Cách đây vài ngày, trên mạng xã hội lan truyền clip 4 cô gái trẻ, xinh đẹp, lộng lẫy ngồi im bất động khi cả hội trường đứng dậy hát Quốc ca. Dư luận phẫn nộ, một vài tờ báo lên tiếng về một nút thắt khó gỡ cho bài toán tự tôn dân tộc.
Hình ảnh được cắt ra từ clip
Thực sự đối với những thế hệ đã bước ra từ khói lửa chiến tranh thì hành động của các thế hệ sau thật đáng buồn. Để có một bài Quốc ca hùng tráng biết bao xương máu đã phải đổ xuống. Nhưng những người trẻ sóng trong hoà bình tự cho phép mình được vô can trong quá khứ hào hùng của cha ông là không được. Rõ ràng để mất đi lòng tự hào dân tộc là điều không được phép tồn tại. Mà việc không tôn trọng Quốc ca là một trong những biểu hiện đó.
Việc tự hào dân tộc sẽ giúp định hình nên một con người có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội. Không những vậy nó sẽ là những rào cản cần thiết để tránh những hành động phương hại đến quê hương, tổ quốc khi ra nước ngoài. Tiếc thay thế hệ trẻ đang dần lãng quên điều này.
Điều đáng buồn là những con số của thế hệ trẻ tự cho phép cái quyền bất động khi mọi người chào cờ, hát Quốc ca ngày càng đáng báo động. Rất nhiều bạn không hiểu được hết ý nghĩa nên coi đây là việc làm bắt buộc. Mà hiển nhiên cái gì áp đặt cũng gây phản ứng ngược.
Vậy nguyên nhân từ đâu? Từ giáo dục từ nhà trường hay là gia đình, xã hội? Khó có câu trả lời nhưng rõ ràng những rập khuôn trong chương trình giảng dạy từ thế hệ này đến thế hệ khác là điều đang hiện hữu. Tất nhiên 4 cô gái trẻ có những hành vi như vậy thì đáng trách nhưng cũng cần thực sự trả lời nghiêm túc câu hỏi chúng ta đã làm tốt việc khơi gợi lòng tự hào dân tộc chưa? Như Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đã chỉ đạo, Phát huy sức mạnh nội sinh để xây dựng, phát triển đất nước. Nhưng liệu điều đó có đạt được khi không thể khơi gợi lòng tự hào dân tộc?
Công Luân
Nguồn: Cánh cò