Đẩy mạnh hoạt động “diễn biến hoà bình” và tuyên truyền phá hoại cách mạng Việt Nam, các thế lực thù địch tập trung tung ra nhiều luận điệu đòi thực hiện đa đảng đối lập. Chúng phê phán Đảng Cộng sản Việt Nam không chịu đổi mới về chính trị, không chịu thực hiện đa nguyên chính trị, giữ độc quyền lãnh đạo và ở Việt Nam “không có đa nguyên, đa đảng thì không bao giờ có dân chủ”. Các thế lực thù địch đòi chúng ta phải sửa đổi Hiến pháp, xoá bỏ Điều 4, hiến định về Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo toàn xã hội.
Ngày 15/02/2023, trên trang VOA có đăng bài: “Liệu Việt Nam có thể có bầu cử tự do”, theo Vũ Đức Khanh viết cho VOA Tiếng Việt từ Ottawa, Canada. Trong bài viết của mình, Y đã lợi dụng việc bầu cử tự do và trình bày các vấn đề của đất nước về kinh tế, xã hội, con người để đánh lừa độc giả, nhằm kích động, nói xấu, hạ thấp vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam và truyền bá tư tưởng “đa nguyên chính trị”, “đa đảng đối lập”.
Không chỉ dừng lại với những luận điệu trên, chúng còn thống kê, tổng hợp lại toàn bộ những sai lầm, thiếu sót cả về đường lối và chỉ đạo thực tiễn của Đảng trong quá khứ, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế, quản lý xã hội để minh chứng cho sự cần thiết “chấm dứt vai trò lịch sử của Đảng”. Chúng ra sức khai thác, lợi dụng những thiếu sót, khuyết điểm của một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái biến chất, tham ô, tham nhũng, kích động nhằm tạo sự phân hóa sâu sắc trong Đảng, làm suy yếu sức mạnh khối đoàn kết, thống nhất trong Đảng và giữa Đảng với nhân dân. Chúng hô hào, khuyến khích cải tổ, cải cách, đổi mới triệt để, thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập. Điều này được minh chứng rất rõ khi VOA đưa ra lộ trình bầu cử tự do cho Việt Nam với 7 điểm, đặc biệt ở điểm 2 và điểm 3: “Vận động dư luận trong nước và quốc tế ủng hộ một thể chế tự do, dân chủ, đa nguyên đa đảng cho Việt Nam”, “Vận động, thuyết phục cán bộ, chiến sỹ, đảng viên, đoàn viên (cả cũ và mới) của ĐCSVN, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, và cả những người đứng đầu ĐCSVN chấp nhận sinh hoạt chính trị dân chủ, đa nguyên, đa đảng”. Đằng sau tất cả những luận điệu tuyên truyền, chống phá ấy đều không ngoài mục đích hàng đầu và quan trọng nhất là làm suy yếu, đi đến phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, loại bỏ Đảng Cộng sản Việt Nam ra khỏi tiến trình phát triển của dân tộc. Đó là mưu đồ hết sức thâm độc, nham hiểm và trắng trợn của các thế lực thù địch.
Dựa trên cơ sở khoa học cả về lý luận và thực tiễn, cho phép chúng ta khẳng định dứt khoát rằng: Ở Việt Nam hiện nay không cần và không chấp nhận chế độ đa đảng.
Trước hết, dưới góc độ lý luận: Trong lịch sử, chế độ đa nguyên, đa đảng đã sớm xuất hiện vào đầu thế kỷ XVIII. Đây là thời điểm giai cấp tư sản đóng vai trò là lực lượng tiến bộ, tích cực đi tiên phong trong đấu tranh chống phong kiến, bảo vệ quyền bình đẳng của các nhóm xã hội có lợi ích khác nhau, phát triển quyền tự do, dân chủ tư sản. Cơ sở lý luận cho việc thực hiện đa nguyên, đa đảng chính là chủ nghĩa đa nguyên – một trường phái triết học xã hội tư sản do nhà triết học Đức Chiristian Woiff (1679-1754) đề xuất vào đầu thế kỷ XVIII. Chủ nghĩa đa nguyên phủ định tính thống nhất của thế giới, cường điệu cái riêng; phủ nhận sự phân chia xã hội thành giai cấp, phủ nhận đấu tranh giai cấp; chủ trương xây dựng một cơ chế quản lý xã hội theo nguyên tắc đa lực lượng, đa đảng phái và các tổ chức đảng phái này quan hệ với nhau theo nguyên tắc hiệp thương. Vì vậy, đây là một học thuyết phi mácxít. Nếu áp dụng quan điểm này vào chủ nghĩa xã hội sẽ dẫn tới hạ thấp vai trò của Đảng Cộng sản – đội tiên phong của giai cấp công nhân thành một tổ chức tầm thường và nguy cơ phủ định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Như thế, chủ nghĩa đa nguyên là sản phẩm của giai cấp tư sản với thế giới quan phi khoa học, trái với chủ nghĩa Mác – Lênin. Trong khi đó, Đảng Cộng sản Việt Nam đã, đang và sẽ vẫn mãi xác định lấy chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hoạt động của Đảng. Chính điều đó đã, đang và sẽ mãi bảo đảm cho Đảng Cộng sản Việt Nam – Đảng chính trị duy nhất tồn tại, vững mạnh, hoàn thành sứ mệnh lịch sử vẻ vang của mình. Do vậy, ở Việt Nam không cần sự tồn tại của chủ nghĩa đa nguyên – một thứ cơ sở lý luận cho việc thực hiện chế độ đa đảng.
Trên phương diện thực tiễn: Thực tiễn lịch sử cách mạng Việt Nam đã cho thấy, sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với đất nước là sự lựa chọn tất yếu của lịch sử; là ý nguyện của nhân dân Việt Nam. Điều này được lịch sử minh chứng rõ ràng. Vượt lên trên tất cả những hạn chế về đường hướng, phương pháp của những phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, phong trào cách mạng vô sản ở Việt Nam đã hướng theo chủ nghĩa Mác – Lênin, do Nguyễn Ái Quốc truyền bá và phát triển mạnh mẽ. Đáp ứng đòi hỏi đó, trải qua quá trình được chuẩn bị chín muồi về chính trị, tư tưởng và tổ chức, ngày 3-2-1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và đã khẳng định lấy “chủ nghĩa Lênin làm cốt”. Đây là một tất yếu lịch sử và cũng từ đây, chấm dứt thời kỳ cách mạng Việt Nam khủng hoảng về đường lối, mở ra một thời đại mới cho lịch sử dân tộc. Hiện nay, Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo nhân dân cả nước thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, đưa nước ta từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, bị tàn phá nặng nề bởi chiến tranh, vượt qua khủng hoảng gay gắt về kinh tế – xã hội, trở thành một quốc gia đang phát triển hết sức năng động. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện; dân chủ xã hội chủ nghĩa được mở rộng; quốc phòng, an ninh được giữ vững; văn hoá, xã hội có nhiều bước phát triển; vị thế, uy tín của Việt Nam không ngừng được nâng cao trong khu vực và trên trường quốc tế. Như vậy, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, đạt được những tiêu chí cao nhất trong hoạt động chính trị của một đảng cầm quyền, đó là: chính trị ổn định, kinh tế tăng trưởng, văn hoá, xã hội phát triển bền vững, an sinh xã hội được bảo đảm. Chính thực tiễn này đã khẳng định, ở Việt Nam hiện nay không cần đa đảng.
Như vậy, thực chất luận điểm “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập” mang nặng tính chất mị dân, hết sức nguy hiểm, bởi rất dễ gây nên sự ngộ nhận, nhất là đối với những người có nhận thức hạn chế. Từ đó, có thể gây nên sự mơ hồ, lẫn lộn, dẫn tới sự dao động về tư tưởng, hoài nghi về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với cách mạng Việt Nam; gây nên sự phân tâm trong xã hội; làm suy giảm và mất dần niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Cũng từ những luận điểm này, đã hướng đến việc xoá bỏ nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, thiết lập nền dân chủ tư sản; nguy cơ gây nên những khó khăn trong quá trình phát triển của xã hội Việt Nam, nhất là làm cho chính trị – xã hội mất ổn định, kinh tế suy giảm, văn hoá đạo đức xuống cấp, các mâu thuẫn và xung đột xã hội sẽ gia tăng, phá vỡ khối đoàn kết dân tộc… Từ đó, chắc chắn hậu quả đối với đất nước sẽ vô cùng lớn, chế độ xã hội chủ nghĩa sẽ đứng trước nguy cơ bị sụp đổ, thành quả cách mạng bao nhiêu năm có được sẽ tan vỡ; người dân không những không được dân chủ, mà xã hội cũng rơi vào rối loạn, khủng hoảng, trì trệ, không phát triển được. Để không để xảy ra những hậu quả tai hại đó, ở Việt Nam hiện nay, nhất thiết không cần và không thể chấp nhận đa đảng đối lập như các thế lực thù địch mong muốn.
-Vũ Hiếu-
Nguồn: Đấu trường Dân chủ