Trang chủ Luận bàn - Phản biện Hiểu sai về… trí thức?

Hiểu sai về… trí thức?

112
0

Để một xã hội tiến nhanh, tiến mạnh về phía của văn minh, không thể không có sự đóng góp của đội ngũ trí thức. Đó là lớp người tinh hoa, là lực lượng thúc đẩy xã hội chuyển mình. Do đó, ý thức về vai trò và vị trí của trí thức trong dòng chảy lịch sử, văn hoá của nước nhà chưa bao giờ là thừa. Nhưng phát biểu của NSND Giang Mạnh Hà về việc đặt các đạo diễn, nghệ sĩ vào hàng “trí thức bậc cao” lại đang cho thấy một thực tế đáng ngại: Liệu chúng ta có đang hiểu sai về “trí thức”?

Hiểu sai về… trí thức?Đạo diễn, Nghệ sĩ nhân dân Giang Mạnh Hà cho biết các đạo diễn được xếp vào hạng trí thức tầng bậc cao.

Được biết, tại buổi khai mạc lớp tập huấn đạo diễn trẻ do Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức, đạo diễn sân khấu Giang Mạnh Hà rao giảng: “Bác sĩ, kỹ sư, nhà giáo… cũng là trí thức. Nhưng đạo diễn là trí thức tầng bậc cao. Người ta minh định rằng đạo diễn còn là một nhà văn hóa”. Ở đây chúng ta hoàn toàn có thể thấy, vị đạo diễn này đang phân cao – thấp cho những người thuộc hàng ngũ trí thức. Một sự phân biệt khá rạch ròi rằng chỉ có những người làm nghệ thuật (mà cụ thể là làm đạo diễn) mới thuộc lớp “tinh anh” nhất trong những người tinh anh.

Xưa nay, chưa từng ai dám tự tin đưa ra một tuyên bố xanh rờn như thế, tự nhận mình là một bậc trí thức đã hiếm, “một trí thức bậc cao” hay một “nhà văn hoá” càng hiếm hơn gấp bội. Bởi lẽ, theo giáo sư Nguyễn Văn Tuấn: Trí thức có thể hiểu là người làm cho xã hội lúc nào cũng thức tỉnh. Để làm cho xã hội thức tỉnh, người trí thức phải hội đủ ba yếu tố: Có kiến thức, nhiều ý tưởng mới, giá trị và tự nguyện. Một bậc trí thức không cần phải có bằng cấp, càng không nhất thiết phải có bằng cấp mới là trí thức.

Sự tự nguyện và khiêm cung chính là cái vốn quý của người trí thức. Biết lo trước cái lo của số đông và trăn trở trước từng bước đi của dân tộc là hai trong số nhiều đặc trưng của trí thức Việt Nam thời đại mới. Do đó, sự nhận thức về “trí thức bậc cao” của vị đạo diễn trên có vẻ như hơi thiên lệch và có phần vọng tưởng, tâng bốc quá đà.

Tự nhận mình và những người cùng thuộc nhóm nghề nghiệp với mình là “cao” hơn người khác là bước đầu tiên để tự mình thoát ly khỏi đội ngũ trí thức vậy. Vì một trí thức thực thụ, sẽ không tự nhận hay tự cao rằng mình là trí thức. Ở đây, phát ngôn của vị đạo diễn đã cho thấy ông thực sự chưa tường minh hết khái niệm, đặc điểm của trí thức.

Chưa kể, vị đạo diễn còn hiểu sai và vô tình gây ra những tranh cãi không đáng có. Nguy hiểm hơn, trong một sự kiện được truyền thông rộng rãi vửa qua, tác hại của phát ngôn trên càng thêm nghiêm trọng. Vì nó được nói ra bởi một người nghệ sĩ, một giảng viên có nhiều năm tham gia vào sự nghiệp phát triển văn hoá, giáo dục của nước nhà.

Nếu là một người bình thường hiểu sai, cùng lắm là những người xung quanh họ hiểu sai theo, nhưng, với một người làm văn hoá và làm giáo dục, tác động sẽ rất lớn. Cả một thế hệ người, trong ngần ấy năm, không phải là một con số nhỏ.

Và hãy thử tưởng tượng, những người đó sẽ mang tư tưởng, quan điểm của người thầy đi truyền trao cho bao thế hệ khác nữa. Thế là, chúng ta có một đội ngũ “trí thức bậc cao mới”, luôn bị bủa vây bởi sự ảo tưởng, tự cao và thành kiến.

Từ phát biểu gây tranh cãi của vị đạo diễn, NSND Giang Mạnh Hà, chúng ta càng thấy được tầm quan trọng của trí thức. Hiểu sai về trí thức và có những thành kiến xung quanh lớp người này cần phải được xem xét nghiêm túc và cẩn thận. Đây là lực lượng quan trọng thúc đẩy xã hội tiến gần đến văn minh, do đó, mọi sự nhập nhằng và mơ hồ về trí thức chính là trở lực kìm hãm xã hội đi lên.

Khánh Đăng

Nguồn: Cánh cò

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây