Qua sự giới thiệu của bạn bè, mình mới được xem chương trình của VTC Now “Xung đột Nga-Ukraina sau 6 tháng”, phát hôm 24/8 vừa qua. Khách mời được giới thiệu là thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân, GSTS, nguyên Viện phó Viện Chiến lược Quốc phòng, BQP.
Clip được VTC Now đưa lên Youtube với tiêu đề “Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân: Nga đánh mất uy tín ở trường quốc tế”. Đến nay, clip đã có gần 240.000 lượt xem, chứng tỏ sự quan tâm của người xem với tình hình chiến sự Nga-Ukraina.
Trả lời MC Huyền Phương, ông Quân khi điểm về những điều được và mất của Nga sau 6 tháng, đã nói một số ý mà mình thấy chưa chính xác hoặc chưa rõ lắm.
1. Ông Quân nói cái được của Nga là đã ban hành Luật phạt tù 7 năm những ai nói trái với tuyên bố của Bộ quốc phòng.”Đấy, cái đó là chúng ta rất chú ý”-ông nhấn mạnh.
Kỳ thực chẳng có cái Luật nào như thế cả.
Hôm 4/3/2022, trang chủ của tổng thống Putin và báo chí Nga đưa tin ông Putin đã ký ban hành Luật về trừng phạt tội tuyên truyền tin tức giả về các lực lượng vũ trang Nga. Theo đó, hành vi tung tin giả về quân đội sẽ bị phạt từ 700 nghìn đến 1,5 triệu ruble hoặc bị phạt tù 3 năm. Nếu sử dụng chức vụ quyền hạn để tung tin giả hoặc tung tin giả để kiếm lợi sẽ bị phạt 5 triệu ruble hoặc bị phạt tù từ 5-10 năm. Nếu hành vi phát tán tin giả về quân đội Nga gây hậu quả nghiêm trọng, đối tượng thực hiện hành vi này sẽ bị phạt tù giam từ 10-15 năm.
Không hề có nội dung “nói trái với Tuyên bố của BQP” và khung hình phạt 7 năm tù. Chỉ phạt về tội “bịa đặt”, “gieo rắc tin giả” mà thôi
2. Theo ông Quân “Chưa bao giờ sau thế chiến thứ hai, Nga lại mất uy tín trên trường quốc tế như hiện nay. Qua các cuộc họp Hội đồng bảo an, Đại hội đồng liên hợp quốc số phiếu ủng hộ Nga vô cùng ít”.
Cái ý này chắc rất quan trọng, nên VTC Now mới lấy để đặt tên cho clip này trên Youtube.
Có lẽ ông Nguyễn Hồng Quân sẽ rất bất ngờ khi biết được thông tin sau về cái gọi là “mất uy tín của Nga”:
Ngày 24/8/2022, tại Đại hội đồng Liên hợp quốc, ông Sergiy Kyslytsa, Đại diện thường trực của Ukraina tại Liên hợp quốc đã đọc Tuyên bố phản đối chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraina do chính quyền Kiev đề xuất. Kết quả, chỉ có 58 trong số 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc, tức chưa đến 1/3 thành viên LHQ ký ủng hộ Tuyên bố này. Trong số 58 quốc gia này có Hoa Kỳ, Anh, Albania, Australia, Canada, Cộng hòa Sec, Georgia, Pháp, Nhật Bản, Latvia, Litva, Italia, Tây Ban Nha và Ukraina. (Ảnh 3).
Chúng ta cùng phân tích số liệu từ kết quả cuộc họp trên của Đại Hội đồng Liên hợp quốc.
Hầu như không có quốc gia lớn và có ảnh hưởng nào (ngoài Mỹ và phương Tây, tất nhiên) chống lại Nga. Trong danh sách này vắng bóng Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan Indonesia, Saudi Arabia, Iran, Ai Cập, Algeria, Nam Phi và tất nhiên, Brazil, Argentina và Mexico…
Một nửa số quốc gia G20 không đứng về phía phương Tây chống lại Nga. Trong số 10 thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), chỉ có Singapore ủng hộ tuyên bố này. Trong số tám thành viên của Hiệp hội Hợp tác Khu vực Nam Á (SAARC), tất cả đều ủng hộ Nga. Trong số 11 thành viên (bao gồm cả liên kết) của Mercosur (thị trường chung Nam Mỹ), chỉ có một quốc gia là Colombia ký Tuyên bố. Liên minh Châu Phi (AU), tổ chức kế thừa hợp pháp của Tổ chức Thống nhất Châu Phi (OAU), bao gồm 55 quốc gia, không ai phản bội nước Nga, người bạn cũ của mình. Từ Liên đoàn các quốc gia Ả Rập (LAS), trong đó có 22 quốc gia là thành viên – cũng vậy.
Còn nhớ, đầu tháng 3 vừa qua, đã có tới 141 quốc gia thông qua Nghị quyết yêu cầu Nga rút quân khỏi Ukraina.
Như vậy, sau 6 tháng, số quốc gia phản đối chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine đã giảm từ 141 nước xuống còn 58 nước. Vậy, có phải là số quốc gia ủng hộ Nga là “vô cùng ít” hay không? Mất uy tín mà sao số quốc gia đứng về phía Nga ngày càng tăng mạnh thế?
3. Tướng Nguyễn Hồng Quân còn nói về cái mất của Nga, đó là “Nga không muốn Ukraina trở thành thành viên của Liên minh châu Âu, nhưng chính cuộc chiến này đã đẩy Ukraina vào gần với Liên minh châu Âu”.
Mình không rõ ý ông Quân nói “Nga không muốn Ukraina gia nhập EU” là dựa vào đâu? Mình chưa từng bao giờ đọc được điều đó trên báo chí Nga cũng như Ukraina từ trước đến nay. Nga chỉ chống lại việc Ukraina gia nhập NATO, uy hiếp trực tiếp an ninh của Nga như liên tiếp chục năm qua đã tuyên bố.
Ngày 17/6/2022, tổng thống Putin tại Diễn đàn kinh tế quốc tế Saint Peterburg đã tuyên bố Nga chưa bao giờ chống lại việc Ukraina gia nhập EU (ảnh 4).
Ông nói:
“Liên minh châu Âu không phải là một liên minh quân sự, do đó Nga chưa bao giờ phản đối việc kết nạp Ukraine làm thành viên của họ”
“Chúng tôi không bao giờ chống lại việc đó. Chúng tôi luôn luôn chống lại việc khai thác quân sự lãnh thổ Ukraina, vì điều đó uy hiếp an ninh của chúng tôi. Đó là điều mà chúng tôi đang chống lại. Còn hội nhập kinh tế, ơn Chúa, đó là việc của họ”.
4. Ông Quân nói rằng cái mất lớn nhất của Nga sau 6 tháng là “gia tăng sự dễ tổn thương về chính trị ở trong nước.”. Ông này nói “Lãnh đạo Nga chịu áp lực rất lớn vì phải tìm ra cách nào đó để tuyên bố chiến thắng. Sáu tháng rồi mà vẫn chưa tuyên bố được chiến thắng. Trước đây chúng ta nghĩ chỉ cần một tháng, nhưng đến dịp 9/5 vẫn chưa tuyên bố chiến thắng được, từ đó đến nay đã ba tháng vẫn chưa tìm ra lý do để tuyên bố chiến thắng”.
Ơ, lạ nhỉ, sự suy diễn kỳ lạ. Lãnh đạo Nga muốn tuyên bố chiến thắng từ bao giờ thế?
Cần nhớ, Nga chưa bao giờ tuyên bố sẽ lấy được Kiev trong mấy ngày như nhiều người vẫn tưởng nhầm. Và không hề có chuyện tưởng sẽ chiến thắng trong một tháng hay vào dịp 9/5. Tính toán chiến lược của Nga ông Quân làm sao mà biết được mà phỏng đoán như vậy. Mới hôm rồi, 7/7, ông Putin còn nói thẳng ra Nga vẫn chưa thực sự bắt đầu chiến dịch tại Ukraina kia mà. Thực sự, thì phải khác kia.
5. Ông Quân đánh giá “Không ai gây ảnh hưởng xấu cho tiếng Nga ở Ukraina bằng lãnh đạo Nga” sau khi đưa ra các số liệu như 77% người dân Ukraina phản đối dạy tiếng Nga trong trường học, 73% phản đối dùng tiếng Nga trong Toà án và các cơ quan Chính phủ.
Không biết các số liệu này ông Quân lấy từ đâu? Mình tìm trên mạng Ukraina không thấy cuộc thăm dò ý kiến này. Mà nói đúng ra, chẳng cần ý kiến dân, thì Chính quyền Ukraina ngay từ trước cuộc chiến nhiều năm đã thông qua nhiều đạo luật nhằm hạn chế và loại bỏ tiếng Nga ra khỏi ngành giáo dục và các lĩnh vực khác.
Ngày 16 tháng 1 năm 2020, Verkhovna Rada (Quốc hội Ukraina) đã thông qua luật “Hoàn thiện giáo dục trung học phổ thông” (do Vladimir Zelensky ký ngày 13 tháng 3), quy định giảm giảng dạy tiếng Nga và ngôn ngữ dân tộc thiểu số bắt đầu từ lớp năm trung học cơ sở. Những người nói tiếng Nga phải chịu sự phân biệt đối xử lớn nhất: đối với họ, ít nhất 80% môn học phải được thực hiện bằng tiếng Ukraina. Còn các dân tộc thiểu số nói ngôn ngữ của các quốc gia thành viên EU (như tiếng Hungari, Rumani…) được giao ít nhất 20% quá trình giáo dục bằng tiếng Ukraina, với sự gia tăng dần con số này lên 60% ở trường trung học. Một ngoại lệ chỉ dành cho “người bản địa” có thể học bằng tiếng mẹ đẻ của họ cùng với việc học tiếng Ukraina (luật về người bản địa ngày 21 tháng 7 năm 2021 đã loại trừ người Nga, cũng như đại diện của đa số các dân tộc thiểu số, khỏi danh sách người bản địa của Ukraine, chỉ cấp quy chế này cho người Tatars, người Karaites và người Krymchaks ở Crimea).
Từ ngày 1 tháng 9 năm 2020, các trường dạy tiếng Nga ở Ukraine, theo quy định của pháp luật, chuyển sang ngôn ngữ nhà nước ( tiếng Ukraina) . Cơ hội tiếp tục học tiếng Nga chỉ dành cho học sinh tiểu học nhập học trước ngày 1 tháng 9 năm 2018. Lệnh cấm sử dụng tiếng Nga cũng được áp dụng trong tất cả các lĩnh vực nhà nước và đời sống công cộng. Hạn ngạch cho các đài truyền hình 90% bằng tiếng Ukraina…
Như vậy, đâu phải chờ đến sau ngày 24/2, Ukraina mới có những hạn chế về tiếng Nga như vậy, mà bảo là các lãnh đạo Nga vì chiến dịch quân sự đặc biệt nên đã đem đến ảnh hưởng xấu cho tiếng Nga tại Ukraina?
Còn một số thông tin, nhận định nữa của ông Nguyễn Hồng Quân trong Chương trình này, và một số Chương trình trước đó nữa của VTC Now (cả tối nay mình ngồi xem) mình cảm thấy có lẽ cần phải trao đổi lại nữa để rõ hơn. Và cái quan trọng là phải có nguồn chính xác . Ví dụ như ông nói, “mưu đồ” của Nga là chiếm đất, chiếm dân của Ukraina, rằng Nga đang sa lầy ở đó và có thể sẽ dùng vũ khí hạt nhân, rồi mâu thuẫn sắc tộc trong quân đội Nga( dân Buryatia theo đạo Phật, dân Dagestan theo đạo Hồi), quân đội Nga sa sút tinh thần, gia đình họ bất mãn, rồi giả thiết của ông là các vụ nổ gần đây ở Crimea “không loại trừ là do phản chiến”…
VTC Now đã chọn GSTS, thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân, nguyên Viện phó Viện Nghiên cứu Chiến lược BQP để bình luận chứng tỏ họ rất tin tưởng vào các thông tin, nhận định của ông.
Nguồn: Diễn đàn Dân chủ