Trang chủ Luận bàn - Phản biện Nhận diện âm mưu, thủ đoạn mới – đấu tranh chống “Diễn...

Nhận diện âm mưu, thủ đoạn mới – đấu tranh chống “Diễn biến hòa bình” trên các trang mạng xã hội

115
0

Những năm gần đây, sự phát triển của công nghệ thông tin và các ứng dụng trên không gian mạng đã làm thay đổi bộ mặt của xã hội. Lợi dụng sự phát triển nhanh chóng này mà các thế lực thù địch đã tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phát tán nhiều thông tin sai trái, xấu, độc trên mạng xã hội nhằm chống phá sự nghiệp cách mạng nước ta. “Diễn biến hòa bình” qua mạng xã hội đã và đang là phương thức, thủ đoạn chủ yếu của các thế lực thù địch, phản động quốc tế trong giai đoạn bùng nổ thông tin ngày nay. Chúng triệt để lợi dụng không gian mạng, coi không gian mạng ta là nơi thuận lợi nhất, nhanh nhất, rộng rãi nhất để thực hiện âm mưu, thủ đoạn của chiến lược “diễn biến hòa bình” đẩy mạnh các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước, Quân đội ta.

Nhận diện âm mưu, thủ đoạn mới – đấu tranh chống “Diễn biến hòa bình” trên các trang mạng xã hội

Không gian mạng mang đến không ít thách thức đối với việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Hiện nay, mạng xã hội bùng nổ với số lượng người tham gia ngày càng lớn. Đặc biệt là các trang mạng như: Facebook, Zalo, Youtube. Vì vậy, các thế lực thù địch triệt để lợi dụng các công cụ này để đẩy mạnh các hoạt động chống phá từ bên ngoài, tạo dựng lực lượng chống đối từ bên trong. Không gian mạng đã và đang trở thành công cụ hàng đầu để các thế lực thù địch lợi dụng chống phá, chuyển hóa chính trị, khủng bố. Đây thực sự là một mặt trận quan trọng và không thể buông lỏng. Đấu tranh tư tưởng trên không gian mạng hiện nay là vấn đề khách quan, nhiệm vụ trọng yếu, đòi hỏi mọi người, lực lượng thực thi nhiệm vụ này trên không gian mạng phải luôn nhận thức đầy đủ những thách thức và yêu cầu của nhiệm vụ, xây dựng bản lĩnh, trách nhiệm và quyết tâm cao, góp phần giữ vững nền tảng tư tưởng lý luận của Đảng trước tình hình mới.

Một trong những thủ đoạn xảo quyệt mà chúng thường áp dụng là lợi dụng các trang mạng xã hội và các blog cá nhân để tung tin xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, vu cáo, bịa đặt, bôi nhọ hình ảnh các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Điều đáng lưu tâm là trong khi bọn phản động, các thế lực thù địch điên cuồng sử dụng không gian mạng để chống phá thì không ít người dùng Internet lại khá dễ dãi, không kiểm chứng khi chia sẻ các thông tin xấu, độc khiến những thông tin đó được lan truyền trên diện rộng, gây thiệt hại đến danh dự, uy tín, nhân phẩm của các tổ chức, cá nhân, thậm chí còn gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.

Các website giờ đây không chỉ là những trang văn bản đơn giản mà có thể chuyển tải thông tin một cách đa dạng kết hợp văn bản, âm thanh, hình ảnh cho đến video… Thực tế, các đối tượng phản động đã thành lập rất nhiều các trang web có nội dung chống phá nhà nước ta như: www.Tuoitreyeunuoc.com, www.ykien.net, www.thongluan.org, www.talawas.org, www.viettan.org,… Với hình thức trình bày sinh động, hấp dẫn, các website đã  thu hút được một lượng lớn người sử dụng internet truy cập hàng ngày. Việc đưa những thông tin, tài liệu lên mạng internet thông qua dich vụ Web rất đơn giản và nhanh chóng, có thể thực hiện ở bất cứ nơi nào có kết nối internet. Lợi dụng tâm lý tò mò hiếu kỳ của tầng lớp nhân dân, các thế lực thù địch lập những trang thông tin, diễn đàn bàn luận những vấn đề trong xã hội như vấn đề biển đảo, dự thảo pháp luật,… để thu hút người tham gia. Chúng sử dụng hàng loạt tài khoản đã được xây dựng trước, lấy 2-3 tài khoản làm trung tâm thường xuyên đăng tải bài viết, thông tin xuyên tạc về một chủ đề, lĩnh vực nhất định và hàng trăm tài khoản vệ tinh thực hiện nhiệm vụ chia sẻ trên các nhóm, diễn đàn phản động hoặc các nhóm có số lượng thành viên lớn của Việt Tân.

Chúng còn sử dụng các website, dịch vụ thư điện tử (e-mail) và các trang mạng xã hội Zalo, diễn đàn Twitter, Youtube,… để đưa thông tin xuyên tạc, chống phá. Cách thức tiến hành của chúng thường là tổng hợp tin tức từ các báo chính thống để tạo ra sự khách quan, sau đó cài dần các thông tin xấu, độc, theo tỷ lệ tăng dần cả về số lượng và mức độ bịa đặt, bóp méo sự thật, luận điệu sai trái. Người dùng truy cập thông qua đường dẫn (link) của bạn bè trên mạng xã hội dễ dàng “mắc mưu”, bị dẫn dắt và bị động trong việc tiếp nhận thông tin đó. Thực tế cho thấy, đã có những người do nhẹ dạ, cả tin, thiếu bản lĩnh chính trị nên đã tin theo những luận điệu của các thế lực thù địch, từ đó bị chúng dụ dỗ, mua chuộc, lôi kéo và khống chế để làm việc phục vụ cho mưu đồ của chúng. Khi đã thu hút đông đảo thành viên tham gia, diễn đàn đưa ra những luận điệu xuyên tạc đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước; đồng thời, tổ chức  thăm dò ý kiến của nhân dân từ đó tuyên truyền, lối kéo với các thành viên có sự dao động lệch lạc về tư tưởng, chính trị.

Chúng còn thông qua internet thành lập các hội nhóm “xã hội dân sự” để tác động, lôi kéo. Điển hình là việc, các tổ chức phản động, đặc biệt, các cá nhân, tổ chức phản động lưu vong người Việt thông qua các trang web để thành lập các nhóm xã hội dân sự đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền phá hoại tư tưởng, xuyên tạc các điều khoản cơ bản được nêu ra trong Hiến Pháp. Chúng còn lập những tài khoản giả mạo trên mạng xã hội, các website giả mạo các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương, những người có uy tín, nhân vật nổi tiếng trong xã hội…; qua đó tung tin bịa đặt, gieo rắc sự hoài nghi trong xã hội, nhất là trước những vấn đề nhạy cảm. Như mới đây trên nhóm “Bộ đội cụ Hồ” tài khoản “Cương Eric” trong nhóm “Bộ Đội Cụ Hồ” đang bôi nhọ trong dư luận về công tác tuyển sinh quân sự năm 2022 hay trên nhiều địa chỉ nhóm web, link đã và đang định hướng xấu về công tác quản lý quân sự.

Cũng theo báo Thanh niên, ngày 16/5/2013 có bài viết của tác giả Đình Phú với tiêu đề “Bắt Đinh Nguyên Kha và Nguyễn Phương Uyên vì hành vi chống phá Nhà nước” . Trong bài viết này tác giả đã phân tích rất rõ: Công an TPHCM đã phối hợp với Công an tỉnh Long An điều tra và xác định 2 đối tượng thực hiện là Đinh Nguyên Kha và Nguyễn Phương Uyên. Quá trình điều tra cho thấy, hai đối tượng này được sự chỉ đạo của Nguyễn Thiện Thành (đối tượng vi phạm pháp luật Việt Nam chạy trốn ra nước ngoài). Truyền đơn có nội dung xuyên tạc, bịa đặt chính sách tôn giáo, chính sách đất đai của Đảng và Nhà nước ta cũng như quan điểm lệch lạc về Trường Sa – Hoàng Sa và biên giới trên đất liền giữa Việt Nam với Trung Quốc; quy kết Đảng Cộng sản Việt Nam tha hóa, phản động,… không lo cho dân và kêu gọi, kích động nhân dân biểu tình chống lại Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước CHXHCN Việt Nam. Các đối tượng này có các biểu hiện chống đối, đi ngược lại ý chí, nguyện vọng của dân tộc như: Nguyễn Phương Uyên, Đinh Nguyên Kha…..đã tiến hành một số hoạt động tuyên truyền chống nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Nguyễn Phương Uyên là sinh viên trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TP. Hồ Chí Minh, là một đoàn viên tiêu biểu, khoảng tháng 4 – 5 năm 2012, Nguyễn Phương Uyên làm quen với Nguyễn Thiện Thành qua trang mạng facebook, từ đây cô đã tham gia vào tổ chức “Tuổi trẻ yêu nước” – nhưng thực chất đây là một tổ chức phản động thành lập ở nước ngoài với âm mưu lập đổ chính quyền. Ngày 10/10/2012 Kha và Uyên tiến hành rải truyền đơn trên cầu vượt An Sương (xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, TP.HCM) sau đó bị CQAN phát hiện, xử lý về mặt hình sự về tội tuyên truyền chống nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam theo điều 88, Bộ Luật hình sự 1999, sửa đổi bổ sung ngày 19/06/2009.

Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã vạch rõ nguy cơ lợi dụng và sử dụng các phương tiện thông tin, truyền thông, mạng xã hội để nói xấu, bôi nhọ, hạ thấp uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng, gây chia rẽ nội bộ, nghi ngờ trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Hiện tượng các thế lực thù địch, phản động, bất mãn chính trị gia tăng hoạt động tuyên truyền nhằm phá hoại tư tưởng, chia rẽ nội bộ, xuyên tạc, bịa đặt, hạ uy tín lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang; lợi dụng các vấn đề nhạy cảm chính trị xã hội, vụ việc phức tạp thu hút sự quan tâm của quần chúng để kích động biểu tình, gây bất ổn về an ninh, trật tự trong thời gian qua là những hành vi, vi phạm pháp luật và cần được xử lý nghiêm khắc.

Thiết nghĩ, mỗi công dân nói chung, quân nhân nói riêng khi tham gia sử dụng mạng Internet cần thận trọng xem xét, kiểm tra những thông tin mà bản thân chưa xác định được tính chính xác hay thông tin đó có những dụng ý xấu xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đặc biệt, mỗi cá nhân cũng phải cẩn trọng đối với phát ngôn và hành vi của mình khi tham gia mạng xã hội, đồng thời có ý thức đấu tranh với những luận điệu sai trái, tiêu cực… Chúng ta phải luôn tỉnh táo, nhận diện đúng, bình tĩnh xem xét, phân tích, để vạch trần bản chất và có biện pháp phòng, chống hiệu quả. Tuyệt đối không được mơ hồ, mất cảnh giác, dẫn tới bị động, lúng túng trong cuộc chiến “không khói súng” nhưng đầy cam go, quyết liệt này.

– Thanh Thanh –

Nguồn: Đấu trường Dân chủ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây