Trong 12 ngày đêm (từ 18 đến 29-12-1972), quân và dân miền Bắc đã bắn rơi 81 máy bay Mỹ, gồm: 34 máy bay B-52; 47 máy bay chiến đấu các loại, máy bay trinh sát không người lái, máy bay trực thăng; tiêu diệt, bắt sống nhiều phi công Mỹ. Sau khi có chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Việt Nam lại xuất hiện chiến dịch Điện Biên Phủ trên không thời kỳ chống Mỹ cứu nước cũng gây tiếng vang không kém. Đó chính là chiến thắng vĩ đại “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” cách đây tròn 50 năm.
Ảnh: Tự vệ Nhà máy Dệt kim Đông Xuân góp phần làm nên thắng lợi của “Hà Nội – Điện Biên phủ trên không”
Các nhà phân tích quân sự trên thế giới đã phải dùng từ khủng khiếp khi nhắc đến tổn thất của không quân Mỹ. Thông thường trong chiến tranh, những trận tập kích đường không quy mô lớn, tỷ lệ tổn thất của phe tiến công tối đa khoảng 1-2%. Tuy nhiên, đối với không quân Mỹ, chỉ tính riêng máy bay B-52, tỷ lệ này là 17,6% (34/193 chiếc). Đây chỉ là tổn thất về vật chất, không thể so sánh được với tổn thất về con người khi Hoa Kỳ đã mất 100 phi công chỉ trong 12 ngày đêm không kích ở miền Bắc Việt Nam. Đa số là những phi công có kinh nghiệm, đạt giờ bay cao.
Đó là những thành tích rất đáng tự hào của quân và dân ta trong cuộc chiến chống Mỹ cứu nước. Chiến thắng vang dội ấy cùng với những nỗ lực ngoại giao cương quyết, kiên trì, bền bỉ, linh hoạt, khéo léo, cộng hưởng với sự ủng hộ của bạn bè quốc tế đã giúp Việt Nam giành thắng lợi trên bàn đàm phán, đi tới ký kết Hiệp định Paris, mở ra cơ hội hòa bình.
50 năm đã trôi qua, sự thật lịch sử này vẫn luôn được tôn trọng và được quốc tế công nhận. Tuy nhiên, một số đối tượng thù địch, phản động, luôn mang lòng hận thù với Việt Nam, xét lại lịch sử vẫn lợi dụng sự kiện này để xuyên tạc, phủ nhận thành quả chúng ta đạt được. Cụ thể, chúng cho rằng kết quả trong 12 ngày đêm đó chẳng qua chỉ là ăn may. Rồi thì tại sao lúc đó Việt Nam không chịu nhượng bộ, nhún nhường chút xíu để không phải chịu tổn thất về con người và cơ sở vật chất… Những luận điệu này, chỉ có phân tích, tìm hiểu kỹ tình hình, cục diện lúc bấy giờ chúng ta mới thấu hiểu chiến thắng đó không phải ăn may, không phải cứ nhún nhường rồi để Mỹ muốn làm gì thì làm.
Thứ nhất, thắng lợi của chiến dịch “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” có phải do may mắn không? Chỉ có những kẻ ngu ngơ, không biết gì mới cho rằng kết quả đó là ăn may. Thực tế với việc phát huy trí tuệ tập thể, tinh thần sáng tạo trong tổ chức, sử dụng lực lượng thành sức mạnh tổng hợp, quân và dân ta đã chủ động chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu mọi mặt để chống lại cuộc tập kích đường không chiến lược của đế quốc Mỹ. Căn cứ chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng tham mưu, Quân chủng Phòng không – Không quân đã nghiên cứu, xây dựng kế hoạch chiến đấu, đánh trả địch tập kích bằng máy bay B-52. Quân chủng Phòng không – Không quân đã điều một số đơn vị tên lửa phòng không, máy bay MiG-21 vào Khu 4 để chi viện cho chiến trường Trị – Thiên từ năm 1968 đến giữa năm 1972. Mục đích của việc điều động này nhằm trực tiếp nghiên cứu cách đánh B-52. Trải qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, hy sinh, bộ đội phòng không – không quân đã cho ra đời cuốn sách “Cách đánh B-52 của bộ đội tên lửa” sau gần 7 năm nghiên cứu. Ngày 31-10-1972, tại Hội nghị tháng 10, tài liệu này được đưa ra bàn bạc kỹ nhằm phát huy dân chủ quân sự, thống nhất nhận thức. Hội nghị đã đánh giá đúng những điểm mạnh, hạn chế của B-52, đồng thời đưa ra cách đánh sao cho đạt hiệu quả cao nhất. Hội nghị đã đi đến kết luận chúng ta có thể bắn rơi tại chỗ máy bay B-52 của Hoa Kỳ. Và như vậy thành tích 34 máy bay B-52 thì không phải là ăn may, may mắn được. Đó là kế sách “biết địch biết ta, trăm trận trăm thắng” mà ông cha ta đã vận dụng từ xưa đến nay để chống lại địch có sức mạnh hơn nhiều lần.
Thứ hai, sau 4 năm đàm phán, tháng 10-1972, nội dung cơ bản dự thảo Hiệp định Paris đã được các bên liên quan thống nhất. Nội dung của hiệp định có một số vấn đề cơ bản, đó là: Hoa Kỳ và các nước cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam; Hoa Kỳ rút hết quân viễn chinh, chư hầu, căn cứ quân sự và cam kết không tiếp tục dính líu vào công việc nội bộ của Việt Nam; để cho nhân dân miền Nam tự quyết định tương lai chính trị của họ thông qua tổng tuyển cử tự do; công nhận miền Nam Việt Nam có 3 lực lượng chính trị với 2 chính quyền, 2 quân đội và 2 vùng kiểm soát. Tuy nhiên, Mỹ là một đế quốc hùng mạnh không dễ dàng chấp nhận sự thật phũ phàng như thế. Từ đó họ tìm cớ trì hoãn việc ký kết bằng cách đưa ra những đòi hỏi khó chấp nhận đối với chúng ta. Mỹ đề nghị sửa đổi 69 điểm trong bản dự thảo hiệp định. Sau khi cuộc đàm phán tạm thời bế tắc, cả 2 bên tạm dừng, về nước tiếp tục cân nhắc các điều khoản thì Tổng thống Mỹ ra lệnh khai màn chiến dịch ném bom san phẳng Hà Nội và một số thành phố ở các tỉnh phía Bắc, buộc Việt Nam phải ký kết Hiệp định Paris theo những điều kiện của Hoa Kỳ.
Vậy với giả thuyết nếu Việt Nam chịu nhượng bộ, chấp thuận đề nghị của Mỹ, thay đổi nội dung Hiệp định Paris thì chúng ta đã không phải hứng chịu trận chiến 12 ngày đêm với nhiều mất mát và đau thương. Xin được hỏi ngược lại, nếu chúng ta nhân nhượng thì liệu Mỹ có chấm dứt chiến tranh và nhanh chóng ký kết hiệp định hay không? Và nếu chúng ta nhân nhượng thì liệu Mỹ sẽ không mở một chiến dịch quân sự nào khác hay không? Sự thật là Việt Nam đã thực sự mềm mỏng, linh hoạt, thậm chí còn nghĩ cho cả thể diện của Mỹ trong quá trình đàm phán hiệp định. Tuy nhiên, như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “chúng ta càng nhân nhượng thì kẻ địch càng lấn tới”. Nên dù có mềm mỏng, linh hoạt đến đâu thì những vấn đề mang tính sống còn của quốc gia, dân tộc không phải thứ dễ dàng mang ra nhân nhượng, mặc cả, đổi chác với bất kỳ ai, vì bất kỳ lý do gì. Quay trở lại với chiến dịch 12 ngày đêm, sau nhiều lần đổi trắng, thay đen nhằm buộc Việt Nam phải chấp nhận nội dung hiệp định nhưng bất thành, Mỹ đã sử dụng máy bay B-52 để nói chuyện như một ván bài cuối cùng nhằm tạo sức ép toàn diện lên Việt Nam. Quân và dân miền Bắc đã chiến đấu kiên cường, tạo nên chiến thắng vang dội trên chiến trường, tạo lợi thế cho Việt Nam tiến tới ký kết hiệp định với những nội dung cốt lõi như ta mong muốn.
Cuộc đấu tranh này phản ánh đầy đủ sự lãnh đạo tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hiệp định Paris mãi mãi đi vào lịch sử cách mạng Việt Nam như một dấu son không bao giờ phai mờ. Không ai có quyền đòi xét lại hoặc xuyên tạc, phủ nhận sự thật những giá trị to lớn mà chiến dịch “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” và Hiệp định Paris mang lại.
Đỗ Thành
Nguồn: Tre làng