Trước diễn biến dịch còn phức tạp, khó lường, vaccine ngừa Covid-19 vẫn luôn là “vũ khí” quan trọng nhất để bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Trong khi nhiều địa phương đang triển khai công tác tiêm chủng rất tốt thì lại có nơi sa vào các biện pháp có phần cực đoan, quan liêu, gây bức xúc.
Trước diễn biến dịch còn phức tạp, khó lường, vaccine ngừa Covid-19 vẫn luôn là “vũ khí” quan trọng nhất để bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Đại dịch Covid-19 tuy đã tạm lắng nhưng vẫn âm thầm lây lan. Số ca mắc và tử vong ở nước ta hiện nay tuy không lớn nhưng vẫn đáng kể và là lời nhắc nhở về nguy cơ vẫn còn đó. Vì vậy, Chính phủ đã dứt khoát yêu cầu “không để dịch bệnh bùng phát trở lại. Đẩy mạnh, thần tốc hơn nữa việc tiêm vaccine. Đây là vũ khí quan trọng nhất, quyết định việc phòng, chống dịch”.
Đây là chủ trương đúng đắn và kịp thời để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân. Tuy nhiên đó cũng là mục tiêu hết sức thách thức đối với một số chính quyền ở địa phương trong bối cảnh dịch bệnh không còn căng thẳng, người dân dần có tâm lý coi thường. Đặc biệt, khi vận động tiêm chủng cho đối tượng trẻ em, học sinh thì nhiều phụ huynh có tâm lý lo ngại cho rằng con mình còn nhỏ, sức đề kháng yếu không nên tiêm, hoặc thậm chí nghĩ rằng trẻ em mắc Covid-19 thì không nguy hiểm. Điều này dẫn đến kết quả là trong khi có nhiều tỉnh thành đạt tỷ lệ tiêm chủng cho trẻ em ở mức rất cao, thì ngược lại cũng có không ít những nơi mà tỷ lệ này quá thấp, từ đó hình thành nên tâm lý nóng vội cùng những giải pháp có phần cực đoan.
Mới đây dư luận xôn xao khi một phụ huynh ở Quảng Ninh bị lập biên bản vi phạm hành chính về lĩnh vực y tế khi không cho con tiêm vaccine. Trước đó nữa có những trường học dự định không cho học sinh tới dự lễ khai giảng hoặc không cho học bán trú nếu chưa tiêm vaccine. Khi dư luận lên tiếng thì những hình thức “xử phạt” này đã bị đình chỉ, nhưng đã kịp để lại tai tiếng không nhỏ về cách ứng xử từ phía nhà trường và chính quyền địa phương.
Cần nhìn nhận một thực tế rằng việc tiêm vaccine Covid 19 là một vấn đề xã hội, nơi mà mỗi người dân được phép có quan điểm riêng, ngoài ra chủ trương chung của Bộ Y tế đối với việc tiêm vaccine là “khuyến cáo” chứ không “bắt buộc”. Do đó, các hình thức yêu cầu lập biên bản hay hạn chế đều không hợp lý.
Vẫn biết trong những trường hợp như vậy, cả hai bên gồm cơ quan quản lý và người dân đều có những lý lẽ riêng của mình, nhưng điều quan trọng là phải tìm ra một điểm dung hoà và không đẩy sự việc đi quá xa sẽ bất lợi cho tình hình chung. Những biện pháp hành chính có thể là cần thiết nhưng phải làm sao để “dân hiểu, dân tin, dân ủng hộ” mới là việc khó khăn và có ý nghĩa.
An Diễm
Nguồn: Cánh cò