Trên trang facebook của Việt Tân vừa qua có đăng tải bài viết mượn sự kiện ngày 09/3/2023, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến tham gia của trẻ em vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại Trường THCS Lương Yên (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) với nội dung bôi nhọ tính đúng đắn của pháp luật Việt Nam, từ đó làm giảm sút niềm tin của quần chúng nhân dân với Đảng và Nhà nước ta. Đây là thủ đoạn vô cùng nguy hiểm nằm trong chiến lược “diễn biến hòa bình” của chúng. Vậy, thực hư vấn đề này như thế nào?
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 16 chương, 236 điều được đưa ra lấy ý kiến nhân dân từ ngày 03/01/2023 kéo dài cho đến ngày 15/3/2023. Đối tượng lấy ý kiến về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bao gồm: Các tầng lớp Nhân dân ở trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài; các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức chính trị – xã hội thành viên của Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và các tổ chức kinh tế khác; các viện nghiên cứu, trường đại học và chuyên gia, nhà khoa học.
Theo khoản 1 Điều 97 Luật Đất đai 2013, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (gọi tắt là Sổ đỏ) được cấp cho người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất. Theo đó, người quyền sử dụng đất được quy định tại điều 5 Luật Đất đai 2013 gồm: Hộ gia đình, cá nhân; doanh nghiệp, cơ quan Nhà nước…Tuy nhiên, khi nhắc đến độ tuổi thì người sử dụng đất sẽ là cá nhân trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Ngoài ra, tại điểm a khoản 1 Thông tư 23/2014/TT-BTNMT khi ghi thông tin về người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được cấp Sổ đỏ theo quy định sau: Với cá nhân trong nước thì ghi: “Ông” (hoặc “Bà”), sau đó ghi họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân (nếu có), địa chỉ thường trú. Giấy tờ nhân thân là Giấy chứng minh nhân dân thì ghi “CMND số:…”; trường hợp Giấy chứng minh quân đội nhân dân thì ghi “CMQĐ số:…”; trường hợp chưa có Giấy chứng minh nhân dân thì ghi “Giấy khai sinh số….”. Như vậy, pháp luật đất đai không phân biệt hay quy định độ tuổi đứng tên Sổ đỏ mà quy định người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất thì được cấp Sổ đỏ. Điều này đồng nghĩa trẻ em cũng được cấp Sổ đỏ và cũng thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật Đất đai. Vì vậy, việc Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến tham gia của trẻ em vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là hoàn toàn phù hợp. Điều này cho thấy những gì Việt Tân cố tình rêu rao lại thể hiện rõ tầm hiểu biết hạn hẹp của chúng.
Theo Báo Kinh tế và đô thị số ra ngày 09/3/2023 đưa tin, “trong buổi Hội nghị, các học sinh cũng mạnh dạn trao đổi, bày tỏ về các quan điểm, ý kiến của mình liên quan Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); đồng thời chia sẻ, các em cảm thấy vui, phấn khởi khi được bổ sung kiến thức và hiểu biết thêm các quy định về đất đai, nhất là các quy định liên quan tới trẻ em. Theo bà Đinh Thị Phương Anh – Hiệu trưởng trường THCS Lương Yên, hội nghị lấy ý kiến tham gia của trẻ em vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) rất hữu ích cho cả học sinh và giáo viên nhà trường. Các giáo viên, học sinh được hiểu biết thêm về pháp luật đất đai…” Điều này thể hiện rõ sự tự tin và ý thức trách nhiệm của tuổi trẻ Việt Nam khi tham gia thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình. Ý kiến của các em cũng có giá trị như ý kiến của bất cứ thành phần nào tham gia đóng góp cho Dự thảo Luật Đất đai. Điều này được thể hiện rõ trong ý kiến của Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam Hà Đình Bốn trong buổi hội nghị đó là “Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có nội dung liên quan đến nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội đó là trẻ em. Nhằm tạo điều kiện hơn nữa cho trẻ em đóng góp ý kiến của mình vào việc xây dựng các quy định về đất đai, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam tổ chức lấy ý kiến trẻ em về một số nội dung liên quan. Những ý kiến của các em sẽ được tổng hợp và gửi Ban soạn thảo Luật Đất đai…”. Điều này thể hiện rõ tính bình đẳng của pháp luật nước ta.
Suy cho cùng, mục đích của Việt Tân khi đăng tải bài viết này không có gì khác ngoài mưu đồ thấp hèn là tìm cách hạ thấp uy tín của Đảng và Nhà nước ta, gây mất lòng tin của quần chúng nhân dân vào đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và luật pháp của Nhà nước. Đây là thủ đoạn vô cùng thâm hiểm nằm trong chiến lược “diễn biến hòa bình” mà Việt Tân nói riêng và các thế lực thù địch, phản động nói chung đang áp dụng. Mỗi chúng ta hãy luôn đề cao cảnh giác trước âm mưu, thủ đoạn của chúng.
ĐỒNG. NGỌC
Nguồn: Đấu trường Dân chủ