Những ngày qua, dư luận bàng hoàng với câu chuyện lang băm thiêu xác bệnh nhi sau một tháng được người nhà gửi chữa “bệnh chậm phát triển” với giá 600 triệu đồng/ 3 tháng.
Căn nhà cấp 4 nơi ông Q. thuê để hành nghề chữa bệnh trái phép.
Khi nghe diễn tiến câu chuyện, nhiều người sẽ thấy khó hiểu với quá nhiều điểm “mờ”, gây thắc mắc. Giải thích thế nào khi chỉ là mối quan hệ “quen biết” lại có thể khiến người cha tin tưởng giao con, giao tiền một cách dễ dàng, chóng vánh đến vậy?
Có lý do nào thuyết phục người nghe khi một người cha yêu thương con đến nỗi phải chạy vạy vay cho được 600 triệu đồng chữa bệnh cho con lại không hề quan tâm đến chỗ con mình ở thực tế ra sao? Để mãi đến khi đứa trẻ đã mất, họ mới biết “căn biệt thự” theo lời lang băm quảng cáo thực ra chỉ là một căn nhà cấp 4 tồi tàn.
Sau khi con mất, người cha viết đơn tố cáo kẻ thiêu xác con mình, nhưng 10 ngày sau lại rút đơn. Cơ quan điều tra mời đến cho thông tin, thì hết lần này đến lần khác thoái thác vì nhiều lý do.
Ở đây, người viết không có ý chỉ trích cha của em bé, vì gia đình dẫu nói thế nào cũng là những người đau lòng nhất trong vụ việc này. Chỉ muốn nói rằng, chính sự qua loa, chần chừ của những người liên quan, mà một tội ác (nếu có) đã chậm bị phát hiện, xử lý, gây khó cho cơ quan điều tra.
Ông Q. và bà T. lúc làm đám tang cho cháu Q.
Dân gian có câu: “Có bệnh thì vái tứ phương”. Lợi dụng tâm lý lo lắng cho người thân khi có bệnh tật, đặc biệt các bệnh đặc thù như tâm thần, bại liệt, câm, điếc bẩm sinh hay hội chứng tự kỉ… những lang băm (có kẻ núp bóng người thực hành tâm linh) tha hồ tô vẽ khả năng “chữa bệnh như thần” của mình, kéo theo đám người được cho là “ê-kíp hỗ trợ”, đưa thân nhân người bệnh vào mê hồn trận. Kết quả là lang băm nói gì, thân nhân người bệnh tuân theo răm rắp, kể cả đưa rất nhiều tiền với danh nghĩa chữa bệnh.
Một điểm đáng chú ý, nạn nhân trực tiếp trong các vụ việc đau lòng thường là trẻ em hoặc bị chậm phát triển, hoặc bị bại liệt, câm, điếc bẩm sinh. Trí tuệ non nớt, khiếm khuyết của các em đã bị những kẻ dã tâm đội lốt thầy lang trục lợi, vì chúng quá dễ dàng che đậy tội ác, qua mặt người thân của các em. Những đứa trẻ tội nghiệp này làm sao có đủ ý thức để phản kháng hay kêu cứu?
Chuyện quá nhiều nghịch lý như vậy đã và vẫn xảy ra, buộc chúng ta phải nghiêm túc xem lại các lỗ hổng trong việc tuyên truyền pháp luật và kiến thức khám chữa bệnh đến người dân.
Làm sao để người dân hiểu được, có bệnh phải đến các cơ sở y tế chính quy, để thăm khám và nhận phác đồ điều trị, chứ không phải nghe rỉ tai truyền miệng “thần y” thì đã vội vàng tin, để rồi tiền mất tật mang, có khi còn mất mạng.
Nâng cao dân trí, phổ cập pháp luật, đem thông tin đúng đến tai người dân là câu chuyện dài, cần nhiều cơ quan chung tay, xem ra dễ mà không dễ!
Phạm Khoa
Nguồn: Cánh cò