Ngày 9/3/2023, Bộ Thông tin và Truyền Thông, Ban Tôn giáo Chính phủ đã tổ chức ra mắt Sách trắng “Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam”. Cuốn sách giúp độc giả trong và ngoài nước hiểu rõ và đầy đủ về chính sách tôn giáo, đời sống tôn giáo ở Việt Nam. Tuy nhiên, với mưu đồ xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam, cố tình phủ nhận những thành tựu to lớn và sự quan tâm của Đảng, Nhà nước Việt Nam, trên trang Việt Tân facebook đã đăng tải bài viết “THẤY GÌ QUA VIỆC VIỆT NAM CÔNG BỐ SÁCH TRẮNG TÔN GIÁO”. Đây hoàn toàn là những tiếng nói lạc điệu của Việt Tân về tôn giáo và chính sách tông giáo ở Việt Nam.
Cuốn sách dày 132 trang trình bày toàn diện các nội dung: Giới thiệu thông tin cơ bản về tôn giáo ở Việt Nam; quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về tín ngưỡng, tôn giáo trong thời kỳ đổi mới; quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo quy định trong Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam; những quy định về hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trong văn bản quy phạm pháp luật hiện hành; thành tựu, thách thức và ưu tiên của Việt Nam trong việc đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Phần phụ lục giới thiệu một số hình ảnh về tôn giáo, đời sống tôn giáo ở Việt Nam; số liệu về tôn giáo; danh mục tổ chức tôn giáo, tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo; Điều 24, Hiến pháp 2013 của nước CHXHCN Việt Nam.
Như chúng ta đã biết, tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Nhân dân là chủ trương, chính sách nhất quán, xuyên suốt của Đảng, Nhà nước Việt Nam và được thể chế hóa bằng hệ thống pháp luật, vì đây là một trong những quyền cơ bản của mọi người, được Hiến pháp năm 1946 đến Hiến pháp năm 2013 khẳng định trên nguyên tắc hiến định.
Ngay sau khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, dù còn bộn bề công việc, tại phiên họp của Chính phủ ngày 03/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quan tâm đến nhu cầu tự do tín ngưỡng, tôn giáo của một bộ phận đồng bào theo đạo. Người nói “Tôi đề nghị Chính phủ tuyên bố tín ngưỡng tự do và lương – giáo đoàn kết”. Ngày 14/6/1955, Người đã ký sắc lệnh 234/SL xác định “Việc tự do tín ngưỡng, tự do thờ cúng là quyền lợi của Nhân dân. Chính phủ luôn tôn trọng và giúp đỡ Nhân dân thực hiện. Chính quyền không can thiệp vào nội bộ các tôn giáo. Các tôn giáo phải tuân theo pháp luật của nhà nước như mọi tổ chức khác của Nhân dân. Việc bảo vệ tự do tín ngưỡng bắt buộc phải trừng trị những kẻ đội lốt tôn giáo gây rối loạn”… Kế thừa quan điểm, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tôn giáo, trong mỗi giai đoạn lãnh đạo cách mạng Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tạo cơ sở pháp lý để các tôn giáo hoạt động ổn định, tăng cường củng cố mối quan hệ giữa nhà nước và giáo hội. Ngày 12/3/2003 Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyêt số 25-NQ/TW Về công tác tôn giáo trong tình hình mới. Cho đến nay, Nhà nước ta đã ban trên 30 văn bản pháp luật liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo, thể hiện sự quan tâm đến nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo chính đáng của Nhân dân. Nhờ có chủ trương, chính sách, pháp luật về tôn giáo mà số lượng chức sắc, tín đồ, cơ sở thờ tự ngày càng tăng, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Nhân dân được đảm bảo tốt hơn. Có thể nói, chưa bao giờ các tôn giáo có điều kiện hoạt động thuận lợi như hiện nay, quan hệ quốc tế ngày càng mở rộng, chức sắc, chức việc, tín đồ ngày càng đông, cơ sở thờ tự ngày càng khang trang, việc sinh hoạt tôn giáo của người nước ngoài tại Việt Nam được công khai theo quy định của pháp luật. Các hoạt động tôn giáo lớn trở thành lễ hội của người dân như: Giáo hội Phật giáo Việt Nam 3 lần đăng cai Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc VESAK, với trên 1000 đại biểu quốc tế đến từ 120 quốc gia, vùng lãnh thổ hàng vạn quần chúng nhân dân tham dự; Lễ hội của Công giáo, Tin lành như: Đại hội đồng Giám mục Á châu; Lễ 100 năm Tin Lành đến Việt Nam; với Liên minh châu Âu (EU) phối hợp tổ chức hội thảo: Tôn giáo Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế, những kinh nghiệm quốc tế được chia sẻ” Đối thoại “Liên tín ngưỡng ASEM lần thứ VI”… đón và làm việc với nhiều tổ chức, chức sắc tôn giáo đến trao đổi, tìm hiểu pháp luật tôn giáo của Việt Nam như: Viện Can dự Toàn cầu Mỹ (IGE); tập đoàn truyền thông (WAZ) của Đức vào tìm hiểu chính sách tôn giáo của Việt Nam, kể cả các tổ chức nhân quyền tôn giáo quốc tế… Việt Nam đã chủ động cung cấp thông tin về tình hình tôn giáo và chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng, Nhà nước, trao đổi tận cùng các vấn đề mà dự luận quốc tế quan tâm, để thấy rõ về thực tiễn về đời sống tôn giáo ở Việt Nam đa dạng, phong phú. Chính sách, pháp luật đã đảm bảo quyền tự do tôn giáo chính đáng của Nhân dân.
Những kết quả nêu trên trong thực hiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam đã đáp ứng tâm tư, tình cảm và nguyện vọng chính đáng của chức sắc, chức việc tôn giáo và đồng bào có đạo. Để tiếp tục phát huy nguồn lực của tôn giáo, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục khẳng định “phát huy những giá trị, văn hóa, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước”, phát huy thế mạnh của các tôn giáo tham gia vào các lĩnh vực y tế, văn hóa, giáo dục, dạy nghề và công tác an sinh xã hội; nhờ có chủ trương, chính sách, pháp luật mà các tôn giáo hưởng ứng rất sớm các phong trào thi đua yêu nước thực hiện tốt “việc đạo, việc đời”.
Sách trắng “Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam” được công bố toàn thế giới, giúp bạn đọc trong và ngoài nước, các nhà nghiên cứu, những ai quan tâm hiểu rõ và đầy đủ hơn về chính sách của Đảng, Nhà nước, đời sống tôn giáo ở Việt Nam rất rõ ràng, minh bạch. Những lời lẽ như trong bài viết trên trang “Việt Tân facebook” hoàn toàn đi ngược với những gì thực tiễn đang diễn ra tại Việt Nam, chỉ ra những tiếng nói lạc điệu về tôn giáo và chính sách dân tộc tôn giáo ở Việt Nam hiện nay.
TÂY PHONG
Nguồn: Đấu trường Dân chủ