Vừa qua, trong cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), nhiều ý kiến, góp ý quan trọng đã được đưa ra. Trong đó, nổi bật hơn cả là những lo ngại của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ…
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu ngày 14/12.
Đã từ rất lâu, trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề, ở ngoài xã hội hay trong chính các cơ quan công quyền, thực trạng “người kém đánh giá người giỏi” đã và đang gây ra nhiều hệ quả tiêu cực. Một trong số đó là học trò đánh giá thầy cô, con cái đánh giá cha mẹ, dư luận đánh giá người có trách nhiệm… làm nản lòng những người có tài, có đức, có tâm huyết đóng góp cho xã hội, cho cuộc đời.
Do vậy, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, như hiện nay, việc giao Hội đồng Y khoa đánh giá năng lực hàng chục nghìn y, bác sĩ thay các hiệp hội chuyên ngành dễ dẫn đến thực trạng nêu trên và rõ ràng là, điều này thật sự rất nguy hại đến chất lượng, hiệu quả khám, chữa bệnh trong dân. Đồng thời, ông cũng kiến nghị Hội đồng Y khoa quốc gia chỉ nên làm đầu mối, không thể đánh giá năng lực cho hàng chục nghìn y, bác sĩ. Cơ quan soạn thảo cần quy định rõ địa vị pháp lý của Hội đồng Y khoa quốc gia, cũng như mô hình, việc thành lập, ai quyết định thành lập. “Một tổ chức quyết định sinh mạng có đến hàng vạn người thì việc hành nghề về lĩnh vực không thể quy định mù mờ được”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định.
Những chỉ đạo, kiến nghị trên của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ là hoàn toàn đúng đắn, kịp thời và rất xát với thực tế của ngành Y trong những năm gần đây, đặc biệt là từ 2021 đến nay. Vì một bác sĩ muốn ra trường đã phải trải qua khoảng thời gian học tập rất dài, sau đó còn phải thực tập trong nhiều năm rồi mới dần đạt được các học vị, học hàm. Do đó, về chuyên môn, việc đánh giá, kiểm tra họ là điều cần thiết, nhưng vấn đề là: Ai sẽ kiểm tra và ai sẽ quản lý nếu không phải là đồng nghiệp, là cơ quan nơi họ đã và đang công tác? Chưa kể, cũng theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, sẽ là không hợp lý vì “loại hết các hội đồng, hội xã hội nghề nghiệp như tim mạch, gan, tiết niệu… khỏi việc đánh giá năng lực”. Bởi suy cho cùng, ngành Y là một ngành rất rộng. Nó bao gồm nhiều chuyên ngành và tất nhiên phải có những người rất rành về một chuyên môn nào đó mới đủ sức, đủ tầm mà đánh giá về từng cá nhân bác sĩ, dược sĩ. Việc đảm bảo sự đánh giá có công bằng và minh bạch sẽ là bước đầu tiên và cũng là bước quan trọng nhất để việc cấp chứng chỉ hành nghề đi vào thực chất hơn.
Từ những ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, có thể thấy, việc thành lập và tổ chức hoạt động của Hội đồng Y khoa Quốc gia vẫn còn nhiều bất cập cần giải quyết. Cho đến khi Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) được triển khai trên thực tế, mọi kiến nghị, góp ý của các đại biểu như ông Vương Đình Huệ thật sự rất hữu ích.
Bởi lẽ, đây là lần đầu tiên Việt Nam áp dụng mô hình Hội đồng Y khoa Quốc gia để thực hiện đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh nên dự thảo vẫn còn nhiều ngổn ngang là rất dễ hiểu. Tại nhiều nước trên thế giới, người muốn được hành nghề phải trải qua kỳ kiểm tra, đánh giá năng lực hành nghề do tổ chức độc lập thực hiện. Tham khảo kinh nghiệm quốc tế và kế thừa luật cũ, dự thảo luật lần này quy định Hội đồng Y khoa Quốc gia thực hiện tổ chức kỳ kiểm tra, đánh giá năng lực hành nghề. Tuy nhiên, từ lý thuyết đến thực tiễn vẫn còn một khoảng cách khá xa, mà có lẽ, những trăn trở, lo ngại của Chủ tịch Quốc hội sẽ làm cho khoảng cách ấy dần ngắn lại trong thời gian tới.
Khánh Đăng
Nguồn: Cánh cò