Ngày 27/ 10, Bộ Công an truy tố, bắt tạm giam thêm 2 bị can nữa ngay sau yêu cầu các địa phương liên quan đến “chuyến bay giải cứu” cung cấp chi tiết thông tin về việc tổ chức chuyến bay, công tác xét duyệt khách sạn, resort lưu trú cho người về nước. Càng mở rộng điều tra những điều đau đớn, nhức nhối càng thấy rõ…
Tào Đức Hiệp, (sinh năm 1976), nguyên Giám đốc Công ty TNHH Du lịch dịch vụ công đoàn đường sắt Việt Nam và Lê Thị Ngọc Anh, (sinh năm 1984), chuyên viên Phòng Nhà khách, Vụ Lễ tân (Ban đối ngoại Trung ương) vừa bị bắt giữ.
Đây dường như mới chỉ là những động thái đầu tiên trong quá trình điều tra mở rộng vụ án “chuyến bay giải cứu”. Dù vậy, với 25 bị can đã bị xướng tên cho đến lúc này, mà phần lớn trong số đó là các quan chức nhà nước, bị truy tố với 3 tội danh chủ yếu là “đưa hối lộ”, “nhận hối lộ”, “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Dư luận đang nóng lên với câu hỏi, tiền của người tham gia các “chuyến bay giải cứu” đã rơi vào túi của hàng loạt quan chức biến chất sẽ được xử lý thế nào? Liệu bị hại có được trả lại phần chênh lệch hay không?
Hiểu một cách đơn giản, để các “chuyến bay giải cứu” được cất cánh suôn sẻ, nhiều chữ ký đã được mua với rất nhiều tiền. Bằng những thủ đoạn tinh vi, các khoản hối lộ đã tìm đến đúng người, và số tiền cho “quan” thì sẽ được lấy lại từ “dân”. “Dân” ở đây, đương nhiên chính là những người đăng ký về nước.
Còn nhớ, trong giai đoạn diễn ra các “chuyến bay giải cứu”, khi dư luận thắc mắc về chi phí quá cao của một combo hồi hương, đã có không ít người cho rằng tiền đó không nhiều đối với việc được về Việt Nam. Khi được bảo vệ an toàn khỏi dịch bệnh và được đoàn tụ cùng gia đình trong hoàn cảnh hỗn loạn của thế giới bên ngoài.
Luận điệu này nghe có vẻ xuôi tai, vì được bổ sung thêm vài lý lẽ khá hợp lý như: lao động Việt Nam ở nước ngoài có các khoản dành dụm không nhỏ; họ tự nguyện đăng ký về nước; chuỗi cung ứng quốc tế bị gián đoạn nghiêm trọng nên giá dịch vụ tăng cao. Nhưng trên thực tế, đây lại là cách nói ngụy biện, tạo điều kiện cho những quan chức thoái hóa, biến chất có cơ sở để đánh lừa người dân, qua mặt các cơ quan quản lý, giám sát.
Theo người phát ngôn Bộ Công an, đã có gần 2.000 chuyến bay giải cứu được thực hiện, và sau khi trừ đi mọi chi phí, mỗi chuyến bay có lợi nhuận vài tỉ đồng. Vậy là, hàng nghìn tỷ đồng đã rơi vào túi những kẻ vừa bị bắt kia, và những kẻ còn đang núp trong bóng tối. Nhà nước không lấy được đồng thuế thu nhập cá nhân nào trong những khoản thu nhập kếch sù đó, vì tiền ăn lén không ai kê khai cả.
Rốt cuộc, những đồng tiền xương máu, có được từ lao động của hàng trăm nghìn người Việt Nam, phải lao lực hàng ngày, ăn không dám ăn, mặc không dám mặc, thậm chí, bệnh cũng không dám nghỉ làm, đã bị những bàn tay tham lam cướp lấy. Rồi đây, tòa án sẽ dành cho những kẻ hôm nay phải tra tay vào còng nhiều bản án xứng đáng. Nhưng còn người bị hại, họ sẽ được gì đây?
Ai sẽ trả lại cả những đồng tiền chênh lệch đã kê khống?Khi Nhà nước và Chính phủ lo lắng cho an toàn của công dân Việt Nam đang làm việc, học tập tại các nước có tình hình dịch bệnh phức tạp, và quyết tâm đưa họ về nước an toàn, bằng tất cả nguồn lực mà chúng ta thu xếp được, thì những người có trách nhiệm hiện thực hóa chủ trương nhân đạo này lại là những kẻ vô nhân đạo nhất, khi trục lợi trên nỗi sợ, và sự an nguy của chính đồng bào mình. Phẫn nộ thay!
Phạm Khoa
Nguồn: Cánh cò