Trang chủ Luận bàn - Phản biện Tết “hội nhập”, vì sao chưa phải bây giờ?

Tết “hội nhập”, vì sao chưa phải bây giờ?

144
0

Năm 2005, giáo sư Võ Tòng Xuân đã có một bài báo đề xuất “Tết hội nhập”. Và nhiều năm sau đó đây vẫn là đề tài bàn luận trên các diễn đàn và nền tảng mạng xã hội. Trong khoảng 25% số người tán thành điều này đa phần là tuổi trẻ.

Tết “hội nhập”, vì sao chưa phải bây giờ?Những hình ảnh tấp nập ngày tết

Dù bàn luận sôi nổi, ý kiến trái chiều có phần gay gắt, thì “Tết hội nhập” chỉ là ý tưởng thuộc về cá nhân. Trong chương trình làm việc của Chính phủ hay Quốc hội chưa đề cập đến việc thay đổi Tết cổ truyền của dân tộc. Theo Bộ Tư pháp, tới thời điểm này chưa có chỉ đạo nào về nghiên cứu vấn đề “Tết hội nhập” để sửa đổi những quy định pháp luật liên quan.

Nhà Sử học Lê Văn Lan đã chỉ rõ “Tết Dương lịch chỉ là món ăn thêm còn Tết Nguyên đán đã đi sâu vào máu thịt”. Và thật vậy, gói trọn trong một từ ấy thôi để lưu giữ những điều tốt đẹp thiêng liêng của giống nòi dân tộc. Để rồi giữa bôn ba của cuộc mưu sinh tất cả sẽ tỉnh thức rộn ràng mỗi độ xuân về Tết đến. Chúng ta sẽ mất rất nhiều nếu như không còn Tết, sẽ không có một cuộc dừng chân nào để nhìn lại tất cả sau những đoạn đường dài. Còn Tết, truyền thống dân tộc từ bao đời vẫn luôn được duy trì trong tâm trí mỗi con người Việt Nam ta.

Theo Âm lịch, Tết Nguyên đán là thời điểm bắt đầu tốt đẹp và trọn vẹn của những điều mới mẻ. Đó là thời điểm được xem là đất trời giao thoa, vạn vật khởi đầu hướng về sự sinh sôi phúc lộc dồi dào. Tết là thời điểm gia đình sum họp, ôn cố tri tân, tưởng nhớ tổ tiên. Những giá trị cốt lõi ấy sẽ được nhắc nhở đủ đầy trong những ngày đầu năm mới. Đó là thời điểm mọi sự kết thúc là để khởi đầu, con người mở lòng mở dạ với nhau, có những niềm đau sẽ được chữa lành khi xuân về Tết đến. Giá trị tinh thần quý báu và thiêng liêng từ ngày Tết Nguyên Đán ấy luôn hiện hữu đủ đầy trong những lời chúc tụng và ước nguyện đầu năm.

Truyền thống, bản sắc dân tộc, những ý nghĩa thiêng liêng của ngày Tết thì phải luôn được giữ gìn. Tết không chỉ đơn giản là chuyện vui chơi, không thể cho rằng Tết nhạt vì thiếu vui, thiếu sự hưởng ứng nồng nhiệt của người trẻ tuổi. Người trẻ có cách sống và cách nhìn và cách nghĩ của riêng họ, nhưng sẽ đến một giai đoạn khác trong cuộc đời thì tất cả sẽ thay đổi. Hoặc nếu theo xu thế của xã hội và tư duy của thế hệ nối tiếp thì “Tết hội nhập” vẫn là điều có thể, nhưng không phải là bây giờ. Niềm phấn khởi hân hoan đón chờ Tết Nguyên đán là điều có thật trong hiện tại. Trong không khí rộn ràng, nhà nhà mong Tết, tặng áo mới trẻ thơ – chúc thượng thọ người già. Không thể có dịp nào thiêng liêng hơn ngày đầu năm mới để nói lời yêu thương gắn kết và tri ân hơn thế.

Ngược thời gian quay về năm 2005 khi giáo sư Võ Tòng Xuân có chia sẻ tâm huyết về “Tết hội nhập” thì đến nay phần đông người Việt vẫn đa phần ủng hộ giữ Tết của riêng ta như một báu vật của văn hóa tinh thần. Dù những đề xuất của một bộ phận cá nhân về “Tết hội nhập” có hợp lý đến đâu thì vẫn không thể vượt qua giới hạn của lòng ngưỡng vọng về giá trị thiêng liêng thuộc về truyền thống. Và hơn tất cả, quan điểm nhân sinh của người Việt ta “trọng tình hơn trọng lý”, bao đời nay vẫn vậy!

Hạnh Phúc

Nguồn: Cánh cò

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây