31/01/2023, tức mùng 10 tháng Giêng (AL) nhiều người Việt tất bật làm lễ cúng Thần Tài và đi mua vàng với quan niệm rước may mắn đầu năm. Nhân sự kiện thường niên ấy, có không ít ý kiến cho rằng chúng ta đang bị “xâm lăng” văn hóa, nhưng…
Nhiều người xếp hàng mua vàng từ 4h sáng
Theo truyền thống của người Hoa, có nhiều hơn một vị Thần Tài và người nổi tiếng nhất trong số họ là Triệu Công Minh (sống vào đời Hán). Tuy nhiên, ở Nhật Bản, lại dẫn giải cơ sở thờ tự ấy đến từ một vị thần trong Phật giáo, có tên là Đại Hắc Thiên. Hiện nay người Nhật vẫn phụng thờ vị thần này với ý nghĩa là vị thần bảo trợ cho sự tăng trưởng, buôn bán. Theo các nhà nghiên cứu Nhật Bản, việc thờ phụng vị thần này có từ thế kỷ IX, tức là vào khoảng thời Tống ở Trung Hoa.
Từ hai nguồn gốc trên, có thể thấy, cho đến nay, giới nghiên cứu vẫn chưa có được sự thống nhất trong việc chỉ ra đâu mới là nguồn gốc thực sự của tín ngưỡng thờ Thần Tài là Trung Quốc hay Nhật Bản? Từ bản địa Đông Á hay từ thế giới Phật giáo phương Nam? Chưa ai dám khẳng định điều gì. Duy chỉ có một thứ mà hầu hết mọi người đều thừa nhận, đó là việc thờ tự một vị thần bảo trợ cho việc làm ăn thì mọi thần thoại trên thế giới đều có, không riêng gì phương Đông hay Trung Quốc và Việt Nam cũng không là ngoại lệ.
Đó là chưa kể đến những khác biệt dễ trông thấy giữa hai nước, hai dân tộc trong cùng một tín ngưỡng thờ và cúng Thần Tài. Trong khi người Hoa thờ riêng Thần Tài ở một vị trí rất cao thì người Việt lại phối thờ vị thần này chung với Thổ Địa và đặt gian thờ ở vị trí thấp. Ở Trung Quốc, cúng Thần Tài vào ngày Thượng Nguyên, Trung Nguyên và Hạ Nguyên (tức là vào rằm tháng Giêng, rằm tháng Bảy, rằm tháng Mười), còn ở Việt Nam thì lễ cúng Thần Tài được ấn định vào ngày mồng 10 tháng Giêng âm lịch. Ngày 10 tháng Giêng, với người Hoa, là ngày vía Thổ Địa, không phải vía Thần Tài.
Tín ngưỡng ấy, ngày nay, có thể có nhiều biến tướng mang màu sắc mê tín, cực đoan, nhưng nhìn chung, vẫn là một nét đặc sắc của văn hóa Việt. Niềm tin về tài lộc, bình an và một năm thuận buồm xuôi gió là một niềm tin chính đáng và cần thiết. Không thể vì những nỗi sợ vô hình của sự ích kỷ và tâm tính dân tộc hẹp hòi mà lên án niềm tin của người khác, càng không thể cứ mãi nhân danh lòng yêu nước mà thủ tiêu khát vọng hòa nhập, học hỏi thế giới quanh ta.
Khánh Đăng
Nguồn: Cánh cò