Thời gian qua, cư dân mạng Việt Nam hết sức bất ngờ về một bài đăng tìm việc làm thêm trong một hội nhóm trên facebook. Sự việc sẽ không có gì đáng bàn nếu người viết bài ấy không tự nhận mình là một tiến sĩ vừa tốt nghiệp, trình độ nghiên cứu rất cao nhưng lương chỉ có 6 triệu đồng/tháng.
Lương 6 triệu đồng/tháng, tiến sĩ có ý định nghỉ việc
Câu chuyện của vị tiến sĩ trẻ ấy có thể đã gây bất ngờ lờn đến công chúng, vốn phần đông là những lao động phổ thông. Nhưng, với những người trong ngành giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học và nghiên cứu chuyên nghiệp, lại không mới chút nào. Bởi lẽ, đây là một thực tế bi đát của cả một ngành, lĩnh vực ở đất nước ta. Từ nhiều năm qua, trong các trường đại học, viện nghiên cứu thuộc diện nhà nước quản lý, lương của giảng viên có bằng tiến sĩ dao động từ 5 đến 7 triệu đồng.
Bên cạnh đó còn có tiền vượt giờ, nhưng giá trị mang lại cũng chẳng là bao. Tuy vậy, trách nhiệm đối với cơ sở đào tạo, quản lý lại rất nhiều. Nào là phải thực hiện nghiên cứu khoa học theo định mức, nào là làm công tác cố vấn học tập và một số công việc khác khi được phâncông … Do đó, nếu không nhận được sự hỗ trợ từ gia đình, hay chạy vạy làm thêm việc khác, lương giảng viên không thể nuôi sống chính bản thân họ, chứ đừng nói tới việc lo cho cả gia đình. Tình trạng này cũng có sự khác biệt rõ rệt giữa từng địa phương, giữa các cơ sở giáo dục, … do đặc thù về vị trí, mức độ ưu tiên trong chính sách phát triển.
Thực tế cho thấy, hiện nay, rất khó để tìm ra một chuyên viên hay giảng viên đại học nào sống chủ yếu bằng lương dạy học. Rất nhiều người có nghề “tay trái”, mà đôi khi, trớ trêu thay, nó mang lại thu nhập cao hơn nghề “tay phải”. Miễn là mang lại giá trị kinh tế (và không vi phạm pháp luật), nhiều thầy cô giáo, nhiều tiến sĩ, hay giáo sư sẵn sàng bán quần áo, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng hay môi giới bất động sản. Giá cả nào cũng có, mặt hàng nào cũng có thể bán. Cứ thế, kinh tế chính không phải là cái nghề dạy học, mà cái nghề phụ ấy lại là cách dung dưỡng đam mê với sự nghiệp giáo dục – thứ họ đã trót yêu nhưng khó theo đuổi cho vẹn, cho tròn. Một mặt, đây là một “cứu cánh” đúng lúc, kịp thời cho biết bao thầy cô trong khi đợi chờ những thay đổi của thời cuộc. Mặt khác, nếu chúng ta không có các giải pháp căn cơ, hợp lý, rất có thể những nghề phụ này sẽ “giết chết” dần năng lực và trình độ của các chuyên gia, tiến sĩ.
Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là chuyện nên làm và đã làm từ rất lâu, nhưng quan trọng hơn cả là phải giữ chân được lực lượng này trong cơ cấu kinh tế nước nhà, đó là việc khó. Nhận thức được sự khó khăn, phức tạp của quá trình này, từ nhiều năm qua, Chính phủ đã không ngừng tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị, lấy ý kiến trong dân về việc cải cách chế độ tiền lương, cải cách hành chính và cải cách công tác nhân sự.
Phát biểu kết luận Hội nghị “Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập” vào tháng 08/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết: “Cần có cơ chế đào tạo, cải cách tiền lương, tạo môi trường làm việc tốt để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao trong khu vực nhà nước, thu hút, giữ chân những lao động có trình độ, kỹ năng tay nghề cao để chính họ trở thành nguồn lực, động lực trong mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội nhanh, bền vững”. Hay tại phiên họp hôm 27/10, Quốc hội cũng đã nhận được không ít ý kiến từ phía các đại biểu về sự cần thiết và cấp bách của cải cách chế độ tiền lương.
Trước số lượng nhiều cán bộ, công chức trong ngành giáo dục và ngành y thôi việc, đã đến lúc chúng ta cần nhanh chóng triển khai thực hiện cải cách tiền lương. Để người trẻ có trình độ cao tham gia và yên tâm công tác trong môi trường giáo dục chuyên nghiệp, cải cách chế độ tiền lương là bước đầu tiên và cũng là quan trọng nhất. Thời gian tới, mong rằng sẽ có nhiều chuyển biến tích cực hơn nữa trong câu chuyện này. Hy vọng sẽ không còn ai phải than phiền về tiền lương, không một tiến sĩ nào phải than trời khi học đến trình độ như thế rồi mà lương vẫn không đủ sống!
Khánh Đăng
Nguồn: Cánh cò