thành tâm vô điều kiện, coi đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực của Nhà nước, Chính phủ Việt Nam đối với việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Mỗi lá phiếu của các quốc gia đã nói lên Chính phủ Việt Nam đã cam kết thực hiện đúng, có hiệu quả các Công ước quốc tế có liên quan quyền con người mà Việt Nam đã tham gia ký kết hoặc phê chuẩn, các cố gắng này đã và đang được luật hóa thành pháp luật trong nước, trở thành công cụ quản lý Nhà nước. Các quốc gia trên thế giới nói chung, các nước trong khu vực ASEAN nói riêng đã bày tỏ sự tin tưởng vào Việt Nam với tư cách là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, sau khi được bầu vào Hội đồng Nhân quyền, Việt Nam sẽ tiếp tục là một thành viên quan trọng của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, Việt Nam sẽ hợp tác trong việc thúc đẩy quyền con người.
Các thế lực thù địch, phản động đang tìm mọi cách xuyên tạc chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam qua vỏ bọc “dân chủ, nhân quyền”, bịa đặt về tình hình nhân quyền ở Việt Nam là chiêu bài cố hữu. Thế nên, khi những thành tựu về bảo vệ quyền con người ở Việt Nam được cộng đồng quốc tế ghi nhận thì các đối tượng này càng tỏ ra bất mãn và chống phá mạnh hơn. Do đó, những thành tựu về bảo đảm, bảo vệ quyền con người ở Việt Nam vẫn hiện hữu trong mọi mặt đời sống; kiên định cùng thế giới thúc đẩy và bảo vệ quyền con người vẫn luôn là lựa chọn và hướng đi đúng đắn của Việt Nam.
– Vũ Hiếu –
Nguồn: Đấu trường Dân chủ