Giữa bối cảnh chung đất nước trong quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch, vấn đề tăng lương không phải là điều dễ dàng. Tuy vậy, sự quan tâm thiết thực và sâu sát nhất đến từng ngành nghề, từng đối tượng lao động của Chính phủ thật đáng kỳ vọng.
Trung ương đồng ý điều chỉnh tiền lương trong năm 2023.
Thông tin từ Bộ Nội vụ cho thấy, chỉ tính riêng từ năm 2000 đến nay cả nước có tới 39.552 cán bộ, công chức viên chức nghỉ việc. Trong số đó, nhân sự ngành Y tế và giáo dục chiếm số lượng đáng kể. Nguyên nhân trực tiếp nhất đến từ việc mức lương hiện hành chưa đáp ứng được đời sống giữa thời buổi vật giá leo thang.
Theo các nghiên cứu xã hội gần đây, lương thấp, một mặt không thu hút được nhân tài, không kích thích được đội ngũ cán bộ công chức gắn bó với nhà nước, là nguyên nhân quan trọng dẫn đến tham nhũng và tiêu cực. Đã xảy ra tình trạng lợi dụng chức vụ để tham nhũng tiêu cực trong thi hành công vụ cũng làm giảm uy tín của nhà nước. Tại phiên thảo luận ở diễn đàn Quốc hội, Đại biểu Huỳnh Thanh Phương (Tây Ninh) cho rằng: “thu nhập chính từ lương hàng tháng hiện nay thấp đã và đang bào mòn sự liêm sỉ, nhân phẩm và lòng tự trọng của một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, viên chức“. Những vấn đề nhức nhối của xã hội đã diễn ra song hành cùng lý do thu nhập thấp, cuộc sống ngày càng đắt đỏ thật sự mang tính cấp thiết.
Trước năm 2020, mức lương cơ sở vẫn được duy trì điều chỉnh dao động từ 7- 8% mỗi năm. Tuy nhiên, việc Nhà nước tập trung ngân sách đẩy lùi dịch bệnh và phục hồi kinh tế đã dẫn đến chậm tăng lương 3 năm qua. Những khó khăn của Chính phủ đã được toàn dân chia sẻ bằng sự thống nhất tạm dừng tăng lương cơ sở trong thời gian ấy để ổn định ngân sách. Lộ trình cải cách tiền lương bị chậm lại, dẫn đến nhiều khó khăn trong đời sống người dân, điều ấy diễn ra mang tính tất yếu. Và đến nay, khi Trung ương giao Bộ Chính trị chỉ đạo Chính phủ hoàn thiện phương án điều chỉnh tiền lương năm 2023 để trình Quốc hội xem xét, thông tin ấy như một cơn mưa rào giữa mùa nắng hạn, làm nức lòng tất cả chúng ta. Đã đến lúc những vướng mắc khó khăn trong đời sống mang tên “thu nhập” được tháo gỡ, từ đó mọi thành phần xã hội mang khát vọng dựng xây cống hiến sẽ được viết tròn.
Được biết, trong những khoản bổ sung vốn cho chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội theo Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội thì bố trí nguồn để thực hiện cải cách tiền lương chiếm hơn 21.661 tỷ đồng. Con số ấy thể hiện sự nỗ lực vô cùng to lớn của Chính phủ xứng đáng với sự kỳ vọng và niềm tin của người dân. Trong điều kiện chưa thể cải cách căn bản tiền lương thì việc điều chỉnh tăng lương tối thiểu và lương cơ sở vùng cũng là điều tất cả chúng ta tha thiết mong đợi.
Khi chưa tròn các phương án tăng lương và phụ cấp cho đội ngũ y bác sĩ, giáo viên… để ổn định đời sống cho lực lượng quan trọng này, thì việc tăng lương cơ sở là một tín hiệu đáng mừng, góp phần giải tỏa những khó khăn trước mắt. Khi dân gửi nguyện vọng, chính phủ trao niềm tin, trao lời hứa và trao kết quả toại thành. Tại phiên họp tháng 6/2022 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Trung ương đã đồng ý điều chỉnh tiền lương trong năm 2023. Giữa thực trạng đời sống người dân gặp khó khăn do lương thấp, vật giá đắt đỏ do lạm phát, sự quan tâm quyết liệt và nhanh chóng ấy khiến mọi tầng lớp nhân dân vô cùng phấn khởi và đặt trọn niềm kỳ vọng!
Hạnh Phúc
Nguồn: Cánh cò