Câu chuyện một công chức ở Đà Nẵng xem tiền như rác đã qua, nhưng vẫn còn nhiều điều khiến chúng ta cần suy ngẫm. Đó chính là cách ứng xử với tiền mệnh giá nhỏ.
Hình ảnh người đàn ông ném tung tóe tiền trong quán ăn.
Một số siêu thị hiện nay đang mặc nhiên “chiếm dụng” tiền của khách hàng bằng việc thay thế 500 đồng cho một gói đường. Nếu bạn không đồng ý hoặc là không lấy đường, hoặc là phải mua thêm cho đủ chẵn tiền là vì vốn dĩ, cửa hàng không có tiền thối lại. Có thể khách hàng không để ý nhưng nếu tổng kết lại cuối ngày số tiền ấy quy ra doanh thu cũng không phải là nhỏ. Dù là chiếm dụng nhưng tại sao họ vẫn ngang nhiên làm được điều đó. Đơn giản vì chính đại đa số chúng ta cũng không “thiết tha” gì với 1.000 đồng hay 500 đồng ấy.
Trong khi thực tế, tiền lẻ hay tiền chẵn chỉ là cách gọi dân dã trong cuộc sống hàng ngày, còn trong các quy định chính thức không có những khái niệm này. Tiền chẵn hay tiền lẻ thì cũng đều là đồng tiền pháp định của Việt Nam, có khác chăng chỉ là về kích thước, hình thức và mệnh giá.
Hãy để ý một số nước phát triển có nền giáo dục vượt trội, cách các bậc cha mẹ dạy cho con sử dụng và quý trọng đồng tiền rất đáng để suy ngẫm. Những đứa trẻ từ rất sớm đã được tiếp xúc với tiền và chúng được học cách phải lao động để được trả công. Và nếu như muốn mua bất cứ thứ gì mà chúng muốn thì các em phải học được cách tiết kiệm, cất giữ và trân trọng những đồng xu mệnh giá nhỏ. Cuốn sách “Vô cùng tàn nhẫn, vô cùng yêu thương” là một minh chứng về cách người Do Thái dạy con quý trọng những điều đồng tiền mệnh giá nhỏ hay đến nhường nào.
Nói thế để thấy rằng, một phần người lớn của chúng ta đang bỏ qua một phương pháp giá dục vô cùng quan trọng đối với trẻ nhỏ. Bởi vậy nên mới xuất hiện tình trạng những đứa trẻ thản nhiên xé bỏ bao lì xì trong dịp tết trước mặt người lớn để coi mệnh giá tiền. Nếu nhỏ quá, chúng sẽ ném trả và bỏ đi chơi trong nỗi chưng hửng của người cho và trong sự xấu hổ của các bậc cha mẹ. Chúng ta thường chặc lưỡi lấp liếm với nhau rằng, “trẻ nhỏ mà, chúng biết gì”. Nhưng rõ ràng nếu sòng phẳng nhìn nhận thì điều này xuất phát từ lỗ hổng rất lớn trong cách dạy về tiền bạc của các bậc cha mẹ hiện nay.
Hãy lắng nghe lời chia sẻ của những doanh nhân làm giàu chân chính. Họ rất trân trọng đồng tiền do mình làm ra và rất có ý thức trong chi tiêu, không bao giờ tiêu xài hoang phí. Bởi chỉ có những người vất vả nỗ lực hết mình mới cảm thấy quý trọng với thành quả mình làm ra dù là mệnh giá nào đi chăng nữa. Vì thế, ngay từ nhỏ, con họ đã rất trân trọng những đồng tiền tự mình kiếm được, biết cách tích cóp và làm chúng sinh sôi nảy nở để có số vốn của riêng mình.
Ở bất kỳ quốc gia nào, rẻ rúng đồng tiền đều là vi phạm pháp luật, vì tiền chính là biểu tượng của quốc gia. Ai chê tiền, thậm chí dùng kẹo hay các vật có giá trị nhỏ khác để thay thế “tiền lẻ”, cũng là sự thiếu tôn trọng đối với sức lao động của người khác. Vì vậy, thay đổi cách nhìn đối với tiền mệnh giá nhỏ cũng là một trong những cách hay đáng học hỏi.
Công Luân
Nguồn: Cánh cò