Từ năm 2000, Văn phòng giám sát và chống buôn người (TIP) trực thuộc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ bắt đầu công bố Báo cáo thường niên về tình hình buôn người trên phạm vi toàn cầu. Đồng thời, cơ quan này cũng phân loại các quốc gia dựa theo sự tuân thủ của chính phủ những nước này với hệ thống quy định trong Đạo luật Bảo vệ nạn nhân buôn người (TVPA) được Hoa Kỳ thông qua năm 2000.
Báo cáo về tình hình buôn người của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ: sản phẩm gây nhiều tranh cãi!
Thí dụ trong bài viết “Nâng cao hiệu quả của luật pháp quốc tế về chống buôn người: Tầm nhìn cho tương lai trong các báo cáo tình hình buôn người của Hoa Kỳ”, đăng trên tạp chí Đánh giá nhân quyền – Nhà xuất bản Springer ngày 1/12/2010, tác giả Anne T.Gallagher nhận định: “Báo cáo nên dựa trên quy định của pháp luật của quốc tế về chống mua bán người thay vì chỉ dựa theo tiêu chí do chính trị gia Hoa Kỳ áp đặt”.
Tương tự, trong bài viết “Thế giới bóng tối của lao động tình dục xuyên biên giới” đăng trên tờ The Guardian ngày 19/11/2008, nhà báo Laura Agustín đưa ra bình luận: “Báo cáo về tình hình buôn người của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ chỉ dựa trên phỏng đoán của CIA, cảnh sát và đại sứ quán Hoa Kỳ tại các nước mà không dựa trên sự khác biệt về văn hóa và các tầng lớp xã hội”.
Năm 2016 doanh nghiệp xã hội Seefar – một tổ chức có nhiều hoạt động kinh doanh vì mục tiêu xã hội tại các nước Đông Nam Á cho rằng các báo cáo TIP đưa ra quá nhiều khuyến nghị không phù hợp với bối cảnh và năng lực của một số quốc gia. Bên cạnh đó, tổ chức này cũng lưu ý rằng phần lớn khuyến nghị trong các báo cáo TIP không mang tính kế thừa bền vững, thiếu tầm nhìn dài hạn…
Dù nhận được nhiều góp ý từ các tổ chức quốc tế, giới học giả cho đến báo chí, các báo cáo TIP vẫn không cho thấy sự điều chỉnh cải thiện cách nhìn để bảo đảm sự khách quan, công bằng.
Điều này dễ hiểu vì sao Mỹ, Anh, Đài Loan,… những quốc gia đồng minh, thân cận với Mỹ luôn được xếp hạng nhất về chống buôn người, còn các quốc gia xếp hạng 3, túc lọt vào danh sách đen thì toàn là các quốc gia bị Mỹ chống trên mọi lĩnh vực, như Nga, Cuba, Trung Quốc, Triều Tiên,…
Việc Báo cáo TIP 2022 được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố mới đây tiếp tục đưa ra nhiều nhận định phiến diện, sai sự thật về tình hình phòng, chống mua bán người ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam ngay lập tức đã bị Việt Nam lên tiếng phản đối. Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết Báo cáo năm 2022 về tình hình mua bán người trên thế giới của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ chứa các thông tin không xác thực, không phản ánh đầy đủ, chính xác về tình hình và nỗ lực phòng, chống mua bán người của Việt Nam.
Trước những đánh giá phiến diện, vô lý được nêu trong Báo cáo TIP 2022 chính quyền nhiều nước đã bày tỏ thái độ bất bình. Ngoài ra, có thể kể đến phản ứng của các nghiệp đoàn tại Malaysia được phản ánh trên tờ The Star Malaysia ngày 24/7/2022 khi họ đặt nghi vấn về độ tin cậy của các bên đứng sau Báo cáo TIP 2022 vì thiếu cơ sở, phương pháp đánh giá và cách thức thu thập bằng chứng trước khi đưa ra kết luận.
Gay gắt hơn, Chính quyền Đặc khu hành chính Hồng Kông (Trung Quốc) phát biểu trên trang Tin tức ngày 20/7/2022 tuyên bố Báo cáo TIP 2022 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa Hồng Kông vào Danh sách theo dõi Cấp 2 là không công bằng và không phản ánh đúng sự thật; đồng thời lên án những người lập ra báo cáo cố tình can thiệp vào hệ thống pháp luật hiện tại của vùng lãnh thổ này.
Những năm qua, dù không đồng tình với nội dung được nêu trong các báo cáo TIP hằng năm, Chính phủ Việt Nam vẫn giao lưu, hợp tác, tiếp thu kinh nghiệm với Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ trong đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người, đồng thời nghiêm túc xem xét, giải quyết các khuyến nghị được nêu ra trong từng báo cáo.
Báo cáo TIP 2022 đã thiếu sự nhìn nhận, đánh giá khách quan, dẫn đến kết quả đưa ra không phản ánh đúng tình hình thực tế, gây bức xúc dư luận. Điều này chắc chắn sẽ làm giảm uy tín, giá trị của các bản báo cáo TIP đối với Việt Nam cũng như các quốc gia khác trên thế giới. Những kẻ đang hoan hỉ với báo cáo này, đương nhiên là những kẻ chống phá Việt Nam với ảo tưởng rằng, đây là động thái chính phủ Mỹ muốn trừng phạt Việt Nam về nhân quyền và tiếp tay cho chúng có cớ xuyên tạc, hạ uy tín Việt Nam, nhất là trong bối cảnh Việt Nam ứng cử thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025 tới đây. Song chắc chắn, kết quả sẽ lại khiến chúng thất vọng như cuộc vận động tẩy chay Việt Nam trong lần ứng cử HĐNQ LHQ lần trước, Việt Nam đã đạt số phiếu ủng hộ cao nhất, áp đảo nhất trong số các quốc gia ứng cử.
Nguồn: Võ Khánh Linh Blog