Thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) ở Việt Nam có những bước tiến quan trọng, rất đáng ghi nhận.
Thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) ở Việt Nam có những bước tiến quan trọng, rất đáng ghi nhận. Thế nhưng, với những âm mưu, thủ đoạn thâm độc, các thế lực thù địch vẫn ra sức phủ nhận thành quả PCTN của Đảng và dân tộc Việt Nam. Chúng quy chụp rằng: Tham nhũng ở Việt Nam là hệ quả của việc Đảng Cộng sản Việt Nam độc quyền lãnh đạo và việc PCTN thực chất chỉ là một cuộc thanh trừng nội bộ. Đây là luận điệu xuyên tạc, bịa đặt, phải kiên quyết đấu tranh bác bỏ.
1. Mới đây, RFA đăng bài viết “Thuốc đặc trị chữa tham nhũng: Thay đổi thể chế”. Bài viết có nhiều nội dung lật lọng, đả kích, cho rằng: Việt Nam từ nhiều năm qua ra quyết tâm chống tham nhũng nhưng vẫn có hàng trăm cán bộ cấp cao bị kỷ luật bằng nhiều hình thức do tham nhũng. Liệu có diệt được tham nhũng trong thể chế hiện hành hay không? Trên cơ sở đó, tác giả bài viết hồ đồ “hiến kế”, cho rằng ở Việt Nam muốn chống tham nhũng thì phải thay đổi hoàn toàn cơ chế hiện tại.
Với ý đồ tương tự, một số bài viết đăng trên báo mạng nước ngoài đặt điều cho rằng, ở Việt Nam nên có sự cạnh tranh lãnh đạo giữa các đảng phái mới có thể phát hiện ra những “ung nhọt” hạn chế, yếu kém của nhau; qua đó mới giúp công tác PCTN chuyển biến thực chất. Cùng với đó, chúng còn vu cáo Đảng, Nhà nước Việt Nam đang ở thế “lưỡng nan đối nghịch” với hàm ý chống tham nhũng nhưng ngại thay đổi thể chế chính trị, rồi giả danh những người yêu nước để hiến kế “một cách nghĩa hiệp”…
Các bài viết trên cũng tập trung phủ nhận kết quả đấu tranh PCTN, tiêu cực của Đảng, Nhà nước ta. Chúng rêu rao, Đảng, Nhà nước Việt Nam đã và đang ra sức phát động PCTN, tiêu cực nhưng đều không thành công, thậm chí, vấn nạn này ngày càng gia tăng rộng khắp. Bởi “bới” chỗ nào cũng ra tham nhũng, sờ đến đâu thì kỷ luật cán bộ đến đấy. Viện dẫn bằng chứng cho những suy diễn đó, chúng chắp vá một số vụ việc tham nhũng, tiêu cực, suy thoái, biến chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên được phát hiện trong thời gian gần đây, rồi quy chụp hiện tượng thành bản chất, quy chụp những sự vụ đơn lẻ thành lỗi hệ thống.
Tranh minh họa. Nguồn: Tuyengiao.vn
Những lập luận, suy diễn trên hoàn toàn thiếu cơ sở; với mưu đồ gây nhiễu loạn thông tin dư luận, gây bất lợi cho công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị ở Việt Nam. Bởi vì, tham nhũng, tiêu cực, suy thoái, biến chất là hiện tượng mang tính xã hội, tồn tại ở các quốc gia, do quyền lực nhà nước bị thao túng, tha hóa gây ra, không phân biệt chế độ xã hội, thể chế chính trị nào, chế độ đa đảng hay một đảng lãnh đạo. Có nghĩa, ở bất cứ nơi nào có quyền lực và quyền lực chính trị mà bị tha hóa, lạm dụng thì nơi ấy sinh ra tham nhũng. Nói đến nhà nước là nói đến quyền lực-một quyền lực to lớn và sự lạm quyền, lộng quyền, quyền lực có nguy cơ bị “tha hóa” là điều dễ xảy ra; tham nhũng là “khuyết tật bẩm sinh của quyền lực”. Tham nhũng là “căn bệnh” của nhà nước, có nhà nước là có tham nhũng, có chăng chỉ khác nhau ở mức độ nghiêm trọng.
2. Lịch sử nhân loại cho thấy, chế độ một đảng lãnh đạo hoàn toàn không phải là “cha đẻ” của tệ nạn tham nhũng, suy thoái, biến chất trong giới cầm quyền. Mà thực chất, tham nhũng là tệ nạn nhức nhối, xảy ra ở nhiều quốc gia trên thế giới; trong số đó, đa số là các quốc gia thực hiện chế độ đa đảng lãnh đạo, tam quyền phân lập, do giai cấp tư sản lãnh đạo. Không ít quốc gia theo chế độ đa đảng, tình trạng tham nhũng diễn ra trong hệ thống công quyền đã trở thành mối nguy hại lớn, thậm chí đã leo đến tận các nguyên thủ quốc gia. Từ năm 1995, Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI) đã công bố chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) hằng năm (dựa trên dữ liệu từ 13 nguồn bên ngoài, bao gồm Ngân hàng Thế giới, Diễn đàn Kinh tế thế giới, rủi ro tư nhân, các công ty tư vấn và các tổ chức khác). Đây là chỉ số toàn cầu hàng đầu về tham nhũng trong khu vực công, cung cấp một cái nhìn tổng thể hằng năm về mức độ tham nhũng tương đối ở 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Điều đó cho thấy, tham nhũng là vấn nạn chung của mọi quốc gia, chứ không thuộc bất cứ đất nước, hay bộ máy chính quyền nào.
Để PCTN hiệu quả, các quốc gia trên thế giới đều xây dựng cho mình những chiến lược dài hạn với thái độ và phương thức tiến hành rất quyết liệt, mạnh mẽ. Ví như, Trung Quốc ban hành các văn bản quy định về giáo dục đạo đức và xây dựng tác phong liêm chính trong cán bộ đảng và nhà nước. Luật Chống tham nhũng (năm 1989) của Singapore cho phép tòa án tịch thu tài sản của công chức nếu họ không giải thích được nguồn gốc tài sản đó. Thái Lan yêu cầu các cơ quan chức năng phải xem xét tất cả đơn thư tố giác của người dân về tham nhũng, dù có ký tên hay không ký tên. Một số nước như Brazil, Colombia, Singapore… thiết lập các đường dây nóng để thu nhận tin tức về tội phạm nói chung và tham nhũng nói riêng. Thực tế đó cho thấy, dù là quốc gia nào, chế độ nào, thời kỳ nào cũng đều sinh ra tham nhũng và vấn nạn này hoàn toàn không phải là “con đẻ” của chế độ một đảng lãnh đạo.
Do đó, việc một số cá nhân, tổ chức thù địch, thiếu thiện chí cho rằng, tham nhũng, tiêu cực, suy thoái, biến chất là “căn bệnh nan y”, chỉ xảy ra ở các quốc gia do Đảng Cộng sản lãnh đạo hay ở quốc gia do một đảng lãnh đạo, cầm quyền là hoàn toàn không đúng với thực tế và hòng hiện thực những thủ đoạn chính trị thâm độc, xấu xa. Trước hết, chúng hướng đến việc tạo nên sự hoài nghi, hoang mang, dao động, gây lầm tưởng tham nhũng phức tạp là do chế độ một đảng lãnh đạo, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với chế độ. Đồng thời, thông qua đó, các đối tượng nhằm phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với sự nghiệp cách mạng và toàn xã hội; mà trực tiếp, trước hết là sự lãnh đạo của Đảng đối với công cuộc PCTN, tiêu cực.
3. Lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta cho thấy, cùng với quyết tâm xây dựng bộ máy nhà nước dựa trên pháp trị, các triều đại phong kiến Việt Nam rất quan tâm đến việc PCTN. Hơn một nghìn năm trước, Triều Lý (1009-1225) đã đề ra những quy định khắt khe và rất cụ thể để ngăn ngừa và trừng trị hành vi tham ô, ăn trộm của công của quan lại. Đến Triều Lê Sơ, Bộ luật Hồng Đức có 722 điều, trong đó có hơn 40 điều liên quan đến việc PCTN. Các triều đại kế tiếp, việc chống tham nhũng được coi trọng; quan tâm ngăn ngừa, loại bỏ các mối quan hệ thân tộc, gia đình, đồng hương, bè cánh, tránh tình trạng bao che, thông đồng để thực hiện những hành vi tham nhũng… Đặc biệt, trong lịch sử dân tộc Việt Nam còn lưu truyền một lễ hội quan trọng thường được tổ chức dịp đầu năm-Lễ hội “Thề không tham nhũng”.
Trải qua các thời kỳ cách mạng, Đảng, Nhà nước ta luôn xác định tham nhũng, tiêu cực là “giặc nội xâm”; một trong các nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ, cản trở tiến trình phát triển của đất nước, phải kiên quyết đấu tranh loại ra khỏi đời sống xã hội. Đảng ta kiên định, phải chủ động phòng ngừa, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực; xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi tham nhũng, lãng phí, hành vi bao che, dung túng, tiếp tay cho tham nhũng. Kết hợp giữa xây và chống, phòng ngừa gắn liền với xử lý nghiêm minh mọi hành vi tham nhũng; không có ngoại lệ, không có “vùng cấm” trong chống tham nhũng ở Việt Nam.
Đặc biệt, thời gian qua, công tác PCTN, tiêu cực được Đảng, Nhà nước tiến hành một cách công khai, minh bạch, quyết liệt từ Trung ương đến cơ sở. Hàng loạt cán bộ cấp cao sai phạm thuộc diện Trung ương và địa phương quản lý đều bị xử lý nghiêm minh, đúng người, đúng tội. Kết quả đánh giá tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác PCTN, tiêu cực (giai đoạn 2012-2022) được Bộ Chính trị tổ chức vào ngày 30-6-2022, cho thấy: Chỉ trong 10 năm qua, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 2.700 tổ chức đảng, gần 168.000 đảng viên, trong đó có hơn 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng. Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kỷ luật hơn 170 cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý, trong đó có 33 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương Đảng… Đây thực sự là những con số biết nói và là minh chứng sinh động nhất cho việc Đảng Cộng sản Việt Nam không khoan nhượng với “giặc nội xâm” và trong chế độ một đảng lãnh đạo, tham nhũng luôn bị đấu tranh loại bỏ đến tận cùng. Quyết tâm PCTN trong thời gian tới, cũng được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần bày tỏ, khẳng định: “Phải tiếp tục đẩy mạnh PCTN, quyết liệt, thường xuyên, liên tục, với quyết tâm cao hơn, mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn”.
4. Kết quả PCTN giúp Việt Nam không ngừng ổn định, phát triển, tạo thế và lực của đất nước trên trường quốc tế. Đặc biệt, từ kết quả PCTN, niềm tin của nhân dân dành cho Đảng Cộng sản Việt Nam và chế độ xã hội chủ nghĩa được nâng lên. Tuy nhiên, PCTN là cuộc chiến phức tạp, còn kéo dài với nhiều gian khổ, hiểm nguy nên tinh thần là phải tiếp tục làm, làm quyết liệt, làm tập trung, dứt điểm; đòi hỏi sự kiên quyết, kiên trì, chung sức, đồng lòng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta. Để thực hiện điều đó, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng phải nêu cao tinh thần, dũng khí đấu tranh không khoan nhượng với mọi biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, quyết liệt chống chủ nghĩa cá nhân, xem đó là “thang thuốc hay nhất”, “thang thuốc thánh” để PCTN như Bác Hồ từng căn dặn. Có như vậy thì Đảng mới từng bước trưởng thành, tiến bộ, hoàn thành sứ mệnh lịch sử vẻ vang mà dân tộc giao phó. Đó cũng chính là cách mà mỗi tổ chức, cá nhân góp phần đấu tranh đẩy lùi, tẩy trừ, thủ tiêu mọi âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc, chống phá cách mạng của các thế lực thù địch.
SÔNG TRÀ – TRẦN CHIẾN (QĐND)