“Người anh em” Lào của Việt Nam đứng trước nguy cơ trở thành quân cờ do rơi vào bẫy nợ của Trung Quốc. Hơn hết để tránh những tai bay vạ gió, Việt Nam cần có những hành động gì?
Vài năm gần đây, nguy cơ Lào rơi vào bẫy nợ của Trung Quốc đang ngày càng khiến giới chuyên gia lo ngại.
Không ai có thể dự đoán chỉ vào cuối tháng 5 này mà mức lạm phát của Lào đã đạt tới mức cao nhất 12.8%, cao nhất Châu Á. Cuối tháng 6, dự trữ ngoại hối của Lào đã giảm xuống chỉ còn 864 triệu USD, trong khi nợ phải trả của nước này từ nay đến cuối năm 2024 là hơn 1 tỉ USD/năm. Lấy lý do là do Covid-19 khiến nguồn dự trữ ngoại hối cạn kiệt. Tuy nhiên, các hãng đánh giá tín nhiệm và giới ngoại giao phương Tây đã gióng lên cảnh báo về mức nợ công của Lào, vốn bị đội lên nhanh do các dự án thủy điện trên sông Mekong, và dự án đường sắt cao tốc do Trung Quốc chống lưng.
Trên thực tế, mối lo ngại lớn nhất ở Lào vẫn là nợ công tăng cao. Được biết, nợ công của nước này đạt 14,5 tỷ USD vào năm ngoái, khoảng một nửa trong số đó là nợ Trung Quốc. Theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới, con số nợ công chiếm tới 88% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Lào.
Cho đến thời điểm hiện tại cả thế giới không còn làm lẫm gì với thủ đoạn gài bẫy của Trung Quốc. Từ những lời đề nghị lớn lao, Bắc Kinh gài bẫy các nước nghèo về phát triển cơ sở hạ tầng với tốc độ cực nhanh, tuy nhiên cái giá của nó chính là việc gán nợ bằng các tài sản quốc gia. Việc Trung Quốc sở hữu Cảng Hambantota ở Sri Lanka là ví dụ điển hình.
Điều đáng nói, công ty điện lực nhà nước Ėlectricité du Laos (EDL) nợ Trung Quốc 8 tỉ USD. Nếu không trả nợ kịp thời thì khả năng nhà máy điện này sẽ có nguy cơ bị ép chuyển cho Trung Quốc. Và hiện tại, doanh nghiệp nhà nước China Southern Power Grid nắm cổ phần kiểm soát trong lưới điện quốc gia của Lào. Điều này đặc biệt nguy hiểm bởi an ninh năng lượng của một quốc gia mà mất thì không biết điều gì sẽ xảy ra.
Việt Nam nên làm gì?
Phải thẳng thắn nhìn nhận rằng với các nước láng giềng thì Lào là quốc gia có mối quan hệ đặc biệt và thâm tình nhất. Không có xung đột chỉ có hợp tác và phát triển. Bởi vậy khi người anh em gặp khó khăn việc giang tay giúp đỡ là điều tất nhiên. Ngoài việc gìn giữ mối quan hệ giao hảo thì cũng là vì an ninh biên giới giữa hai nước. Việt Nam – Lào có chung đường biên giới giáp tới 10 tỉnh thành, đặc biệt ở khu vực miền Trung.
Hơn nữa cần nhìn rõ âm mưu của Trung Quốc khi đầu tư những dự án khổng lồ tại Lào. Đó chính là khiến ASEAN buộc phải “cân nhắc kĩ càng các mối quan ngại của Trung Quốc khi đưa ra những quyết định” trong những vấn đề liên quan trên biển Đông. Chính vì thế giúp bạn cũng chính là cho chúng ta một cơ hội.
Trước mắt, Việt Nam có thể hỗ trợ bằng hình thức vay vốn. Tất nhiên cũng phải suy xét rất kĩ về số lượng nhưng rõ ràng Việt Nam đang có đà phát triển và kiềm chế lạm phát cực kì ổn định, việc san sẻ là điều có thể và cần thiết để phục vụ lợi ích lâu dài.
Thứ nữa, Việt Nam nên suy nghĩ việc xuất khẩu ngược lại điện sang Lào trong bối cảnh an ninh năng lượng nước này bị đe dọa nghiêm trọng. Với trọng tâm xây dựng nguồn năng lượng sạch, an toàn cùng nhu cầu rất lớn từ nước bạn việc đẩy nhanh các dự án điện là vô cùng cần thiết lúc này.
Tóm lại, mỗi bước ngoại giao là một bước thận trọng và phải suy tính thật kỹ lưỡng. Trong bối cảnh giao tranh quyền lực, Việt Nam ở thế giữa thì việc tự đẩy mạnh nội lực thì mới là điều thực sự cần thiết. Bài học từ Lào vẫn còn đang hiện hữu rất rõ!
Công Luân
Nguồn: Cánh cò