Trang chủ Luận bàn - Phản biện “Văn hóa từ chức” ở Việt Nam cần được hiểu như thế...

“Văn hóa từ chức” ở Việt Nam cần được hiểu như thế nào?

150
0

Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng mới đây đã cho rằng, người cứ hay phê bình chúng ta là không có văn hóa từ chức nhưng ông thấy “cũng chẳng có ở đâu từ chức mà nâng lên mức trở thành văn hóa”. Vậy văn hóa từ chức ở thời điểm hiện tại cần phải hiểu như thế nào?

“Văn hóa từ chức” ở Việt Nam cần được hiểu như thế nào?Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng

Thực ra “văn hóa” cho tới thời điểm hiện tại, khái niệm rất rộng. Nhưng nếu nói tóm gọn lại thì văn hóa là những giá trị vật chất, tinh thần do con người sáng tạo ra trong lịch sử. Và thực tế nó đều có xu hướng tích cực.

Soi chiếu vào những trường hợp từ chức thì thực sự không thể xếp nó thành văn hóa. Soi chiếu vào những trường hợp ở bộ máy nước ta thì đúng như Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng nói, quan chức ở nhiều nơi từ chức thì một là có sai lầm trong công tác hoặc sức ép từ nội bộ đảng của họ hoặc sức ép từ dư luận. Nếu như không chịu những sức ép này thì rõ ràng không có ai từ chức cả.

Có lẽ, không nên gọi là “văn hoá từ chức” mà chính xác phải là người có văn hoá thì phải biết lúc nào nên từ chức. Bởi có những ông, bà, cô, cậu cứ bám riết lấy cái ghế mặc dù năng lực yếu, tín nhiệm thấp, công việc dính bê bối… Lại có trường hợp bấu víu chức vụ bởi câu “tổ chức phân công nên tôi phải làm” để đổ oan cho Đảng.

Thẳng thắn mà nói thì lòng tự trọng của một bộ phận cán bộ, đảng viên ngày càng giảm sút, mờ nhạt. Số quan chức này chỉ biết đặt cái lợi cá nhân lên trên hết, trước hết. Họ sẵn sàng bỏ ra ngoài tai mọi dư luận xã hội, miễn là giữ được ghế, thậm chí chạy tuổi để thêm nhiệm kỳ. Không có liêm sỉ thì mấy ai có thể dễ dàng “cởi áo từ quan”, tự nguyện xin thôi giữ chức vụ khi chưa hết nhiệm kỳ. Ở nước ta, quan chức nhiều bổng lộc, vừa lương vừa “lậu”. Từ cấp Vụ trở lên đi đâu đã có xe và nếu chức vụ cao hơn nữa thì như Tổng Bí thư dẫn ca dao, hò vè: “Họp thì có người ghi, đi thì có người chở, ở thì có người chăm, nằm có người bóp”. Vậy thì ai còn muốn từ chức? Phải là những cán bộ thật sự vì nước, vì dân, dám hy sinh quyền lợi cá nhân, luôn luôn đặt lợi ích của nước, của dân lên trên hết, trước hết thì mới làm được điều đó.

Nói như vậy không phải là tiêu cực mà cần nhìn nhận đúng và đủ về thực trạng một số quan chức ở nước ta. Nhìn nhận đúng và đủ để thấy rằng, quy định hầu như không đơn giản giải quyết vấn nạn này. Bài học cho thấy các lĩnh vực khác nhau, chúng ta đều có các quy định chuẩn. Ví dụ, năm 2011, Ban Chấp hành Trung ương ban hành Quy định số 47 về những điều đảng viên không được làm mười năm trước. Nhưng hơn mười năm qua, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên không tuân thủ quy định, phải vào vòng lao lý.

Vậy mới thấy, không nên coi là văn hóa nhưng nên cũng cần một hướng đi để xử lý vấn nạn này. Những gợi mở về việc khuyến khích cán bộ từ chức của Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng là một ý kiến rất tuyệt vời. Và bài học Thường trực Võ Văn Thưởng nêu ra từ ông Nguyễn Văn Thể là một ví dụ rất sống động.

Công Luân

Nguồn: Cánh cò

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây