Kê khai tài sản cũng như công khai bản kê khai tài sản, thu nhập của cá nhân không phải là việc mới. Tuy nhiên, lần này vấn đề thu hút sự quan tâm của dư luận khi Thanh tra Chính phủ sẽ lựa chọn ngẫu nhiên 30 cán bộ, công chức để xác minh tính trung thực của bản kê khai và bản giải trình về nguồn gốc tài sản.
Ảnh minh họa. (Nguồn: lsvn.vn)
Kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập năm 2022 của Thanh tra Chính phủ nêu rõ: Việc làm này nhằm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng 2018, Nghị định 130/2020 của Chính phủ về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Theo kế hoạch, Thanh tra Chính phủ chọn ra 7 đơn vị để xác minh, gồm: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam và Tập đoàn Hóa chất Việt Nam.
Theo đó, Thanh tra Chính phủ sẽ lựa chọn ngẫu nhiên 30 cán bộ, công chức có phụ cấp chức vụ từ 0,9 trở lên tại 7 bộ, ngành trên để xác minh tài sản trong đó có 8 người ở Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 5 người ở Bộ Tài nguyên và Môi trường, 5 người ở Bộ Xây dựng và các đơn vị còn lại mỗi nơi 3 người.
Được biết, thanh tra sẽ tập trung xác minh 2 nội dung là tính trung thực, rõ ràng, đầy đủ của bản kê khai; và tính trung thực trong bản giải trình về nguồn gốc của tài sản thu nhập tăng thêm. Danh sách người được xác minh sẽ được lựa chọn ngẫu nhiên bằng hình thức bốc thăm.
Nhiều năm qua, việc kê khai tài sản, thu nhập cũng đã được tiến hành, tuy nhiên một số ý kiến cho rằng đây đó vẫn còn mang tính hình thức, còn những tồn tại, bất cập. Trong đó, tính xác thực của những bản kê khai cũng như tính trung thực của người kê khai vẫn rất khó kiểm soát, thiếu công cụ, biện pháp xác minh liên thông đồng bộ giữa các cơ quan chức năng liên quan đến đăng ký biến động tài sản, thuế, ngân hàng…
Do đó, Nghị định số 130/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định, cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập lựa chọn ngẫu nhiên người được xác minh bằng hình thức bốc thăm hoặc sử dụng phần mềm máy tính để kiểm tra được dư luận đồng tình cao. Đây là biện pháp nhằm hiện thức hóa quy định của pháp luật về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn.
Thời gian qua, một số cơ quan, đơn vị đã triển khai việc này theo quy định. Điều này thể hiện rất rõ trong Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022. Báo cáo thông tin, về kiểm soát tài sản, thu nhập trong kỳ đã có 542.337 người thực hiện kê khai tài sản, thu nhập. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt định hướng xác minh tài sản, thu nhập năm 2022 và các bộ, ngành, địa phương đã khẩn trương triển khai việc xác minh tài sản, thu nhập đối với người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập được lựa chọn ngẫu nhiên. Đến nay có 7.662 người được xác minh tài sản, thu nhập; 4.934 số cơ quan, tổ chức, đơn vị đã được kiểm tra việc thực hiện. Qua xác minh có 74 người kê khai chưa đúng quy định, đã chấn chỉnh, kiểm điểm, xử lý theo quy định.
Có thể nói, việc kê khai tài sản và công khai thu nhập được nhiều quốc gia trên thế giới chú trọng. Đây là các hoạt động nhằm ngăn ngừa tham nhũng, ngăn chặn sự độc quyền, lạm quyền, rửa tiền và thao túng chính trị. Tuy nhiên, việc này ở nước ta đến nay vẫn được xem là vấn đề “nhạy cảm”. Do đó, độ tin cậy của thông tin kê khai chủ yếu vẫn phụ thuộc vào ý thức tự giác và tính trung thực của những người thuộc diện phải kê khai.
Do đó, nhiều người cho rằng, việc xác minh tài sản, thu nhập ngẫu nhiên của người phải kê khai là việc làm rất đúng đắn, tạo sự công bằng với mọi cán bộ, công chức. Đây cũng là hành động nhằm nhắc nhở, cảnh báo cho tất cả những người thuộc diện phải kê khai tài sản dù có che giấu kỹ, khôn khéo đến đâu thì bất kỳ lúc nào cũng có thể nằm trong diện bị xác minh.
Tuy nhiên, để việc này được thực hiện nghiêm túc thì cần phải thực hiện nghiêm những quy định của Đảng, Nhà nước đối với những trường hợp không trung thực trong kê khai. Điều đó buộc người kê khai “không dám”, “không muốn”, “không thể” không kê khai trung thực. Trong trường hợp bị phát hiện kê khai gian dối cần phải được xử lý nghiêm minh mới có tính răn đe, giáo dục.
Thậm chí một số ý kiến cho rằng, để phát hiện tài sản bất minh và không trung thực trong các bản kê khai tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai, ngoài việc lựa chọn ngẫu nhiên để xác minh tài sản, thu nhập thì cần phải đa dạng các hình thức công khai, minh bạch. Đó là có thể công khai bản kê khai tài sản, thu nhập trên Cổng/Trang thông tin điện tử hoặc niêm yết thường xuyên tại trụ sở cơ quan, đơn vị công tác và nơi cư trú; có cơ chế tiếp nhận và xử lý đối với đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trong việc kê khai tài sản, thu nhập; xây dựng cơ chế để kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ có chức quyền và người thân của họ, kể cả cha mẹ, họ hàng để tránh việc tẩu tán tài sản…
Luật Phòng, chống tham nhũng (năm 2018) và Nghị định số 130/2020 của Chính phủ quy định rất rõ là nếu người kê khai bị kết luận là không trung thực thì tùy mức độ, tính chất có thể bị xử lý từ khiển trách, cảnh cáo đến miễn nhiệm. Bên cạnh đó, trường hợp đã được quy hoạch vào các chức danh lãnh đạo, quản lý thì còn bị đưa ra khỏi danh sách quy hoạch; trường hợp người được dự kiến bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, phê chuản, cử giữ chức vụ mà kê khai không trung thực thì không được bổ nhiệm, phê chuẩn hoặc cử vào chức vụ dự kiến….
Thực tế cho thấy, kê khai tài sản không phải là giải pháp chính để phát hiện tham nhũng. Đây chỉ là một trong những phương thức để làm minh bạch hóa một phần các hoạt động sở hữu tài sản. Tuy nhiên, không ít cán bộ, đảng viên có chức có quyền sở hữu những khối tài sản “khổng lồ” mà thu nhập từ công việc của họ không thể nào có được. Do đó, trong quá trình xác minh tài sản, nếu người được xác minh không giải thích được nguồn gốc những tài sản đó thì cơ quan chức năng sẽ tiến hành các bước tiếp theo, để làm rõ. Đây cũng chính là bước để đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực, làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên./.
Thu Hà