Một ngày trước khi đối thoại thường niên về Nhân quyền Việt – Mỹ, bốn tổ chức nhân quyền tự xưng gửi thư đến Bộ ngoại giao Mỹ kêu gọi họ “khuyên nhủ” Việt Nam. Một số đối tượng cực đoan nhân danh tôn giáo cũng gửi thư cho truyền thông quốc tế để “lu loa” hòng gây sức ép. Dường như đối với những tổ chức, cá nhân này, buổi Đối thoại nhân quyền Việt – Mỹ là “bữa tiệc” mà họ cũng muốn có phần.
Những lần đối thoại giữa Việt Nam và Mỹ
Với đường lối ngoại giao đúng đắn cùng vị thế đang lên trên trường quốc tế, Việt Nam hiện tại duy trì được mối quan hệ rất tốt với cộng đồng quốc tế, ngay cả những quốc gia tưởng chừng có nhiều khác biệt nhất. Năm 2021, lần lượt phó Tổng tống, Bộ trưởng Quốc phòng rồi cố vấn Tổng thống Mỹ lần lượt thăm Việt Nam với nhiều phát biểu thân thiện, muốn nâng cấp quan hệ. Đặc biệt, chính khách Mỹ luôn khẳng định tôn trọng tối đa những khác biệt về thể chế chính trị của Việt Nam. Khi nhìn nhận vấn đề như vậy thì “Đối thoại” nhân quyền Việt – Mỹ là một buổi làm việc song phương, bình đẳng, cởi mở nhằm mục đích để hai bên hiểu nhau, quản lý được những khác biệt trên cơ sở tôn trọng tối đa, và không hề có chuyện gây sức ép.
Đối với vấn đề nhân quyền, gần đây Việt Nam đã được bầu là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2023-2025. Điều này thể hiện những tiến bộ cùng cam kết và chính sách của Việt Nam về nhân quyền đã được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Điều này diễn ra bất chấp các “thực tiễn giả tạo” được các trang tin truyền thông hải ngoại thiếu thiện chí, các tổ chức nhân quyền tự xưng ngày ngày ra sức “lu loa” để bôi nhọ. Ấy vậy mà họ, những kẻ tung tin sai trái không biết lấy làm xấu hổ mà vẫn đều đặn lên tiếng, và mới đây họ lợi dụng buổi Đối thoại nhân quyền Việt – Mỹ để tiếp tục “khuyên nhủ” Việt Nam.
Trong cái gọi là “Thư ngỏ” gửi tới đại diện phái đoàn Mỹ trong phiên đối thoại nói trên, bốn tổ chức Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam, Người Bảo vệ Nhân quyền, Lực lượng Cứu quốc, và Đài phát thanh Đáp lời Sông núi đề nghị phía Mỹ kêu gọi Việt Nam thả tự do cho các “đồng nghiệp” của họ mới bị bắt giam vì vi phạm pháp luật. Họ đòi chính quyền phải “trả lại các cơ sở tôn giáo trái phép” đã bị thu hồi. Đặc biệt, họ còn cho rằng Việt Nam mới được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc thì phải “tỏ ra xứng đáng”, phải cải thiện nhân quyền. Đây quả là những “lời khuyên” rất khó chấp nhận.
Một số đối tượng theo đạo Tin Lành trái phép ở Tây Nguyên mới đây cũng “lu loa” trên đài RFA về việc họ bị công an giám sát, yêu cầu giải tán các buổi tụ tập trái pháp luật. Tháng 1/2022, các cơ quan chức năng đã khẳng định tổ chức tôn giáo Tin lành Đấng Christ quy tụ các chức sắc, tín đồ người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên và ở Mỹ để tập hợp lực lượng, đấu tranh đòi tự do tôn giáo, dân chủ nhân quyền, tiến tới lật đổ. Đây là một hoạt động trái pháp luật, đe dọa nghiêm trọng an ninh của quốc gia và cộng đồng. Tuy nhiên trong bài gửi tới RFA, các đối tượng cho rằng “chỉ thờ Chúa trong nhà, nhưng muốn xây dựng hội Thánh riêng và độc lập, không cần cấp phép”, một luận điệu không thuyết phục được ai.
Như vậy có thể thấy, có nhiều đối tượng, tổ chức đang mưu đồ lợi dụng buổi Đối thoại nhân quyền Việt – Mỹ để tìm cách bôi nhọ, làm xấu hình ảnh Việt Nam, đồng thời cài cắm các luận điều hỏng phá hoại buổi đối thoại hữu nghị Việt – Mỹ. Tuy nhiên với các luận điệu cũ kỹ, quan điểm lệch lạc, chắc chắn các nỗ lực này sẽ thất bại.
An Diễm
Nguồn: Cánh cò