Việc Ủy ban Bảo vệ Nhà Báo (CPJ) công bố trao tặng cái gọi là “Giải thưởng Tự do Báo chí Quốc tế năm 2022” cho đối tượng Phạm Đoan Trang đã thấy rõ bản chất của tổ chức này.
Ủy ban Bảo vệ Nhà Báo trao giải thưởng cho đối tượng Phạm Đoan Trang.
Gốc gác của Ủy ban Bảo vệ Nhà báo
Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (Committee to Protect Journalists – CPJ) được thành lập năm 1981 ở tiểu bang New York với mục tiêu “thúc đẩy tự do ngôn luận trên toàn thế giới thông qua hoạt động bảo vệ quyền đưa tin và nền tự do báo chí trên cơ sở tôn trọng sự thật khách quan…”. Tôn chỉ ban đầu đó nghe có vẻ rất chân chính nhưng càng ngày các động cơ chính trị mờ ám và dã tâm can thiệp vào công việc nội bộ các nước của những người điều hành tổ chức càng rõ nét.
Nhìn lại một chút quá trình hoạt động của CPJ, ai cũng sẽ dễ dàng nhận ra cái gọi là “thúc đẩy tự do ngôn luận” hay “tôn trọng sự thật khách quan” thực chất chính là kích động các thành phần chống đối ở các nước có hệ tư tưởng đối lập với hệ tư tưởng tư bản chủ nghĩa.
Từ lâu CPJ vốn được biết đến như một tổ chức có “thâm niên” trong việc lợi dụng chiêu bài “bảo vệ nhà báo”, “bảo vệ tự do ngôn luận” để xuyên tạc, vu cáo, tạo áp lực và can thiệp vào công việc nội bộ của một số nước.
Từ nhiều năm nay, với giải thưởng “Tự do báo chí”, CPJ đã liên tục xây dựng mạng lưới chân rết làm truyền thông phục vụ cho các ý đồ chính trị của tổ chức này. Mượn danh nghĩa bảo vệ những người dám nói thật các tiêu cực của chính quyền các nước, CPJ thường thiết kế, xây dựng một “profile” cho các kẻ cơ hội chính trị trên mạng xã hội. Họ biến các nhân vật này thành nam, nữ “anh hùng”, “người tiên phong” chống phá chính quyền.
Tiếp đó, CPJ sử dụng tiền từ các quỹ liên quan đến chính trị để rót tiền làm công tác tài trợ, hướng dẫn, giúp các đối tượng thực hiện sản phẩm truyền thông như: Sách, bài viết trên MXH, trả lời phỏng vấn cho các kênh “ruột” của tổ chức… Mục đích nhằm dẫn dắt dư luận, gây chú ý với các nước phương Tây, mượn các nước này tạo sức ép lên chính quyền các nước. Âm mưu sau cùng làm rối loạn xã hội, tình hình chính trị các nước.
CPJ đã làm gì với Việt Nam?
Sau sự việc trao giải “Tự do báo chí” cho đối tượng Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (Mẹ Nấm), CPJ tiếp tục thực hiện một chuỗi các chiêu trò nhằm gây sức ép, buộc chính quyền Việt Nam trả tự do ngay lập tức cho các đối tượng Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Đình Lượng, Trần Thị Nga… Họ hy vọng có thể châm ngòi cho cái gọi là “phong trào đấu tranh vì tự do, dân chủ nhân quyền và tự do báo chí”. Họ cũng không giấu giếm ý đồ kích động biểu tình để chống phá chính quyền Việt Nam. Tuy vậy, phần lớn âm mưu của CPJ đều nhanh chóng bị các cơ quan chức năng của Việt Nam vạch trần và trở thành trò lố bị bêu riếu trước dư luận.
Nguyên do thứ nhất: Vì tư cách của những “nhà báo”, “nhà hoạt động nhân quyền” mà họ ra sức “bảo vệ” đều có vấn đề.
CPJ cố tình đánh đồng chức danh “nhà báo” với những người đăng tin thể hiện quan điểm cá nhân trên MXH. Trước đó, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Lê Đình Lượng, Trần Huỳnh Duy Thức cũng “mặc áo rộng” với danh xưng “nhà báo” hay “nhà hoạt động nhân quyền” cũng đăng tải nhiều nội dung sai sự thật. Trong khi họ không có cơ quan chủ quản. Huống hồ, họ là những đối tượng vi phạm pháp luật Việt Nam và đã lĩnh án.
Về mặt pháp lý, pháp luật Việt Nam có quy định rất rõ đâu là hoạt động báo chí và không hề có cái gọi là “nhà báo độc lập”, hay “nhà hoạt động nhân quyền”. Vậy nên, chẳng khó hiểu gì khi các đối tượng thường chẳng gây được nhiều tiếng vang với sự bơm thổi kệch cỡm ngay từ đầu.
Vậy nhưng, CPJ vẫn luôn tỏ ra ngoan cố. Mới nhất là việc trao “Giải thưởng tự do báo chí quốc tế 2022” cho Phạm Đoan Trang, người vốn bị một tờ báo khá lớn sa thải từ những năm 2013 vì vô kỷ luật, bị tước tư cách nhà báo từ lâu. Phạm Đoan Trang được tung hô hết nấc, trở thành vedett trong show diễn của CPJ. Tiền tài trợ của tổ chức này đổ vào túi “nhà báo” Phạm Đoan Trang cho các hoạt động như: xuất bản sách chui, trả lời phỏng vấn hàng loạt kênh cộm cán như: BBC News tiếng Việt, RFA; huy động các nhân vật cùng chung “chiến tuyến” lập “Nhà xuất bản tự do” để phát tán sách và tài liệu xuyên tạc tình hình, chống phá chính quyền Việt Nam.
Những tài liệu chống phá đất nước do Phạm Đoan Trang soạn thảo.
Khi công bố giải “Tự do báo chí” thì Phạm Đoan Trang của CPJ đã là phạm nhân, chấp hành án phạt cho một loạt các vi phạm pháp luật có hệ thống như cáo trạng hôm 14/12/2021 đã nêu: “Phạm Thị Đoan Trang phải chịu trách nhiệm hình sự vì nhiều lần thực hiện hành vi làm ra, tàng trữ và lưu hành các tài liệu có nội dung nhằm chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam”. Phạm Đoan Trang thực tế là tội phạm, chứ không phải là một “nhà báo độc lập”, hoặc một “nhà hoạt động nhân quyền”. Lại thêm lần nữa, hiện thực nhân thân của các nhân vật được vinh danh của CPJ làm nhiều người ngao ngán.
Nguyên do thứ 2: Vì đã xuyên tạc tình hình chính trị – xã hội Việt Nam nên há miệng mắc quai.
Thực tế ở Việt Nam không có chuyện “tấn công, đàn áp báo giới và quan trọng hơn nữa là Việt Nam không ngăn chặn mọi trang web, blog và những tài liệu trên mạng…”như CPJ vẫn thường rêu rao.
Về cáo buộc Việt Nam không đảm bảo tự do tiếp nhận thông tin và ngôn luận, thì các số liệu thống kê cho thấy Việt Nam hiện có hơn 700 cơ quan báo chí, trong đó có 634 cơ quan báo in với 813 ấn phẩm, 70 đài phát thanh, truyền hình trung ương và địa phương, hơn 200 báo điện tử và hệ thống báo mạng; 1 đài phát thanh và 1 đài truyền hình quốc gia, 4 đài truyền hình khu vực và hơn 600 đài truyền thanh cấp huyện. Bên cạnh hơn 19.000 hội viên Hội Nhà báo Việt Nam cùng hàng nghìn phóng viên hoạt động báo chí chuyên nghiệp.
Hơn nữa, tính tới tháng 6/2021, số lượng người dùng Internet ở Việt Nam đã là gần 70 triệu người (chiếm hơn 70% dân số); số người sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam là gần 76 triệu người, tăng gần 10 triệu người trong vòng 1 năm (tương đương 73,7% dân số). Việt Nam là quốc gia có lượng người dùng Internet cao thứ 12 trên toàn thế giới và đứng thứ 6 trong tổng số 35 quốc gia – vùng lãnh thổ khu vực châu Á.
Luận điệu xuyên tạc của CPJ.
Nếu Việt Nam không có tự do ngôn luận, e rằng ngay bài đầu tiên bày tỏ sự khác biệt chính kiến, Phạm Đoan Trang đã bị “bắt bớ” (từ mà các tổ chức như CPJ vẫn hay dùng) ngay lập tức, chứ không phải đợi đến 5 năm sau, khi dối tướng dấn thêm một bước, xâm hại đến lợi ích của các cá nhân và cơ quan tổ chức, gây ảnh hưởng đến lợi ích của người dân thì mới bị truy tố và xét xử. Vì lẽ đó, CPJ đã “há miệng mắc quai” ngay khi đưa ra cáo buộc.
Lố bịch hơn khi không dừng lại ở những luận điệu xuyên tạc, vu cáo, CPJ còn lên tiếng “khuyến nghị” một số tổ chức quốc tế như Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, Liên minh châu Âu,… cần đưa vấn đề tự do báo chí, tự do internet thành những điều kiện trong quan hệ hợp tác với Việt Nam. Hành vi của CPJ chính là đang xâm phạm lợi ích của dân tộc Việt Nam.
CPJ không ngừng tiếp nhận những “con rối”
Không riêng gì Việt Nam, các nước đang phát triển thường xuyên là mục tiêu của một số tổ chức phi chính phủ khoác áo nhân quyền, tự do dân chủ như CPJ. Tần suất xuyên tạc, vu cáo của họ càng lúc càng thô thiển, bất chấp tình hình thực tế khách quan tại các nước.
Không đại diện cho ai, không nhân danh được bất cứ “chính nghĩa” nào, những con rối của CPJ đang dần rơi rụng. Rồi sẽ lại có các con rối mới, múa theo yêu cầu trong thời gian tới, vì tổ chức khủng bố “Việt Tân”, VOICE hay nhiều tổ chức chống phá khác rất hăng hái tìm kiếm và môi giới các ngôi sao mới của “làng dân chủ” cho các bầu show cỡ lớn như CPJ.
Vì vậy, tinh thần cảnh giác cao độ và công tác tuyên truyền đúng, chính xác các chủ trương chính sách của đất nước là vô cùng quan trọng. Mỗi người cần kiên quyết không nhân nhượng trên mặt trận truyền thông, báo chí, tuyệt đối không để cho những kẻ dối trá, luôn ủ mưu phá hoại thành quả của cả dân tộc giở trò ma mị dưới các chiêu bài “dân chủ”, “nhân quyền”.
Phạm Khoa
Nguồn: Cánh cò