“Loa phường” trở thành nguyên cớ gây bức xúc và phản chiếu, gánh chịu nỗi niềm của thị dân.
Ngay trong cách gọi thông dụng là “loa phường”, không gian câu chuyện được định vị ở thành thị. Từ đó, tranh luận về sự hiện diện của phương tiện này nằm trọn vào bối cảnh đô thị, vốn đã chứa nhiều vấn đề.
“Loa phường” trở thành nguyên cớ gây bức xúc và phản chiếu, gánh chịu nỗi niềm của thị dân.
Ở nông thôn, hầu như chẳng ai phàn nàn về loa phóng thanh, khi nó thỉnh thoảng loan báo về vụ lúa mùa, mời bà con đi họp, rồi nhường khung trời cho gà gáy, nghé kêu.
Nhưng ở thị thành, tiếng loa tràn ra phố đã sẵn thập cẩm âm thanh, gia cố cho ma trận ô nhiễm tiếng ồn, tác động rất mạnh đến thần kinh con người.
Đó là một trong những nguyên nhân để nhiều người đòi bỏ “loa phường”, bên cạnh các lý do nội dung khô khan, truyền đạt kém thu hút, đã có nhiều phương thức truyền tin hiệu quả, tối ưu hơn…
Sau khi có thông tin Hà Nội khôi phục loa phường, gây tranh cãi, ngày 27.7, bà Nguyễn Thị Mai Hương, Phó giám đốc Sở TT-TT Hà Nội, khẳng định thủ đô chưa dừng hoạt động loa truyền thanh tại 579 xã, phường, thị xã, để gọi là khôi phục.
Loa phường lâu nay vẫn ở đó, chỉ là theo kế hoạch mới, sẽ thay đổi cách vận hành, số lượng – vị trí lắp đặt, nội dung – thời lượng phát thanh.
Ngành chức năng phải nói lại cho rõ, thì không chỉ truyền thông chưa ngọn ngành đến người dân, mà quan trọng hơn, đối tượng chịu tác động bởi quyết sách, chưa được tham khảo ý kiến.
Nhiều người muốn dẹp loa phường, nhưng vẫn có một bộ phận người dân còn cần đến. Giới trẻ cầm trên tay điện thoại thông minh không thích phương tiện báo tin cổ lỗ này, nhưng tiếng loa đối với nhiều người lớn tuổi là thông tin, hay một hoài niệm.
Nhìn sang Mỹ, Nhật, họ vẫn giữ hệ thống loa truyền thanh để cảnh báo động đất, lũ lụt, sóng thần hay sự cố hạt nhân, phóng tên lửa… Vấn đề là phiền toái thì nhiều người đã thấy, nhưng ưu điểm của dạng truyền báo này, cơ quan chuyên môn không trình bày, diễn giải kế hoạch, điều chỉnh, thì người dân khó thấy.
Nhiều người hay phản ứng tiêu cực trước một vấn đề dân sinh, liên quan đến bản thân và gia đình họ, nhưng thường được đưa ra không đầy đủ, tiếp nhận trong thế bị động và có phần áp đặt. Điều này góp phần dẫn đến nhiều vụ việc như lâu nay, dư luận, chủ yếu trên mạng xã hội, bị cuốn theo nhau vào luồng phê phán khi chưa có đủ chiều thông tin.
Tiếng loa phường tuy ầm ĩ nhưng không chắc gây căng thẳng hơn âm thanh tin nhắn nhẹ nhàng của các giao thức hiện đại như: Facebook, Zalo, Telegram. Tuy đã có bản tin thời tiết, báo cơn bão sắp đến, nhưng thêm tiếng loa cảnh giác thiên tai hẳn không thừa.
Người thụ hưởng cần quyết sách minh bạch, sòng phẳng. Tiếng loa có thể rè rẹt nhưng câu chuyện liên quan xung quanh nó cần rõ ràng. Để loa phường của hôm nay hay bất kỳ cá thể, vật dụng, vấn đề nào đó sắp tới đây, không trở thành mục tiêu để trút giận, giải tỏa ẩn ức hay lên đồng tập thể.
Võ Tiến (Thanh niên)