Cách đây ít lâu, dư luận trong nước xôn xao câu chuyện về kết quả một cuộc thi “Gạo ngon Việt Nam”. Theo đó, gạo ST25 của Kỹ sư Hồ Quang Cua đứng thứ hai và nhường vị trí cao nhất cho gạo TBR39 của Công ty CP Tập đoàn ThaiBinh Seed. Kỹ sư Cua đã không công nhận kết quả này và cho rằng ThaiBinh Seed vi phạm quy chế. Sẽ không có gì đáng bàn nếu sau đó ít lâu, ST25 không lọt vào top 4 tại cuộc thi “Gạo ngon thế giới năm 2022”. Nhưng thực tế lại khác…
Kỹ sư Hồ Quang Cua nhận giải Thành tựu cống hiến trọn đời cộng đồng gạo thế giới.
Chiến thắng của ST25 nói chung và của Kỹ sư Hồ Quang Cua nói riêng đáng lẽ đã là một thành tựu đáng tự hào của nông nghiệp Việt Nam trong năm nay. Nhưng những tranh cãi xung quanh nó lại khiến cho ý nghĩa thực sự bị mai một phần nào. Bởi, nhiều cá nhân và tổ chức đã có thái độ và hành xử thiếu công bằng cho một cuộc thi trong nước, khi cho rằng kết quả của một cuộc thi quốc tế đương nhiên, hiển nhiên uy tín hơn một cuộc thi được tổ chức ở quê nhà.
Đây không phải là tâm lý của riêng một người, mà ai trong chúng ta cũng có thể thấy ý kiến ấy nhận được rất nhiều sự đồng tình, ủng hộ đến mức cực đoan của một bộ phận người dân. Điều này đã vô tình “dìm hàng” TBR39 của Công ty CP Tập đoàn ThaiBinh Seed và thật không công bằng khi vẫn chưa có một kết luận nào từ đơn vị tổ chức cuộc thi mà mọi người đã vội vàng đánh giá, quy kết cho thành tựu của người khác.
Thước đo, quy chuẩn và bộ khung của mỗi cuộc thi mỗi khác, không nơi nào giống nơi nào. Do vậy, áp đặt chủ kiến theo kiểu “đã thắng ở quốc tế tất thắng ở trong nước” là một tư duy sai lệch cần được chấn chỉnh. Điều này cũng giống như một vận động viên tham gia thi đấu vậy, họ có thể đoạt giải ở đấu trường quốc tế, nhưng khi ở trong nước, vì nhiều lý do, họ đã để hụt vinh dự cao nhất. Vận động viên nổi tiếng Trương Thanh Hằng, cựu vô địch điền kinh châu Á, cũng không phải luôn luôn giành thứ hạng cao nhất trong các cuộc thi trong nước.
Cựu vô địch điền kinh châu Á Trương Thanh Hằng cũng không chiến thắng tất cả các cuộc thi trong nước.
Bỏ qua vấn đề về quy chế, thể lệ cuộc thi, vấn đề ở đây nằm ở sự chủ quan, áp đặt quan điểm của một số người lên những tác phẩm văn hóa và thành tựu khoa học. Đó là suy nghĩ khá một chiều và phiến diện. Lâu dần, nếu chúng ta không chấn chỉnh sự lệch lạc ấy, rất có thể, cả dân tộc này sẽ phải đối mặt với một thực tế khác, nghiêm trọng hơn: Làm thui chột động lực sáng tạo của xã hội. Khi hầu hết đều nghĩ rằng tại sao phải nỗ lực cạnh tranh với một người ở tầm quốc tế nếu họ đã nắm chắc phần thắng, sự lạc hậu và trì trệ sẽ đến, rất sớm và nhanh thôi…
Quốc gia này đã từng trải qua khoảng thời gian tồi tệ như thế nào khi sự ỷ lại lên ngôi. Chắc hẳn, không ai trong chúng ta muốn điều đó quay trở lại ám ảnh tương lai của mình và dân tộc. Do đó, cần nhất lúc này vẫn là tinh thần dân tộc lên trên hết. Mọi thành tựu trước quốc tế hay trong nước nên xem lợi ích và sự phát triển của quốc gia, dân tộc làm đầu. Thành tựu của một cá nhân nếu không đặt trong quyền lợi của đất nước thì thành tựu ấy cũng bớt đi nhiều ý nghĩa.
Kỹ sư Hồ Quang Cua và công trình trọn đời của ông, gạo ST25.
Một cuộc thi, dù trong nước hay quốc tế, sẽ không nói hết được ý nghĩa tồn tại của nó nếu nó không vinh danh hay đại diện cho một điều gì đó. Một cá nhân cũng vậy, nếu chỉ nặng nhẹ thứ hạng cao thấp trong một cuộc đấu, hay quan trọng hóa tính cá nhân hơn tính vinh danh, tính đại diện, cá nhân ấy sẽ mất nhiều hơn được.
Đất nước này cần những người tài đại diện ở mọi đấu trường quốc tế, đất nước này cũng không thiếu những người tài để làm điều đó. Nhưng, như Hồ Chủ tịch từng nói: “Có tài mà không có đức, thì làm việc gì cũng khó”.
Khánh Đăng
Nguồn: Cánh cò