Từ nhiều tháng qua, dư luận trong nước đã không ít lần chứng kiến sự can thiệp, tiếp tay của nhiều thế lực thù địch, cả bên trong lẫn bên ngoài, có liên quan trực tiếp đến vấn đề dân tộc và tôn giáo. Trong đó, nổi bật nhất là sự vụ liên quan đến vấn đề “bảo tồn” phương ngữ của cộng đồng dân tộc Khmer. Xa hơn về một thập kỷ trước, những hậu quả của cái gọi là “Nhà nước Đề Ga” tự trị, hay nhà nước Mông tự trị mà các thế lực này đã dựng nên, …đều cho thấy tính chất phức tạp, nhạy cảm của vấn đề quy tụ sức mạnh toàn dân tộc.
Cán bộ, chiến sĩ BĐBP luôn gắn bó, gần gũi với đồng bào các dân tộc nơi biên giới, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.
Giải quyết ổn thỏa vấn đề dân tộc đã khó, sự chồng chéo, đan xen giữa vấn đề dân tộc với vấn đề tôn giáo càng khiến cho việc giải quyết từng vấn đề (hoặc cả hai) còn khó hơn gấp bội. Đó là còn chưa kể đến bối cảnh hiện nay – thời đại của truyền thông, tin tức được cập nhật liên tục, tin tức đến nhiều phía, vì thế, bên cạnh tin thật thì tin giả cũng được dịp tràn lan. Lợi dụng điều này, các thế lực thù địch đã và đang không ngừng tung lên không gian mạng hàng loạt tin giả và các loại thuyết âm mưu, chúng gieo rắc nỗi sợ và mục đích của chúng là phá hoại, chia rẽ khối đại đoàn kết của ta. Do vậy, đại đoàn kết dân tộc, từ xưa đến nay, chưa bao giờ vơi đi ý nghĩa, kể cả trong thời bình hay thời chiến. Hiện nay, vấn đề này càng trở nên quan trọng và cấp thiết hơn bao giờ hết, vì những thay đổi chóng mặt của bối cảnh khi Việt Nam ngày một hội nhập sâu, rộng với bên ngoài.
Đại đoàn kết dân tộc là “chìa khóa”, là động lực giúp Việt Nam tự tin hơn khi hội nhập quốc tế. Bởi lẽ một quốc gia muốn tiến nhanh, tiến mạnh về phía trước không thể là một quốc gia đầy bất ổn và chia rẽ từ bên trong. Mục tiêu phát triển nhanh, bền vững không thể bị đánh đổi bằng sự thù hận dân tộc trên một đất nước với hơn 100 triệu dân và 54 dân tộc. Sự đa dạng và tôn trọng sự đa dạng đã là một phần của lịch sử Việt Nam. Văn hóa tộc của mỗi cộng đồng đã góp phần vào sự đa dạng, phong phú của văn hóa Việt Nam.
Không thể tách biệt bất kỳ ai mang dòng máu Việt ra khỏi quê hương này, cũng như không một ai, dù với bất kỳ mục đích gì, có thể chia rẽ sức mạnh dân tộc vĩ đại ấy. Thứ sức mạnh đã làm nên mọi thành công của cách mạng, thứ sức mạnh sẽ tiếp tục đưa đất nước này vươn mình ra thế giới. “Hòa nhập chứ không hòa tan” – chúng ta luôn nói về nó và chúng ta đã và đang làm rất tốt. Thực tế cho thấy, đồng bào các dân tộc, tôn giáo trên lãnh thổ Việt Nam đều được chung sống hòa bình, bình đẳng và tích cực đóng góp cho công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước. Các đồng bào dân tộc đều một lòng hướng thiện, sống tốt đời đẹp đạo.
Tại buổi làm việc với Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hôm 01/12, Thường trực Ban bí thứ Võ Văn Thưởng đã một lần nữa nhắc lại tầm quan trọng của công tác dân vận và bảo vệ nền tảng đoàn kết trong quần chúng. Ông nhấn mạnh: “Cần xác định nội dung của đại đoàn kết trong giai đoạn mới là gì, có gì khác so với trước kia, lấy gì làm trung tâm để kết nối toàn dân tộc, cách thức cụ thể hóa trong từng giai tầng, đối tượng, tổ chức…”. Đây không chỉ là vấn đề đặt ra cho Mặt trận Tổ quốc, mà còn dành cho mỗi người Việt Nam. Chúng ta vẫn phải luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng cả về sức người và sức của để bảo vệ khối đại đoàn kết dân tộc. Đại đoàn kết dân tộc không thể được xem nhẹ dù với bất kỳ lí do gì, bởi các thế lực thù địch chưa bao giờ từ bỏ âm mưu chia rẽ sức mạnh dân tộc của ta và cũng bởi vì một phần của hoàn cảnh mà Việt Nam không thể không hội nhập với thế giới.
Khánh Đăng
Nguồn: Cánh cò