Trang chủ Luận bàn - Phản biện Thấy gì cổ phiếu Novaland (NVL) giảm mạnh?

Thấy gì cổ phiếu Novaland (NVL) giảm mạnh?

202
0

Tính đến hết ngày 10/11, thị giá cổ phiếu NVL của Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va đã có 6 phiên giao dịch giảm sàn liên tiếp xuống mức 44.950 đồng/cổ phiếu, mất khoảng 36% giá trị so với thời điểm đầu tháng 11. Điều này khiến nhiều nhà đầu tư không khỏi hoang mang, khi Novaland là một doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực bất động sản và NVL là một cổ phiếu nằm trong nhóm VN30.

Thấy gì cổ phiếu Novaland (NVL) giảm mạnh?Một trụ sở của Tập đoàn Novaland

Tuy vậy, nếu dành một chút thời gian phân tích, chúng ta sẽ thấy được rằng việc cổ phiếu NVL giảm giá là điều rất bình thường và khó tránh khỏi.

Đầu tiên và rất quan trọng, Novaland hầu như không trả cổ tức tiền mặt cho cổ đông, nên ngay từ đầu, giá trị cổ phiếu đáng lẽ phải rất thấp. Trong giai đoạn lãi suất tăng lên và việc đầu cơ trên thị trường chứng khoán yếu đi như hiện nay, những cổ phiếu không có cổ tức tiền mặt lại càng khó để có được một thị giá cao.

Đó là chưa nói đến việc lãi suất tăng lên khiến tuyệt đại đa số các chứng khoán chịu tác động giảm giá bất kể hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp ra sao. Và thực tế là gần như tất cả các cổ phiếu trên thị trường chứng khoán nước ta đã giảm rất nhiều kể từ đầu năm nay, nhưng giá cổ phiếu của Novaland hình như lại đi ngược xu hướng ấy, khi tính đến cuối tháng 10, NVL vẫn có giá xấp xỉ giai đoạn đầu năm.

Trong quý gần nhất, Novaland đã ghi nhận sự giảm sút đáng kể lợi nhuận sau thuế so với 2 quý đầu năm 2022. Trong bối cảnh lãi suất tăng cao, tiếp cận tín dụng khó khăn hơn, thị trường bất động sản tiếp tục trầm lắng, tình hình kinh doanh của Novaland gần như chắc chắn sẽ còn gặp nhiều khó khăn khi tập đoàn có những khoản nợ rất lớn. Do đó, những kỳ vọng khi đầu tư vào NVL cũng sẽ ít khả quan hơn. Điều này đã tạo cơ sở cho những tin đồn, những thông tin không chính thống mang tính tiêu cực có cơ hội nảy nở và góp phần khiến tâm lý nhà đầu tư bị ảnh hưởng mà bán tháo cổ phiếu.

Về bản chất, giá trị của cổ phiếu được hình thành bằng cách vốn hóa các khoản thu nhập kỳ vọng từ cổ phiếu ấy theo lãi suất hiện hành. Mà từ những điểm chúng ta nêu trên kia, rõ ràng những khoản thu nhập mà người ta có thể kỳ vọng thu được từ cổ phiếu NVL vốn đã chẳng là bao, giờ lại còn giảm đi do tình hình kinh doanh của doanh nghiệp đi xuống. Kết hợp với sự tăng lên của lãi suất khiến NVL phải được định giá thấp hơn nhiều so với mức giá 70.000 – 80.000 đồng/cổ phiếu như trước những phiên giao dịch gần đây, và vì vậy mà sự giảm giá về đúng giá trị của nó lại trở nên một điều dễ hiểu. Trái lại, chính mức giá cao mà cổ phiếu NVL được neo suốt thời gian dài trước đó mới là điều chúng ta phải đặt câu hỏi và chú ý tới.

Kể từ giữa năm 2021, giá cổ phiếu của Novaland đã luôn duy trì ở mức cao để phục vụ cho việc vay nợ cũng như những đợt phát hành trái phiếu, vì một phần lớn các khoản nợ của Novaland có tài sản đảm bảo chính là cổ phiếu NVL. Nhưng những cổ phiếu này chẳng phải chính là những giấy chứng nhận về quyền sở hữu đối với những tài sản thuộc sở hữu của doanh nghiệp và do đó đại biểu cho những tài sản này hay sao?

Ở đây, từ một tài sản thực tế ban đầu với một giá trị xác định, ví dụ như một dự án bất động sản chẳng hạn, người ta đã vay được một số tiền lớn gấp đôi. Một mặt, dùng chính ngay dự án bất động sản làm tài sản đảm bảo để vay một khoản nợ và mặt khác, lại dùng những cổ phiếu – tức những giấy chứng nhận về quyền sở hữu dự án bất động sản ấy – để vay một khoản nợ khác. Trong trường hợp doanh nghiệp mất khả năng thanh toán, rõ ràng tài sản để trả nợ cũng chỉ có mỗi dự án bất động sản thôi, còn giá trị của khối cổ phiếu thì tan biến vào hư vô.

Hiện tại, những khoản nợ của Novaland là hơn 214 nghìn tỷ đồng, gấp gần 5 lần vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp. Nếu có điều gì chúng ta phải lo lắng về Novaland thì cũng chỉ là ở điểm này mà thôi.

Mạnh Hải

Nguồn: Cánh cò

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây